Thanh Chương, Nam Đàn: Quan tâm bảo vệ các tuyến đê xung yếu, các hồ đập
(Baonghean) - Huyện Thanh Chương (Nghệ An) – địa phương có hệ thống sông, suối, khe, hồ đập và đồi núi lớn, vì vậy huyện tập trung cao để chỉ đạo phòng tránh, ứng phó với tình hình lũ quét, lũ ống và sạt lở đất có thể xảy ra trong cơn bão số 3, kèm theo mưa lớn. Để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, UBND huyện Thanh Chương đã ban hành 2 Công điện vào ngày 28 và 29 tháng 7, tiến hành cuộc họp khẩn cấp bàn nhiệm vụ phòng chống bão số 3. Các thành viên Ban chỉ đạo PCBL huyện được giao trực tiếp từng địa bàn chỉ đạo cơ sở, thường xuyên nắm bắt thông tin để kịp thời báo cáo về huyện và tỉnh. Các ngành, địa phương trên địa bàn huyện chuẩn bị lực lượng xung kích hộ đê và chủ động phương án di dân kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Thanh Chương cũng xác định rõ các khu vực xung yếu phải chuẩn bị đặc biệt để sẵn sàng ứng phó và túc trực 24/24 giờ, gồm 2 tuyến đê Cẩm Thái, Đồng Văn; các cầu treo Sông Giăng, cầu treo Dùng; hệ thống các hồ đập vùng hữu ngạn sông Lam; khu vực đồi núi vùng Bích Hào, vùng đồng bào tái định cử thủy điện Bản Vẽ…
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, vào hồi 16 giờ 30 phút ngày 29 tháng 07 trên địa bàn Thanh Chương đã có gió lốc kèm theo mưa to ở một số khu vực thuộc các xã Thanh Xuân, Thanh Nho, Thanh Hòa, Cát Văn, Thanh Mỹ…, gây ảnh hưởng đến hoa màu, làm đổ một số cây cối, một số nhà tốc mái. Rất may là không có thiệt hại về người. Nhìn chung, tính đến 18 giờ 30 phút ngày 30/7, trên địa bàn Thanh Chương mọi công tác chuẩn bị đối phó với cơn bão số 3 đã sẵn sàng với sự chủ động cao.
.
Tại huyện Nam Đàn ( Nghệ An), để tích cực chuẩn bị, ứng phó với cơn bão số 3 có thể đổ bộ vào địa bàn, chiều 29/7, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão huyện đã kịp thời họp bàn với các ngành, lực lượng và các địa phương về các biện pháp ứng phó cơn bão số 3. UBND huyện cũng ban hành Công điện nhằm tập trung chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, cơ quan, đơn vị. Huyện đã phân công ngành điện theo dõi diễn biến của bão để kịp thời cắt điện khi bão vào hoặc ngập nước; Phòng giáo dục – đào tạo chỉ đạo hiệu trưởng các trường học cử người túc trực 24/24 nhằm vận chuyển các thiết bị, đồ dùng, sách vở phục vụ dạy và học khi nước dâng cao, gây ngập lụt; ngành y tế chuẩn bị các cơ số thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và khắc phục hậu quả về môi trường, dịch bệnh sau mưa bão…
Huyện Nam Đàn cũng đang tập trung và thường xuyên túc trực nắm tình hình tại các điểm xung yếu, gồm cống ba ra Nam Đàn, ba ra Vân Diên, tuyến đê xung yếu Hòa Lạc, Hồng Long – Xuân Lâm; tuyến đê vùng 5 nam; các hồ đập. Có phương án di dời lên bờ hơn 100 hộ dân làng chài ở xã Nam Lộc khi mức nước sông Lam dâng cao. Tập trung nhân lực, vật lực phòng chống vỡ đê quai 2 Cống ba ra Nam Đàn, vùng đê 5 nam, các vùng hồ đập, theo dõi các hồ đập để kịp thời xử lý nếu xẩy ra sự cố.
Từ chiều ngày 29/7, trên địa bàn Nam Đàn đã xuất hiện mưa kèm theo gió, đặc biệt vào chiều 30/07, lượng mưa tăng, gây ngập úng một số diện tích sản xuất của người dân. Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão huyện, nếu suốt đêm nay vẫn duy trì lượng mưa như hiện tại, cộng thêm nước từ thượng nguồn đổ về (Nam Đàn chịu ảnh hưởng trực tiếp nước từ thượng nguồn đổ về của 2 con sông Lam và sông La) thì Nam Đàn dự báo sẽ thiệt hại rất lớn đến sản xuất hè thu, trực tiếp là 6.000 ha lúa hè thu và hơn 2.000 ha lạc, đậu xanh, và rau màu các loại.
Các lực lượng, phương tiện ở Nam Đàn đã, đang sẵn sàng và chủ động cứu hộ, cứu nạn, giảm thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 3.
Minh Chi