Ẩn hoạ từ những bến sông

11/08/2011 10:37

Trở về xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu) vào một chiều nắng nhạt đầu tháng 8, từ xóm Cộng Hoà dõi mắt ra dải cát phía cửa biển Lạch Quèn, lòng dâng lên một nỗi niềm xốn xang khó tả khi bắt gặp hình ảnh hơn chục đứa trẻ quần áo lấm lem đang còng lưng cào cát kiếm từng con ngao. Và phía kia - bến Mành Sơn  quạnh quẽ kể từ ngày  "thủy thần" cướp đi sinh mạng 2 đứa trẻ nghèo của xã Quỳnh Long...

(Baonghean) - Trở về xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu) vào một chiều nắng nhạt đầu tháng 8, từ xóm Cộng Hoà dõi mắt ra dải cát phía cửa biển Lạch Quèn, lòng dâng lên một nỗi niềm xốn xang khó tả khi bắt gặp hình ảnh hơn chục đứa trẻ quần áo lấm lem đang còng lưng cào cát kiếm từng con ngao. Và phía kia - bến Mành Sơn quạnh quẽ kể từ ngày "thủy thần" cướp đi sinh mạng 2 đứa trẻ nghèo của xã Quỳnh Long...

Chuyện buồn ở bến Mành Sơn

Ông Trần Quang Vệ- Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long và cán bộ phòng Lao động TBXH huyện Quỳnh Lưu dẫn tôi ra bến sông vừa tròn một tháng sau khi 2 em Lê Thị Mến, 13 tuổi (xóm Cộng Hoà) và Bùi Thị Trang, 14 tuổi (xóm Phú Thành), xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) bị nước cuốn trôi trong lúc đi nạo ngao vào hồi 8h30 ngày 5/7/2011.

Nhà của Mến nằm sâu hun hút của xóm Cộng Hoà, (xã Quỳnh Long) với diện tích hơn 30 m2 cũ kỹ, xuống cấp, chỉ đủ kê một chiếc giường. Nguồn sống của gia đình em chủ yếu dựa vào biển khơi nhưng chưa năm nào cả nhà đủ ăn, bởi không có vốn chung thuyền, anh Miết (bố Mến) đi câu mực thuê làm công ăn "lương", bình quân chỉ hơn 1 triệu đồng/ tháng. Chị Vân (mẹ Mến) ngày 2 buổi lặn lội ngoài bãi biển với con ngao, con sò, đi sớm về khuya. Hôm nào may mắn, nạo được ngao to, thu nhập được 30 đến 40 nghìn đồng nhưng nhiều bận về tay không. Chị Vân tâm sự: "Gia đình có muốn cho con đi làm nghề này đâu, nhưng cháu thương bố mẹ, xin đi trong mấy tháng hè để góp tiền mua sách vở năm học mới, vào năm học tập trung học hành và trông coi em giúp bố mẹ..."


Bà ngoại và mẹ của em Mến trong nỗi đau mất cháu, mất con.

Trời đã xế chiều, theo dòng người tất bật ngược xuôi sau một ngày mưu sinh chúng tôi đến nhà em Bùi Thị Huyền Trang. Chị Đoàn (mẹ Trang) tất bật lo mua sắm vật lễ vàng mã: sách vở, quần áo...để chuẩn bị 49 ngày cho con. Chị nói trong nước mắt: "Giờ này năm trước tui bọc sách giáo khoa cho con, giờ sắm vàng mã cho con, đau lòng lắm...". Anh Mong (bố Trang) sau 2 ngày con mất mới nhận được tin từ đất liền báo ra. Phải vượt 78 hải lý mới về tới đất liền, anh không kịp về đưa tang con, nỗi đau không thể nói ra.

Hoàn cảnh Trang cũng như Mến, do cuộc sống gia đình nghèo khó mà các em phải tham gia lao động sớm.

Từ ngày Trang và Mến mất, người lớn và trẻ em chưa hết sợ hãi, không dám trở về bến cũ mưu sinh. Nhưng hàng ngày các em lại lặng lẽ, cặm cụi ở các bến sông khác để mưu sinh.

Lời cảnh báo

Từ đầu năm 2011 đến nay, riêng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có 19 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Toàn tỉnh, trong năm 2009 là 96 em, năm 2010 (72 em) nhưng chỉ riêng 6 tháng của năm 2011 số trẻ em bị tai nạn đuối nước lên đến 63 em.

Nghệ An là một trong 15 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em và vị thành niên cao trên toàn quốc. Để trẻ em được sống và phát triển trong môi trường an toàn và lành mạnh rất cần sự quan tâm, trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội.
Mặc dù trong thời gian qua, các Sở, ngành đoàn thể đã có nhiều nỗ lực nhằm phòng chống trẻ em đuối nước như: phát tờ rơi tuyên truyền, các thông điệp cảnh báo, trình chiếu các phim hoạt hình, phim ngắn về phòng chống đuối nước, trang bị biển báo ở những nơi sông nước nguy hiểm... nhưng tỷ lệ trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước vẫn gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới trẻ em bị đuối nước như: Nhận thức chung của người dân về tai nạn chết đuối trẻ em còn thấp; thiếu sự giám sát đầy đủ của người lớn; do trẻ không biết bơi; môi trường sống không an toàn; ý thức chấp hành các qui định an toàn trong vận tải đường thuỷ chưa cao và nghèo đói được coi là một yếu tố nguy cơ cao gây đuối nước.

Nhằm bảo vệ an toàn cho mọi trẻ em và phòng ngừa tai nạn đuối nước, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chương trình phổ cập bơi phòng chống đuối nước cho trẻ. Các ngành như: Sở GD-ĐT, VH-TTDL, LĐ-TB-XH, Công an, Tỉnh đoàn... phối hợp tổ chức tập huấn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến tận mọi người dân, thúc đẩy phong trào luyện tập bơi lội nhằm hạn chế tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước gây ra..

Thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể và các ngành chức năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em; Xây dựng mô hình phòng chống đuối nước trẻ em tại các địa phương gắn kết mở rộng thêm mô hình Ngôi nhà an toàn cho trẻ em, Cộng đồng an toàn; Trường học an toàn; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên về các kiến thức kỹ năng, phòng chống đuối nước. Trong mỗi gia đình, ngay từ bây giờ cần phải soát xét lại về những nơi nguy hiểm như giếng nước, bể nước, hố gas... trang bị nắp đậy an toàn; nêu cao ý thức trong việc tuyên truyền, giáo dục hành động với những hình ảnh trực quan, sinh động, giúp trẻ được tiếp xúc với những tình huống cụ thể, từ đó tác động vào trí nhớ và hành động của trẻ, giúp trẻ có kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh được nguy cơ đuối nước cho bản thân.

Thu Hương