Ông giáo Mỹ và câu chuyện về Giáo dục Việt Nam

15/07/2011 18:04

- Hơn 7 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, tiến sĩ Sử học Gerard Sasges (ĐH California Berkeley-UCB) rất thích nói tiếng Việt và uống bia hơi trên đường phố Hà Nội. Báo GDVN đã có cuộc trò chuyện với “ông giáo Mỹ” trên đất Việt.

HS Việt Nam bị "ép" phải chọn nghề quá sớm

- Ở Việt Nam hiện nay, nhiều bạn trẻ có xu hướng lựa chọn theo học những chuyên ngành liên quan tới Kinh tế, Tài chính, QTKD... Thậm chí, bản thân các trường ĐH, CĐ muốn tồn tại cũng phải mở thêm các chuyên ngành này. Cá nhân ông nghĩ sao về hiện tượng này?

Đúng là ở Việt Nam hiện nay, các trường tập trung quá nhiều vào đào tạo kinh tế, tài chính… Sinh viên nghĩ họ có thể kiếm được một công việc tốt, kiếm được nhiều tiền hơn nhờ học ngành “hot”, trong khi ít quan tâm tới những giá trị xã hội khác. Thiết nghĩ, sinh viên trong nền giáo dục đó sẽ không được “tròn”.

Giáo dục nhân văn cho sinh viên thực sự vẫn rất quan trọng. Sinh viên học bất kể ngành nào cũng đều phải hiểu rất rõ về nhân văn. Cá nhân tôi nghĩ, bất cứ quốc gia nào coi nhẹ giáo dục nhân văn cũng đều là thiếu sót và sẽ rất khó để tạo nên một xã hội cân bằng các giá trị trong tương lai.

- 18 tuổi, học sinh Việt Nam đã phải quyết định tương lai mình sẽ làm gì (thông qua việc đăng ký hồ sơ dự thi ĐH). Ông có nghĩ như thế là quá sớm-quá khó cho học sinh và thực tế cách làm ở Mỹ là như thế nào, thưa ông?

Ở Mỹ, ba năm đầu sinh viên chúng tôi theo học chương trình chung. Đó là bước đệm để mỗi cá nhân học sinh nhận biết ngành nghề phù hợp với mình, rồi năm cuối mới học chuyên ngành (nghề). Tôi nghĩ các em học sinh nên được tự do hơn trong việc lựa chọn môn học để hiểu mình thực sự muốn học điều gì?

Tôi thấy nhiều sinh viên Việt Nam phàn nàn về việc “đi nhầm đường” nhưng để chuyển sang ngành khác thì gặp quá nhiều rào cản.

Trong khi bình thường ở Mỹ, nếu ban đầu chọn sai, họ vẫn có thể được chuyển tiếp sang trường cho phép và chỉ cần học bổ sung kiến thức ngành.


- Gần 10 năm giảng dạy và tiếp xúc với sinh viên Việt Nam, ông thấy điều gì ở họ khiến ông “khó bảo” nhất?

Sinh viên Việt Nam chăm chỉ và thông minh, tuy nhiên tính chủ động thì chưa được cao lắm. Vấn đề kết hợp giữa lý thuyết và thực hành/thực tế cũng rất quan trọng, bởi theo tôi, nếu chỉ dựa vào kiến thức trên lớp thì sinh viên sẽ không thể hiểu cặn kẽ vấn đề.

Đó là lý do tại sao khi học về sự phát triển của công nghiệp Việt Nam, tôi bắt các em phải thăm quan các nhà máy; hay trong môn về nông nghiệp, tôi yêu cầu sinh viên của mình phải tự đi gặt lúa.


Muốn giỏi, trước tiên phải học ngoại ngữ

- Từng nhiều năm phụ trách chương trình liên kết đào tạo giữa trường ĐH Hà Nội và UCB, ông đánh giá thế nào về hiệu quả chung của các chương trình liên kết này ở Việt Nam hiện nay?

Chỉ nói riêng ở Hà Nội, theo tôi được biết, các trường như ĐHQG HN, ĐH Bách Khoa HN, ĐH Nông nghiệp HN… đã có những khoa và chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Người ta nghĩ rằng học bằng tiếng nước ngoài là cách hiệu quả nhất để có giáo trình mới, phương pháp giảng dạy mới và tạo ra một thế hệ sinh viên mới, giỏi cả chuyên môn và ngoại ngữ.

Thế nhưng theo tôi, các chương trình này thực sự chưa đạt được những hiệu quả như mong muốn.

- Nguyên nhân dẫn tới những yếu kém đó là gì, thưa ông?

Theo quan điểm cá nhân tôi, có 4 nguyên.

Thứ nhất, các giáo viên được chọn vì giỏi tiếng Anh chứ không phải vì giỏi chuyên môn.

Thứ hai, mặc dù giỏi về tiếng Anh, nhưng giáo viên sẽ luôn giảng dạy sâu sắc hơn bằng tiếng bản xứ.

Thứ ba, vì nhiều giáo viên chưa có chuyên môn, chưa giỏi tiếng Anh, nên phương pháp giảng dạy bị ảnh hưởng nhiều.

Đôi khi, nhiều lớp học dùng giáo trình rất tùy tiện, đã hết “đát” ở nước ngoài và không thường xuyên cập nhật các tài liệu mới.

Và bởi cả giáo viên và sinh viên đều thiếu khả năng tiếng Anh, do đó trong lớp các giảng viên phụ thuộc nhiều vào powerpoint và các sinh viên cũng chỉ việc chép lại.

Như vậy, giáo trình và phương pháp giảng dạy mới lại rất giống… phương pháp cũ.

Cuối cùng, quan trọng nhất là khả năng tiếng Anh của các sinh viên.

Khi tôi vào một lớp học nâng cao giảng dạy, tôi biết rằng dù tôi nói chậm, phát âm chuẩn và dùng từ vựng đơn giản hơn bình thường thì cũng chỉ có một phần ba sinh viên theo được.

Một phần ba hiểu một nửa, còn lại... Và nếu các sinh viên đã khó hiểu lời của thầy thì ai sẽ có đủ khả năng và tự tin để hỏi thầy và tham gia vào các thảo luận trong lớp, chứ chưa nói gì tới việc ứng dụng những kiến thức học được vào thực tế cuộc sống?

Chúng ta sẽ phải công nhận rằng các sinh viên giỏi và khá có thể đạt điểm cao chính là bởi họ giỏi tiếng Anh, chứ không phải bởi họ giỏi chuyên môn.

Tôi nghĩ các sinh viên Việt Nam cũng nên học tiếng nước ngoài, càng nhiều càng tốt. Ai có năng khiếu về ngôn ngữ hay định theo đuổi một nghề nghiệp mà tiếng nước ngoài là cần thiết thì nên học nhiều hơn.

Nhưng kiến thức chuyên môn thì nên học bằng tiếng Việt. Các giáo viên sẽ giảng dạy tốt hơn, sinh viên có thể học tốt hơn.

Nếu chúng ta thực sự muốn tạo ra một thế hệ sinh viên mới, giỏi về chuyên môn và sẵn sàng xây dựng đất nước thì tiếng Việt ta vẫn hơn tiếng Tây.


(Theo Báo Giáo dục Việt Nam)