Nhìn từ góc độ sản xuất nông nghiệp

27/07/2011 09:50

Vấn đề ATVSTP đã được đề cập lâu nay, có thể nói... "muôn hình, vạn trạng". Ở bài viết này, chúng tôi chỉ phản ánh giới hạn ở việc mất ATVSTP các mặt hàng ngành nông - thủy sản, được đông đảo cử tri quan tâm, lo lắng, phản ánh nhiều nhất tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri đối với đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh trong mấy năm trở lại đây.

Có thể nói, điều gây băn khoăn, bức xúc nhất trong nhân dân, là tình trạng sử dụng các loại thuốc kích thích trong sản xuất rau như rau khoai, rau muống, dưa chuột, bí xanh, giá đỗ, các loại rau gia vị.... Bên cạnh cây trồng thì việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản bằng thức ăn có kháng sinh, chất kích thích tăng trọng, tạo nạc đều gây ra tồn dư hóa chất; chữa bệnh cho gia súc, lợn, gia cầm, tôm, cá bằng kháng sinh vượt mức cho phép; ướp hải sản bằng u rê, bơm nước vào gia cầm trước khi bán, thậm chí dùng một số phụ gia làm biến đổi sản phẩm (từ thịt lợn sang thịt bò)... khiến cho dư lượng hoá chất trong thực phẩm luôn ở mức cao.


Người tiêu dùng khó phân biệt đâu là rau an toàn và không an toàn.

Ông Dương Xuân Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh khẳng định: Băn khoăn, lo lắng của nhân dân về tình trạng ATVSTP trong các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong thời gian qua là có cơ sở và rất chính đáng. Tuy vậy, do quy mô sản xuất của người dân chủ yếu là gia đình nhỏ lẻ nên ai cũng có thể trồng, có thể nuôi để đem ra chợ bán được. Chính điều này rất khó cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giám sát, kiểm tra, trong khi đó việc quy hoạch từng vùng trồng rau an toàn hay những trang trại chăn nuôi tập trung đạt chuẩn chưa được quan tâm đúng mức (cả tỉnh mới chỉ có xã Quỳnh Lương - Quỳnh Lưu mới được quy hoạch và chứng nhận). Thêm vào đó là người tiêu dùng chưa thể phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn và không an toàn, dẫn đến tình trạng dễ dãi trong việc chọn lựa thực phẩm.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng trong tỉnh mới chỉ lấy mẫu phân tích ở một số loại hóa chất bảo vệ thực vật mà người nông dân thường dùng chứ chưa kiểm tra được hết trong hàng loạt danh mục thuốc BVTV có trên thị trường. Vì vậy, tình trạng các loại sản phẩm nông nghiệp từ trái cây, rau củ quả và sản phẩm động vật không an toàn vẫn diễn ra thường xuyên. Đó là nguyên nhân góp phần làm gia tăng những vụ ngộ độc thực phẩm trong cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng ở mức cao và diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Chi cục VSATTP tỉnh thì từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 180 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 2 người tử vong (đó là những trường hợp nặng phải nhập viện, còn nhiều trường hợp ngộ độc nhẹ hoặc gia đình tự chữa thì cơ quan chức năng không kiểm soát được).

Mặc dù, thực tế đến nay, nhiều văn bản của các cơ quan Nhà nước đã được ban hành, nhiều cuộc vận động với những khuyến cáo được các cơ quan chức năng đưa ra để hướng dẫn người sản xuất đảm bảo VSATTP như sản xuất rau sạch, hạn chế sử dụng hóa chất... Tuy nhiên, hầu như chưa có những chế tài cụ thể, chưa có một cơ quan nào làm nhiệm vụ quản lý VSATTP một cách toàn diện, có hiệu lực đối với quá trình sản xuất các loại cây, con. Song tín hiệu đáng mừng là cùng với Luật ATVSTP ra đời và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chủ động ban hành Thông tư số 14/2011 quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản (có hiệu lực từ ngày 13/5/2011), nhằm siết chặt việc quản lý các doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thú y và chất lượng hàng nông sản, thực phẩm. Được UBND tỉnh đã giao trách nhiệm, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh đang xây dựng kế hoạch triển khai Thông tư 14, nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Tuy nhiên, trước khi các văn bản mới có những tác động thì trước mắt từng cá nhân, tổ chức cần nâng cao trách nhiệm, ý thức giữ gìn sức khoẻ cho chính mình và cho những người sử dụng hàng hóa do mình sản xuất, làm ra.


Mai Hoa