40 năm xây dựng và trưởng thành
(Baonghean) - Cách đây vừa tròn 40 năm, ngày 13/8/1971, tại Hương Sơn - Hà Tĩnh, Trường Công nhân công trình I được thành lập theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải với nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật nhằm bổ sung lực lượng cho ngành giao thông, đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn khu 4.
Ngày 22/5/1989, Trường đổi tên thành Trường công nhân kỹ thuật trực thuộc Cục đường bộ Việt Nam.
Ngày 17/9/1993, Trường đổi tên thành Trường Kỹ thuật - Nghiệp vụ giao thông vận tải miền Trung.
Tháng 12/2003, Trường được Bộ GTVT nâng cấp thành Trường Trung học GTVT miền Trung. Ngày 7/8/2008 Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định thành lập Trường Cao đẳng GTVT miền Trung trên cơ sở Trường Trung học GTVT miền Trung.
Bốn mươi năm, từ một trường đào tạo công nhân kỹ thuật nay đã trở thành một Trường Cao đẳng trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước, với phương châm đào tạo đa ngành, đa nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành giao thông vận tải. Từ những bước đi chập chững ban đầu vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa tiếp cận với phương thức giáo dục hiện đại, tiếp thu những thành tựu công nghệ mới trên lĩnh vực xây dựng giao thông vận tải, nhà trường luôn phấn đấu để đáp ứng yêu cầu của xã hội từng bước.
Máy nén vạn năng xác định cường độ chịu nén của bê tông xi măng.
Qua 40 năm xây dựng và phát triển, Trường đã lớn mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về năng lực đào tạo. Quy mô đào tạo của Trường tăng lên hàng năm (hiện lưu lượng đã đạt tới 3600 HS-SV/năm). Tính đến nay, Trường đã đào tạo được 38 khoá CNKT với trên 21.000 công nhân kỹ thuật lành nghề; 7 khoá Trung cấp chuyên nghiệp với gần 3000 học sinh và 3 khoá hệ Cao đẳng chuyên nghiệp với gần 1000 SV; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 7.000 công nhân, cán bộ..., bổ sung đáng kể một lực lượng lao động có kỹ thuật cho ngành GTVT và các ngành kinh tế khác trên địa bàn khu vực cũng như trong cả nước.
Hầu hết học sinh tốt nghiệp ra trường đều được tiếp nhận vào làm việc tại nhiều ngành của trung ương và địa phương, kể cả quân đội và hợp tác lao động ở nước ngoài. Qua thời gian làm việc, hầu hết anh chị em đều được các đơn vị đánh giá là có phẩm chất đạo đức và ý thức tổ chức kỷ luật tốt, tay nghề vững vàng, khả năng thích ứng với sản xuất nhanh. Đại bộ phận trưởng thành nhanh chóng, nhiều người chỉ ít năm sau đã trở thành thợ đầu đàn, một bộ phận tiếp tục học lên trở thành cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi.
Từ năm 1994 đến nay, Trường đã liên kết với Trường Đại học GTVT Hà Nội đào tạo tại chức gần 1500 kỹ sư chuyên ngành xây dựng cầu đường, máy xây dựng và kinh tế xây dựng. Lực lượng này ra trường đã bổ sung kịp thời lao động kỹ thuật thiếu hụt cho các đơn vị trên địa bàn trong thời gian qua. Nhiều người hiện đang giữ vị trí chủ chốt tại các đơn vị sản xuất.
Một nhiệm vụ trong những năm gần đây mà Trường đã thực hiện có hiệu quả là đào tạo theo nhu cầu xã hội, đặc biệt là các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, các hợp đồng đào tạo liên danh, liên kết, đào tạo theo chương trình các dự án, đào tạo các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội ngày càng tăng như mở các lớp đào tạo tại các đơn vị sản xuất, đào tạo nghề cho phạm nhân trại tạm giam Công an tỉnh...
Từ năm 2004 - 2006, Trường đã thực hiện thành công Dự án SEACAP10 - một dự án hỗ trợ kỹ thuật của chính phủ Vương Quốc Anh về tư vấn đào tạo nâng cao năng lực cán bộ GTNT cho 3100 xã thuộc 23 tỉnh, thành trên cả nước, được chủ đầu tư đánh giá cao về năng lực tổ chức và thực hiện dự án.
Năm 2010-2011, Trường đảm nhận thực hiện nhiệm vụ Bộ GTVT giao về đào tạo nâng cao năng lực thuộc dự án GTNT3 cho cán bộ cấp tỉnh, huyện và các nhà thầu xây dựng công trình giao thông thuộc 5 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị). Chương trình đã triển khai đúng tiến độ, có chất lượng, gồm 61 khoá học với 1704 lượt học viên tham dự.
Kết hợp học với thực tế sản xuất nhằm rèn luyện kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên, nhà trường đã sớm đưa sản xuất vào trường học, đã mạnh dạn nhận các công trình hoặc hạng mục công trình để thi công. Công tác này được bắt đầu từ năm 1983 và đẩy mạnh từ những năm đầu thập kỷ 90. Tính đến nay, thầy và trò nhà trường đã tham gia thi công, đại tu và sửa chữa gần 50 công trình lớn nhỏ các loại đạt chất lượng cao, đảm bảo uy tín.
Song song với hoạt động đào tạo, nhà trường luôn chú trọng công tác hoạt động khoa học kỹ thuật. Việc nghiên cứu khoa học đã được phát động rộng rãi đến các phòng ban, trung tâm... Nhiều hội thảo chuyên đề, báo cáo khoa học đã được tổ chức. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật về công tác quản lí và đào tạo, phục vụ giảng dạy, học tập và sản xuất đã được nghiên cứu và áp dụng vào thực tế hoạt động trong Nhà trường, mang lại hiệu quả tích cực. Năm 2009, Trường được Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Lao động Thương binh - Xã hội giao nhiệm vụ biên soạn "Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia - nghề Trắc địa công trình" và "Chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, Trung cấp nghề - nghề trắc địa công trình". Năm 2010 được giao là cơ quan chủ trì đề tài khoa học cấp Bộ "Nghiên cứu sử dụng cát duyên hải miền Trung làm mặt đường bê tông cát trong xây dựng đường giao thông nông thôn". Các đề tài đều hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng và được Hội đồng thẩm định cấp Bộ đánh giá cao.
Phối hợp giữa học với hành, nhà trường không chỉ chú trọng đến việc giảng dạy lý thuyết mà còn chú trọng đến công tác thực hành. Hàng tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ giảng dạy thực hành. Phòng thí nghiệm của nhà trường không chỉ là nơi học sinh thực hành mà còn là cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm các đề tài khoa học.
Với những cố gắng bền bỉ liên tục cả về sức lực và trí tuệ trong suốt 40 năm qua, tập thể nhà trường và nhiều cán bộ, giáo viên, viên chức đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, của ngành và địa phương. Năm 1996, Nhà trường đã được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2001 đón nhận Huân chương Lao động hạng Hai và năm 2011 vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; 3 cán bộ giáo viên được nhà nước phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhiều cán bộ, giáo viên được công nhận là chiến sĩ thi đua của ngành Giao thông Vận tải... Đó là những ghi nhận về thành tích của nhà trường, đồng thời là hành trang để bước tiếp chặng đường mới, phấn đấu trở thành Trường đại học trước năm 2020.
Trần Đình Hữu - NGƯT, Hiệu trưởng