Nghệ An sẵn sàng mọi phương án ứng phó cơn bão số 3

30/07/2011 11:26

(Baonghean) - Trước tình hình diễn biến của cơn bão số 3, ngày 28/7/2011, UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã ban hành công văn số 07, chỉ đạo các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trường học trên địa bàn huyện chuẩn bị tốt công tác sẵn sàng phòng chống bão. Ngay trong chiều hôm qua 29/07, UBND huyện Quỳnh Lưu đã họp Ban chỉ đạo PCLB và TKCN nhằm đề ra các phương án ứng phó cơn bão số 3 khi đổ bộ vào đất liền.

Theo thông tin chúng tôi có được, nhờ làm tốt công tác thông tin, thông báo về tình hình cơn bão số 3 từ nhiều ngày trước nên các tàu thuyền của huyện Quỳnh Lưu đã chủ động di chuyển vào đất liền. Tính đến thời điểm rạng sáng nay 30/7, toàn bộ hơn 2.200 tàu thuyền của các xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu đã vào bờ neo đậu an toàn tại các lạch, cảng, một số tàu thuyền đang trên đường vào bờ trú bão ở một số tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa và đều đã liên lạc được với người thân trong đất liền vào 5 giờ sáng 30/7. Đến 9 giờ sáng hôm nay, trên địa bàn Quỳnh Lưu đã xuất hiện mưa trên diện rộng.


Sáng nay, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu đi kiểm tra bến neo đậu tàu thuyền. Ảnh: Ngọc Thái




Ngư dân nhanh chóng di chuyển tàu thuyền và di dời tài sản vào nơi an toàn. Ảnh: Ngọc Thái

Ông Hồ Phúc Hợp - Chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng ban chỉ đạo PCBL và TKCN huyện Quỳnh Lưu cho biết: vào sáng nay 30/07, huyện Quỳnh Lưu đã hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng ứng phó với bão lũ như: di dời 6500 hộ dân ở các xóm Cộng Hòa, Đại Hải, Minh Thành (xã Quỳnh Long) và các hộ dân ở xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Sơn Hải lên trú bão ở những nơi an toàn, nếu mưa to gây triều cường cao từ 3 đến 5 mét. Trước đó, Ban chỉ đạo đã huy động trên 500 cán bộ chiến sỹ thuộc các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn như Lữ 215, Lữ 216, công an, dân quân địa phương sẵn sàng ứng ứu nếu bão lũ xảy ra. Chiều qua 29/7, UBND huyện Quỳnh Lưu đã chỉ đạo xả nước tại Hồ Vực Mấu từ cao trình 19,2 mét xuống còn 18,5 mét vào rạng sáng ngày hôm nay. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo PCLB và TKCN huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị cử cán bộ trực 24/24 để kịp thời báo cáo nhanh, chính xác về tình hình, diễn biến cơn bão số 3 trên địa bàn, đồng thời kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng cứu đê điều, hệ thống đê biển của 3 xã Long – Thuận – Hải và các vùng trọng điểm nhằm đưa ra các phương án ứng phó nếu mưa to kèm theo gió lớn và triều cường.

Vào sáng nay, Ban chỉ đạo PCLB và TKCN của huyện Quỳnh Lưu đã đi kiểm tra công tác tránh, trú bão số 3 tại các xã ven biển như Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Sơn Hải… Đoàn đã kiểm tra công tác chèn, chống nhà cửa, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn. Tính đến thời điểm này, trên địa Quỳnh Lưu đang mưa rất to trên diện rộng. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về cơn bão số 3 xẩy ra trên địa bàn.

Có mặt tại Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) vào sáng nay 30/7, khi thông tin dự báo cơn bão số 3 còn cách đất liền gần 200km. Khác với không khí náo nhiệt vốn có của những ngày nghỉ cuối tuần, sáng nay biển Cửa Lò thưa vắng bóng người, biển bắt đầu động, sóng biển đã dâng cao trên 2m. Các dãy hàng quán, ki ốt kinh doanh du lịch đã thu dọn đồ đạc và đóng cửa. Tại các khách sạn, nhà nghỉ, du khách cũng vội vàng làm thủ tục trả phòng và lên xe ra về.

Để đảm bảo an toàn cho du khách, Thị xã Cửa Lò đã chỉ đạo kiên quyết không để bất kỳ khách du lịch và người dân nào xuống biển, đồng thời kêu gọi các hộ kinh doanh ven biển không tiếp khách và có phương án cụ thể để di dời ra khỏi khu vực bãi biển. Ngay từ chiều qua (29/7), Ban chỉ huy PCLB thị xã Cửa Lò đã huy động lực lượng gồm công an, quân sự, biên phòng, Trung tâm cứu hộ phòng chống thiên tai, UBND các phường xã có mặt tại bãi biển tuyên truyền nhắc nhở người dân ra khỏi khu vực bãi biển.


Kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền ở Cảng Cửa Lò. Ảnh: Đặng Cường


Gọi khách du lịch vào bờ. Ảnh: Đặng Cường


Chằng chống nhà cửa. Ảnh: Đặng Cường

Để đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền đánh bắt cá của ngư dân, ngay trong chiều qua (29/7), 339 tàu thuyền đánh cá của ngư dân trên địa bàn và một số thuyền của ngư dân các tỉnh Thanh Hoá, Nam Định, Quảng Ngãi,.. đã được hướng dẫn vào bến tránh trú bão.

Đồng chí Mai Văn Minh - Phó Chủ tịch thường trực HĐND thị xã, thành viên Ban chỉ huy PCLB thị xã Cửa Lò cho biết: Với trên 10 km bãi biển, khi bão đổ bộ vào địa phận Nghệ An thì Cửa Lò là một trong những vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Vì vậy, theo phương án “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, vật tư và hậu cần) Ban chỉ huy PCLB thị xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn, lĩnh vực làm nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị, bảo đảm huy động tại chỗ để xử lý kịp thời khi bão vào. Thị xã cũng đã có phương án di dời các hộ dân thuộc 3 phường Nghi Tân, Nghi Hải và Nghi Thuỷ lên vùng cao hơn ở các nhà cao tầng, trường học, nếu cần thiết sẽ di dời sang các xã lân cận của huyện Nghi Lộc.

Sau khi nhận được công điện khần của UBND tỉnh về công tác phòng chống cơn bão số 3, chiều 29/7, UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã họp khẩn cấp, lên phương án chủ động ứng phó cơn bão số 3 đang tiến vào đất liền.

Theo báo nhanh của UBND huyện Diễn Châu, đến 11h ngày 30/7, hơn 600 phương tiện tàu thuyền đánh cá ngoài khơi của huyện đã về nơi neo đậu an toàn. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (BCH PCLB) huyện đã gửi công văn khẩn đến tất cả các xã trên địa bàn huyện, chỉ đạo triển khai tích cực các biện pháp nhằm ứng phó cơn bão số 3.


Người dân xã Diễn Vạn đang tích cực phòng chống bão số 3.


Các tàu thuyền đã về neo đậu nơi an toàn. Ảnh: Phạm Bằng

Sáng ngày 30/7, BCBPCLB huyện Diễn Châu đã cử các đoàn công tác do các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện và các đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện, Trường phòng đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại các xã, các vùng trọng điểm, xung yếu.

Để ứng phó hiệu quả với cơn bão số 3, BCH PCLB huyện Diễn Châu đã lên phương án: Đối với vùng 9 xã ven biển, chỉ đạo triển khai sơ tán, di dời hơn 2.141 hộ dân với 10.300 nhân khẩu tại các xã Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Hải, Diễn Thành đến các trường học cao tầng, nhà kiên cố an toàn. Tại các vùng hồ đập, thực hiện sơ tán dân tại 2 xã Diễn Lâm, Diễn Phú với hơn 800 hộ dân, 500 nhân khẩu, khi có báo động 3 (nước hồ tràn > ,5m).

Về phương án bảo vệ vùng dân cư khi bão đổ bộ vào, Ban chỉ huy PCLB huyện đã tập trung chỉ đạo các xã chặt cây, tỉa cành, chằng chống nhà cửa, công trình kiến trúc, hệ thống điện. Tuyên truyền cho mọi cán bộ và nhân dân tránh tư tưởng chủ quan, nghiêm cấm dân trú ở nhà không kiên cố và ra ngoài khi bão đổ bộ vào, hạn chế thấp nhất thiệt hại đến tính mạng nhân dân, các xã vùng ven sông.

Cùng với đó, UBND huyện thực hiện phương châm “4 tại chỗ”: lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ, nhằm ứng phó kịp thời khi bão số 3 đổ bộ vào. Phân công các lực lượng văn phòng, công an, quân đội túc trực 24/24 h để chủ động ứng phó khi bão đổ bộ vào.

Ông Phạm Văn Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: phương án di dời dân là phương án số 1, nếu cần cưỡng chế thì đề nghị các xã thực hiện quyết liệt nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Huyện cũng chỉ đạo kiểm tra tại các khu vực đê kè, các khu vực nuôi tôm, chuẩn bị vật lực nhằm ứng phó khi có tình huống vỡ đê, kè, đồng thời chuẩn bị phương án bảo đảm cuộc sống cho dân di dời, không để dân đói.


Nhóm PV