Lễ Vu Lan - ngày lễ tôn vinh đức Hiếu hạnh

11/08/2011 10:50

(Baonghean) - Ngày lễ Rằm tháng Bảy (ÂL) của người Việt là dịp đặc biệt để con cháu báo hiếu tổ tiên và các bậc sinh thành đã khuất, những người tu hành cửa Phật gọi là ngày Đại Lễ Vu Lan. Tín ngưỡng dân gian lấy ngày Rằm tháng Bảy làm ngày xá tội vong nhân. "Có tích có Tuồng", điều này trùng với quan niệm "kết quả khởi từ nguyên nhân" trong duy vật biện chứng.

* Từ điển Văn hóa cổ truyền Việt Nam do Hữu Ngọc chủ biên, từ Vu Lan: Lễ (Phật giáo). Chiết tự Vu Lan: bồn-là chậu đựng hoa quả, phẩm vật dâng cúng. Lễ Vu Lan cử hành vào Rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm, là lễ dâng các phẩm vật cúng chư tăng đựng trong chiếc Vu Lan, cầu xin cho vong hồn người thân thoát khỏi nơi địa ngục. Rằm tháng Bảy gọi là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là ngày hôm ấy dưới âm phủ các vong hồn được tha tội.

* Tích xưa: Mục Kiền Liên sau khi đã chứng quả A La Hán, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng huệ nhãn tìm. Thấy mẹ vì gây nhiều nghiệp ác nên rơi vào ngục A Tỳ làm quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình để tránh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng, thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.

Quá xót xa thương cảm, Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ đâu, chỉ có mỗi cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp, đúng vào ngày Rằm tháng Bảy thì lập trai đàn để cầu nguyện, thiết trai diên để mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ tuân theo lời dạy của Ðức Phật mà chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát".

Mục Liên làm đúng lời Phật dạy, quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Cách thức cúng để cầu siêu gọi là Vu Lan bồn pháp, Lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn hội, còn bộ kinh ghi chép sự tích nêu trên thì gọi là Vu Lan bồn kinh.

Từ đó hằng năm cứ gần đến ngày này, những phụ nữ trong gia đình lại bận rộn hơn với công việc chuẩn bị cúng Rằm nhớ ơn Tổ Tiên, lên Chùa khấn cầu Phật phù hộ cho gia đình, cha mẹ được bình an phúc đức, tất bật chuẩn bị những mâm lễ cúng chúng sinh.

Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, Vu Lan là ngày Lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung). Về gương hiếu hạnh của Đức Mục Kiền Liên, Hòa thượng Thích Thanh Từ viết: Ngày lễ này có ý nghĩa rất lớn vì đây là ngày Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi khổ hình trong địa ngục. Tại sao Ngài Mục Kiền Liên là vị đệ tử của Phật, cũng như bao nhiêu vị A la hán khác nhưng chúng ta lại đặt quan trọng? Bởi vì người Việt Nam lâu nay nặng về chữ Hiếu, tổ tiên ông bà cha mẹ đều lấy chữ Hiếu làm đầu. Gương của ngài Mục Kiền Liên là một gương sáng nói lên lòng Hiếu thảo của người con đối với cha mẹ, nên rất thích hợp với Phật giáo Việt Nam. Cho nên Phật giáo nước ta xem ngày Lễ Vu lan rất quan trọng, để nhắc nhở tất cả Phật tử đều ý thức ngày lễ này là một hình ảnh đẹp, là một tấm gương sáng ngời, chúng ta phải hằng nhớ hằng biết, không thể lơ là.

Bổn phận làm con không bao giờ được quên ơn cha mẹ. Thân này đã là của cha mẹ mà mình phụ rẫy, vong ân thì điều đó thật vô nghĩa, không xứng đáng là một con người. Do đó lòng Hiếu thảo đối với chúng ta là một chân lý.

Vì vậy ngày Lễ Vu Lan vừa là lễ Phật, lễ Bồ tát, lễ A la hán tức ngài Mục Kiền Liên, mà cũng là một ngày gợi nhắc lại cho chúng ta tinh thần cao đẹp của tổ tiên mình. Chúng ta nhớ ngày Lễ Vu Lan có ý nghĩa trọng đại như thế, chứ không phải tới ngày này chỉ cầu nguyện cho ông bà siêu sanh Tịnh độ mà thôi, mà phải luôn nghĩ tới bổn phận làm con đối với cha mẹ, nghĩ đến tình thương cha mẹ đối với chúng ta như thế nào để cố gắng đáp đền công ơn lớn lao của cha mẹ, như vậy mới xứng đáng là người con Hiếu thảo.


Giao Hưởng - st&bs