Hiệu quả luân canh trên đất nương rẫy
(Baonghean) - Những năm qua Nhà nước, đã có nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp về định canh định cư, quy hoạch diện tích đất nương rẫy cho đồng bào nhằm bảo vệ và cải thiện đời sống, song vẫn chưa đem lại hiệu quả cao.
Nhiều diện tích rừng tự nhiên vẫn bị chặt phá để làm nương rẫy, nhưng cuộc sống của họ vẫn không được cải thiện. Hơn nữa, tập quán canh tác sản xuất của họ trên đất dốc thường không bón phân, nên diện tích đất nương rẫy ngày càng bị bạc màu rửa trôi, năng suất của các loại cây trồng giảm sút.
Để thu hẹp dần diện tích nương rẫy nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống cho người dân, hướng giải quyết tốt nhất là hướng dẫn và xây dựng cho người dân cách sống bằng nghề rừng mà không phá rừng. Năm 2007, Trung tâm KNKN đã lập dự án chuyển đổi canh tác nương rẫy sang canh tác nông lâm kết hợp (NLKH) trên đất nương rẫy giai đoạn 2008 -2010 ở 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, mô hình với qui mô 40 ha cho 25 hộ tham gia tại khối 5, Thị trấn Kỳ Sơn và bản Khe Ngậu - Xá Lượng (Tương Dương).
Người dân bản Khe Ngậu (xã Xá Lượng - Tương Dương) trồng, chăm sóc keo lai trên đất nương rẫy. Ảnh: Xuân Hoàng
Mục tiêu của dự án là nâng cao trình độ dân trí, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân biết canh tác nông, lâm nghiệp ổn định, bền vững, hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích. Nương rãy được qui hoạch, đảm bảo an ninh lương thực, hạn chế và tiến tới chấm dứt việc phá rừng làm rẫy, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống cho người dân miền núi.
Qua 3 năm triển khai đã tổ chức được 6 cuộc tập huấn với 240 lượt hộ tham gia, 4 cuộc hội thảo và 2 cuộc tham quan nội tỉnh. Công tác xây dựng mô hình đã triển khai trồng các loại cây Píc niệng 4 ha, tre măng 5 ha, keo lai 28 ha, mây 3 ha, giống ngô lai 400 kg, cá giống 350 kg. Ngoài ra, hàng năm còn cung cấp phân bón phục vụ trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp, nông nghiệp và thức ăn hỗn hợp cho cá. Với phương thức trồng thâm canh ứng dụng các TBKT từ khâu: chọn giống, bón phân, canh tác, bước đầu đã có sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương. Ngô lai VN10 trồng xen thâm canh, bón phân đúng quy trình kỹ thuật năng suất hàng năm đạt 6 tấn/ha.Tre măng cũng bắt đầu cho thu hoạch, các loại cây dài ngày như: Píc niệng, xoan, keo lai đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển tốt, đạt chiều cao 4,5 m và đường kính 8 - 10 cm. Vấn đề cơ bản nhất là chuyển đổi nhận thức cho người dân canh tác trên đất dốc nương rẫy, từ trồng quảng canh sang trồng thâm canh, xen canh theo phương thức đa cây, đa con, tăng thu nhập để ổn định cuộc sống. Đến nay 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương đã qui hoạch được vùng nương rẫy luân canh, hạn chế tình trạng như trước đây chỉ trồng thuần một loài cây.
Mô hình canh tác nông - lâm kết hợp trên đất nương rẫy vùng miền núi cao đã góp phần tạo điều kiện cho đồng bào tham gia và nhìn thấy hiệu quả, giúp họ mạnh dạn chuyển đổi sang phương thức canh tác tiên tiến bền vững.
Nguyễn Hữu Đức