Đổi thay bản Liên Minh

01/07/2011 17:31

Bản Liên Minh (xưa gọi bản Có Lến) nằm cheo leo dưới chân núi, ven bờ sông Nậm Giải thuộc xã Châu Kim, huyện vùng cao biên giới Quế Phong. Bản hiện có 57 hộ, 289 nhân khẩu, là đồng bào dân tộc Thái. Mặc dù là bản vùng cao, đời sống kinh tế, cơ sở hạ tầng, đường giao thông còn nhiều khó khăn... Nhưng bằng ý chí và nghị lực người dân nơi đây ra sức tạo dựng cho mình cuộc sống mới ấm no, trở thành điểm sáng về mọi mặt, được Đảng ủy, UBND xã đánh giá cao.

Bản Liên Minh (xưa gọi bản Có Lến) nằm cheo leo dưới chân núi, ven bờ sông Nậm Giải thuộc xã Châu Kim, huyện vùng cao biên giới Quế Phong. Bản hiện có 57 hộ, 289 nhân khẩu, là đồng bào dân tộc Thái. Mặc dù là bản vùng cao, đời sống kinh tế, cơ sở hạ tầng, đường giao thông còn nhiều khó khăn... Nhưng bằng ý chí và nghị lực người dân nơi đây ra sức tạo dựng cho mình cuộc sống mới ấm no, trở thành điểm sáng về mọi mặt, được Đảng ủy, UBND xã đánh giá cao.


Chị Lô Thị An - Bí thư chi bộ cho biết: Những năm trước đây, Liên Minh là vùng quê heo hút, nghèo đói, các hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đời sống, sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào. Nhưng với truyền thống đoàn kết một lòng tin Đảng, bà con bản Liên Minh đã bắt tay xây dựng đời sống văn hóa mới. Qua 5 năm (2005 - 2010) thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" mà lực lượng nòng cốt của mọi phong trào là những cán bộ, đảng viên trong toàn chi bộ, cùng với sự phối hợp hoạt động tích cực của đoàn thể.


Bản Liên Minh đón nhận danh hiệu Làng văn hoá năm 2010


Nhờ vậy, mọi phong trào ở Liên Minh đều sôi nổi, rộng khắp. Thông qua cuộc vận động, người dân đã nhận thức được việc xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa là một chủ trương đúng, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của địa phương. Đến nay, bản Liên Minh đã có hơn 84% số hộ được công nhận đạt chuẩn văn hóa, trong đó hơn 15% số hộ đạt gia đình văn hóa tiêu biểu.


Trong quá trình xây dựng bản văn hóa, gia đình văn hóa, Liên Minh gặp không ít khó khăn về tiêu chí giảm hộ nghèo, năm 2005, trong bản có tới hơn 60% tỷ lệ hộ đói nghèo. Liên Minh đã đẩy mạnh phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, đưa nhiều giống mới vào thâm canh trên 16 ha ruộng lúa 2 vụ/năm. Nhờ làm tốt khâu thủy lợi, chú trọng đầu tư chăm bón tốt nên năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha/ vụ, bình quân lương thực đạt 570 kg thóc/người/năm. Ngoài ra, đồng bào còn trồng hàng chục ha hoa màu như: sắn, ngô, khoai và rau đậu...Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, Liên Minh xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại kết hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và ao cá.


Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, các nghề truyền thống cũng được khôi phục như: Thêu dệt thổ cẩm, đan lát...


Giờ đây, người dân Liên Minh không những đã tự túc được nguồn lương thực tại chỗ mà hàng hóa làm ra được trao đổi, buôn bán trên thị trường, tăng thu nhập. Đến nay, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm xuống còn 30%, nâng số hộ khá, giàu khoảng 25%; hơn 90% số hộ có nhà xây, nhà sàn gỗ lợp ngói; 75% số hộ có xe máy; 96% số hộ có ti vi và điện thoại cố định; 100% số hộ sử dụng nước sạch sinh hoạt và có công trình vệ sinh, chuồng trại đúng qui định, công tác y tế xóm bản được triển khai thường xuyên, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia. Đến nay Liên Minh đã có 23 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, hiện nay đang công tác ở các cơ quan Nhà nước.


Sự đổi thay của Liên Minh được ghi nhận bằng việc bản Liên Minh vừa được UBND huyện Quế Phong công nhận là Làng văn hóa năm 2010.


Lao Thanh Chương