Ký ức thời chiến

15/07/2011 15:03

Sau nhiều lần dùng máy bay ném bom, bắn phá bản Noọng Dẻ (Kỳ Sơn), vùng kho Cát Mộng (Nghĩa Đàn), ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra toàn miền Bắc.


Báo Nghệ An chính thức bước vào thời chiến bằng số báo ra ngày hôm sau (6/8), phản ánh kịp thời chiến thắng trận đầu của quân dân Thị xã Vinh bắn rơi 2 trong 8 máy bay Mỹ đầu tiên trên toàn miền Bắc bằng các bài xã luận, tường thuật, thơ ca... Các phóng viên Thanh Phong, Lê Quí Kỳ, Dương Huy đã vượt qua bom đạn, có mặt ngay ở những nơi xảy ra chiến sự. Đóng góp xuất sắc, kịp thời, cổ vũ, tuyên truyền chiến thắng trận đầu, các nhà báo Nguyễn Hường, Nguyễn Duy Liên, Nguyễn Cảnh Tường, Lê Quí Kỳ, Nguyễn Thanh Phong, Dương Huy đã được khen huy hiệu 5/8. Địch đánh phá ngày càng ác liệt và mở rộng khắp toàn tỉnh, tội ác ngày càng chồng chất, những gương chiến đấu hi sinh, dũng cảm, những điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua xuất hiện ngày càng nhiều, nhiệm vụ của báo chí ngày càng nặng nề, khẩn trương trong điều kiện làm việc cực kỳ thiếu thốn gian khổ.


Cán bộ toà soạn chụp ảnh với cộng tác viên năm 1962. Ảnh tư liệu


Từ đường Hồng Bàng, Thị xã Vinh, Tòa soạn lần lượt chuyển về Hưng Thái (Hưng Nguyên), Nam Tiến (Nam Đàn) rồi Quang Sơn, Tân Sơn (Đô Lương). Nhà in sơ tán tận Tân Kỳ, cách 40 km. Phóng viên được phân về thường trú ở các huyện xung yếu, đi lại bằng xe đạp, chủ yếu đi vào ban đêm, tránh những trọng điểm địch thường bắn phá.

Mắt nhắm mắt mở, gò lưng đạp những chiếc xe không chuông, không phanh, vai mang chiếc đài ô-ri-ông-tông kềnh càng, gác ba ga buộc một túm gạo tiêu chuẩn, trên những con đường nham nhở hố bom là hình ảnh thường thấy của phóng viên thời chiến. Không có phương tiện để liên hệ với Tòa soạn, anh chị em từ các trận địa, các điểm nóng lại phải đạp xe hàng chục cây số để kịp đưa tin, bài về in ở số gần nhất.

Lại thêm cảnh ăn uống thiếu thốn: canh toàn quốc, lỏng bỏng vài lát bí xanh, không mì chính, cơm toàn độn khoai sắn, bo bo. Cơ quan phải tổ chức đi khai hoang ở miền núi để tự túc một phần lương thực. Thiếu giấy viết bài, văn phòng phải tỉ mỉ lộn trái phong bì thông tin viên gửi đến, lấy mặt còn trắng chia cho phóng viên. Thiếu pin chạy đài, anh em nẩy ra sáng kiến dùng pin nước, dây chạc lòng thòng. Phim ảnh lại càng khan hiếm. Anh Duy Liêu thường kêu ca bỏ lỡ nhiều hình ảnh đắt giá khi máy bay bốc cháy hay phi công nhảy dù.

Tuy vậy, với tinh thần, ý chí chống chiến tranh phá hoại vì miền Nam ruột thịt, được sống trong lòng dân, mọi khó khăn, gian khổ anh chị em toà soạn đều vượt qua. Cả cơ quan là một gia đình, chi bộ, công đoàn như là mẹ là cha, việc ăn uống đã có chị nuôi. Nhiều đám cưới của phóng viên trẻ trong thời chiến đều do tập thể lo, từ lễ ăn hỏi đến đào hầm hào phòng không khi tổ chức lễ cưới. Quan hệ với nhân dân gần gũi, thắm thiết. Cơ quan thường tổ chức các buổi lao động giúp dân làm thủy lợi, gặt hái, dạy hát cho các cháu, nói chuyện thời sự...


Suốt trong thời chiến, Báo Nghệ An đều đặn đến với độc giả, không hề bị đứt đoạn hay chậm trễ. Bám sát nhiệm vụ chính trị của đảng bộ từng thời kỳ, tuyên truyền tập trung, có trọng điểm các điển hình trên mặt trận chiến đấu, sản xuất, giao thông vận tải... bằng đủ các thể loại tin, bài phong phú. Có thể nói, Báo Nghệ An đã làm tròn trách nhiệm của mình, đáp ứng sự tin cậy của đảng bộ và nhân dân, góp phần vào những thắng lợi, chiến công trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Và đội ngũ những người làm báo cũng lớn lên, trưởng thành hơn nhờ rèn luyện qua khói lửa.


Dương Huy