Phòng trừ sâu róm bảo vệ rừng thông
Từ tháng 3 lại nay, sâu róm thông phát triển mạnh trên hàng nghìn ha thông tại các huyện: Nghi Lộc, Yên Thành và Đô Lương... Các địa phương này đang chỉ đạo chủ rừng, hộ nhận khoán rừng, tập trung phun thuốc phòng trừ sâu róm quyết liệt.
Có mặt tại khu vực rừng thông động Tù Và, xã Công Thành (Yên Thành) vào cuối tháng 5. Thời điểm này, chủ rừng là ông Phạm Hữu Tính đang huy động nhân lực, phương tiện để tổ chức phun thuốc phòng trừ sâu róm cho 62 ha rừng thông 32 năm tuổi.
Ông Tính cho biết: Sâu róm phát triển rất nhanh, do vậy, từ khi xuất hiệnsâu róm thông mật độ bất thường, ông đã tổ chức phun thuốc 3 lần, với kinh phí 105 triệu đồng. Quan sát dưới mặt đất, nơi vừa mới phun thuốc ngày hôm trước, vô số xác sâu róm to bằng chiếc đũa, đen ngòm, nằm chết la liệt quanh gốc thông. Nguyên nhân sâu róm xuất hiện tại khu vực này, theo anh Tính là do giáp ranh với rừng thông của xã Thượng Sơn (Đô Lương), đang có sâu róm với mật độ khá lớn, nhưng địa phương chưa phun thuốc phòng trừ, nên sâu róm phát triển trên diện rộng.
Xã Sơn Thành có diện tích rừng thông 250 ha, trong đó khoảng 30 ha đang bị sâu róm hoành hành. Ông Nguyễn Trí Trung - Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay sau khi phát hiện có sâu róm thông, địa phương phối hợp với các chủ rừng, tìm mua thuốc để phun ngay khi sâu đang non.
Tuy nhiên do sâu phát triển mạnh nên có khoảng 15 ha ở khu vực: Rú Bạc, Khe Mây và Động Hố, bị sâu cắn khô lá. Toàn bộ diện tích rừng thông của Sơn Thành đã 20 năm tuổi, đang giai đoạn khai thác nhựa. Từ khi phát hiện có sâu róm thông đến nay, địa phương liên tục phun thuốc. Ước tính mọi chi phí để phòng trừ sâu róm của Sơn Thành đến thời điểm này đã trên 100 triệu đồng.
Sâu róm thông xuất hiện trên địa bàn huyện Yên Thành từ tháng 3 đến nay. Gần 200 ha rừng thông ở các xã: Công Thành, Sơn Thành, Viên Thành và Vĩnh Thành đã bị sâu róm tấn công, mật độ từ 70 - 120 con/cây. Trong đó khoảng 50 ha đã phát dịch. Đây là những khu vực rừng thông đang thời kỳ khai thác nhựa, nếu không phòng trừ sâu kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng, thậm chí cây thông bị khô, chết.
Ngay sau khi phát hiện sâu róm thông, Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường công tác kiểm tra tình hình diễn biến của sâu để chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, chủ rừng tổ chức phun thuốc phòng trừ kịp thời. Sâu róm thông phát triển rất nhanh, và do đặc thù của rừng thông trên núi cao, nên công tác phòng trừ rất khó khăn.
Qua gần 2 tháng, các địa phương và chủ rừng đã đầu tư trên 300 triệu đồng để mua máy phun cao áp, thuốc trừ sâu để khống chế sâu róm. Kinh phí để phòng trừ sâu róm thông, trước mắt, các địa phương và chủ rừng chủ động đầu tư.
Tuy nhiên, để công tác phòng trừ được tốt hơn, các cấp, ngành cần quan tâm hỗ trợ, nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng thông. Đặc biệt, các huyện có rừng thông lân cận: Đô Lương, Nghi Lộc... cần kiểm tra rừng thông, nếu phát hiện có sâu róm thì cần tổ chức phun thuốc diệt sâu một cách đồng bộ, sẽ hiệu quả hơn.
Tại huyện Đô Lương, sâu róm cũng đang thời kỳ phát triển mạnh. Ông Lê Đình Lợi - Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Lâm nghiệp Đô Lương, cho biết: Đơn vị hiện đang quản lý 600 ha thông và 700 ha thông xen keo, tại các xã: Hòa Sơn, Mỹ Sơn và Bài Sơn.
Thời gian qua, sâu róm thông có chiều hướng phát triển khá mạnh trên khoảng vài chục ha. Nhằm kịp thời khống chế sâu róm, đơn vị đã chủ động phối hợp với các hộ mua thuốc trừ sâu VBT - USA và sử dụng 4 máy cao áp của đơn vị để tổ chức phun đồng loạt, nhiều lần. Ngoài ra, để bảo vệ rừng thông, Công ty TNHH 1 thành viên Lâm nghiệp Đô Lương tiến hành xử lý, đốt thực bì 200 ha rừng thông trọng điểm dễ cháy.
Sâu róm xuất hiện nhiều nhất là huyện Nghi Lộc. Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, cho biết: Sâu róm thông phát triển mạnh ở Nghi Lộc từ cuối tháng 4, đầu tháng 5, tại các xã: Nghi Văn, Nghi Lâm, Nghi Đồng và Nghi Yên.
Đến thời điểm này, diện tích có mật độ sâu từ 100 - 150 con/cây là 2 nghìn ha, cá biệt có những khu vực mật độ lên tới 500 con/cây. Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc đã chỉ đạo các đội, trạm, các hộ dân tham gia nhận khoán rừng tổ chức kiểm tra diễn biến của sâu róm. Ngoài cung ứng 2 tấn thuốc trừ sâu, đơn vị còn huy động 7 máy phun cao áp để phun thuốc phòng trừ, khống khế sâu róm kịp thời. Kinh phí để phòng trừ sâu róm thông ở Nghi Lộc đợt này đã gần 1 tỷ đồng.
Sâu róm thông xuất hiện trên địa bàn tỉnh ta từ nhiều năm trước. Theo kinh nghiệm của các đơn vị quản lý rừng, thì sâu róm thông thường phát triển mạnh trong giai đoạn những tháng đầu năm.
Nắm bắt được chu kỳ đó, các địa phương chủ độngđể phòng trừ kịp thời. Có những năm sâu róm phát triển mạnh đến mức cắn cháy cả khu vực rừng thông hàng trăm ha, ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của thông và sản lượng khai thác nhựa. Tuy nhiên, để khống chế sâu róm thông có hiệu quả, các cấp ngành cần có giải pháp tổ chức phòng trừ đồng bộ trên diện rộng.
Xuân Hoàng