4 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ đều phủ nhận trách nhiệm

01/07/2011 09:46

Thái độ bất hợp tác của các bị cáo khi nhiều lần rời khỏi phòng xử án giữa lúc phiên tòa đang diễn ra, đã gây bức xúc cho những người tham dự phiên xét xử.

Ngày 30/6, Tòa án Xét xử Tội ác Khmer Đỏ ở Campuchia hoàn thành ngày thứ tư và là ngày cuối cùng của phiên xét xử đầu tiên đối với 4 cựu lãnh đạo còn sống của chế độ Khmer Đỏ. Phiên tòa nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo quần chúng nhân dân Campuchia và báo chí quốc tế, với mong mỏi công lý sẽ được thực thi đối với những kẻ chịu trách nhiệm về cái chết của gần 2 triệu người Campuchia dưới chế độ tàn bạo của Khmer Đỏ từ 1975 đến 1979.


Các bị cáo lần lượt từ trái sang gồm: Nuon Chea, Ieng Sary,
Khieu Samphan và Ieng Thirith

Bốn bị cáo được đưa ra xét xử trong phiên tòa đầu tiên của "Hồ sơ số 002" bao gồm: Nuon Chea là nhân vật số hai sau Pol Pot, Ieng Sary làm Bộ trưởng Ngoại giao, Ieng Thirith (vợ Ieng Sary) làm Bộ trưởng Xã hội, còn Khieu Samphan làm Chủ tịch nước... dưới thời Khmer Đỏ. Bốn người này bị cáo buộc các tội danh diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và nhiều tội danh khác liên quan tới cái chết của một phần tư dân số Campuchia trong thời gian tồn tại 3 năm 8 tháng, 20 ngày của chế độ Khmer Đỏ.

Sau 4 ngày xét xử, Tòa án đã thông qua danh sách cuối cùng gồm 1.092 nhân chứng của các bên, chuẩn bị cho phiên xét xử thực chất có thể bắt đầu vào cuối tháng 8 hoặc trong tháng 9 tới. Tòa cũng lắng nghe luật sư và đại diện các bên liên quan trình bày những cơ sở buộc tội hoặc bào chữa đầu tiên. Đáng chú ý, cho đến thời điểm này, trong tất cả các phát biểu của mình tại phiên tòa, bốn bị cáo đều phủ nhận trách nhiệm của mình đối với các cáo buộc và tuyên bố vô tội. Bên cạnh đó, thái độ bất hợp tác của các bị cáo khi nhiều lần rời khỏi phòng xử án giữa lúc phiên tòa đang diễn ra, đã gây bức xúc cho những người tham dự và theo dõi quá trình xét xử.

Ông Hun Chim, 76 tuổi, một nạn nhân dưới chế độ Khmer Đỏ, khẳng định: "Tôi không tin là họ vô tội. Các bị cáo có tội. Họ là lãnh đạo cao cấp của chế độ. Họ đề ra đường lối nên cấp dưới mới dám làm. Họ phải biết và chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Đất nước nào cũng phải có người lãnh đạo, tôi phản đối việc họ không chịu trách nhiệm với những tội ác diệt chủng".

Phiên xét xử vừa qua mới chỉ là một trong những bước đi đầu tiên trong chặng đường dài tìm kiếm công lý cho 2 triệu nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ và những người thân của họ. Do tính chất phức tạp của phiên tòa được ví như "Tòa án Nuremberg thứ hai," gần như chắc chắn, các phiên xét xử sẽ phải kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Trong số những người quan tâm đến phiên tòa, không khỏi có ý kiến lo ngại rằng, do tuổi đã quá cao (các bị cáo đều từ 79 đến 86 tuổi), có thể các bị cáo sẽ qua đời trước khi bản án được tuyên. Tuy nhiên, đối với những nạn nhân may mắn sống sót qua những ngày tháng đen tối của chế độ Khmer Đỏ, phiên tòa cần phải được tiến hành đến cùng, vì công lý.

Ông Bum-Mêng, 70 tuổi, ở tỉnh Com Puông Chàm - một trong số 7 nạn nhân sống sót khỏi nhà tù khét tiếng Toul Sleng cho biết: "Trong giờ phút này, tôi vẫn luôn thương tiếc và nhớ đến những nạn nhân bị giết hại, đặc biệt là gia đình của tôi. Người vợ và các con cháu của tôi đã chết từ ngày đó. Tôi vô cùng thương nhớ họ. Không chỉ gia đình tôi, các gia đình Campuchia mà toàn thể nhân dân thế giới cũng muốn nhìn thấy công lý".

Từ khi Tòa án Xét xử Tội ác Khmer Đỏ ở Campuchia bắt đầu các bước chuẩn bị cho việc xét xử Hồ sơ 002, đã có 100.000 lượt người dân Campuchia và quốc tế đến trụ sở Tòa án tìm hiểu thông tin, tham gia các buổi điều trần, dự triển lãm về quá trình xét xử và tội ác của Khmer Đỏ.

Theo kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm Quyền con người thuộc Đại học California-Berkely (Mỹ) thực hiện vừa công bố về phiên tòa đầu tiên, khoảng 76% người Campuchia được hỏi tin tưởng, Tòa án Xét xử Tội ác Khmer Đỏ sẽ mang lại công lý cho các nạn nhân và gia đình của họ. 81% người được hỏi cũng cho rằng, việc đưa các nhân vật cao cấp nhất còn sống của chế độ Khmer Đỏ ra xét xử sẽ giúp thúc đẩy hòa giải dân tộc tại Campuchia, khép lại chương đen tối nhất trong lịch sử đất nước Chùa Tháp.


Theo VOV