Khó giữ lạm phát 2011 ở mức 17%

21/07/2011 16:48

* Lạm phát, trên 4,6 triệu hộ nghèo gặp khó khăn
* Đa số doanh nghiệp khó khăn hơn năm 2010

Sáng nay 21-7, ngay sau khi phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đọc báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đã đọc báo cáo thẩm tra của Quốc hội.



Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (bìa phải) gặp gỡ các đại biểu Quốc hội trước phiên khai mạc - Ảnh: Việt Dũng

Đáng lưu ý, báo cáo thẩm tra nhắc lại Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, trong đó chỉ tiêu GDP năm 2011 tăng 7-7,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%. Đồng thời, Quốc hội nêu 7 kết quả và 6 tồn tại trong tình hình kinh tế xã hội và điều hành của Chính phủ.

Doanh nghiệp khó khăn

Về thành quả đạt được, báo cáo thẩm tra công nhận thị trường ngoại hối và tỷ giá khá ổn định, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Việc ổn định được tỷ giá đã góp phần làm tăng lòng tin của xã hội, của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng bước đầu có chuyển biến theo hướng giảm kể từ tháng 5.

Xuất khẩu có tăng so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước khá cao, các chương trình bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tiếp tục được tập trung triển khai tích cực, như hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo kịp thời, cho vay xuất khẩu lao động; cấp thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu đói ở một số địa phương; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động…

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng nêu bật những khó khăn và hạn chế không nhỏ. Như chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 năm 2011 tăng 13,29% so với tháng 12 năm 2010, vượt xa chỉ tiêu 7% đề ra cho cả năm và áp lực tăng vẫn còn. Vì vậy, ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định với tình hình hiện nay, vẫn rất khó khăn để giữ lạm phát ở mức 17% vào cuối năm 2011.

Việc giá cả nhiều hàng hóa và dịch vụ tăng nhanh và đột biến, báo cáo thẩm tra cho rằng đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân, trong đó đặc biệt là 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo cùng những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình sống ở thành thị.

Báo cáo thẩm tra cũng nhận định sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và do lãi suất vay quá cao. Qua giám sát của Ủy ban Kinh tế khẳng định đa số các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước, một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động.

Lãi suất tăng cao, chi phí vật liệu xây dựng tăng mạnh cũng làm cho nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, không ít dự án bị đình hoãn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu bị đình trệ và kéo dài như vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng sẽ dẫn đến nguy cơ tăng nợ xấu ngân hàng trong những tháng cuối năm 2011 và năm 2012.

Cắt giảm đầu tư công: tiêu chí chưa rõ ràng

Về nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ là cắt giảm đầu tư công, báo cáo thẩm tra cho rằng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ các bộ, ngành địa phương phải báo cáo và đề xuất phương án xử lý với Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3-2011.

Tuy nhiên, trong triển khai, nhiều bộ ngành, địa phương còn đang lúng túng, đến hết tháng 5, vẫn chưa có số liệu bổ sung hoàn chỉnh. Cơ quan chức năng cũng mới chỉ tổng hợp báo cáo của 23 trong tổng số hơn 100 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Giám sát tại một số địa phương, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc hướng dẫn của Chính phủ về cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ dự án không rõ ràng, cũng như không có tiêu chí thống nhất đã gây trở ngại cho việc triển khai thực hiện, một số địa phương vẫn đang trong tình trạng chờ đợi.

Ngoài ra, theo báo cáo của một số địa phương, có một số dự án, công trình khởi công từ đầu năm 2011 (trước ngày ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP) có khối lượng thực hiện khá lớn, nhưng vì là công trình khởi công mới nên không thể giải ngân được, trong đó có cả một số dự án giá trị không cao nhưng lại có ý nghĩa hết sức lớn để đưa cả dự án lớn vào sử dụng hoặc những dự án giải quyết nhu cầu bức xúc ở địa phương. Những dự án này nếu không được triển khai sẽ gây lãng phí - Ủy ban Kinh tế đánh giá.

Khó khăn do tình hình sản xuất kinh doanh, Ủy ban Kinh tế cho biết thu ngân sách nhà nước từ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thu đặc biệt có biểu hiện giảm dần.

Đặc biệt, còn không ít vấn đề xã hội tồn tại từ nhiều năm gây nhiều bức xúc nhưng chưa có chuyển biến, thậm chí có mặt còn gia tăng, như: thu nhập thực tế của người dân, nhất là người có thu nhập thấp, người lao động ở các khu công nghiệp bị giảm sút gây hiện tượng đình công gia tăng. Thống kê, báo cáo thẩm tra chỉ rõ thực tế chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011 đã xảy ra 440 cuộc đình công, bằng 105% so với cả năm 2010, trong đó phần lớn các cuộc đình công xảy ra ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cần từng bước giảm lãi suất

Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng và chính sách tài khóa chặt chẽ. Bên cạnh việc điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, cần chú ý đến các giải pháp quản lý thị trường, giám sát, kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng để ổn định và từng bước giảm mặt bằng lãi suất nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ cần khẩn trương rà soát để thống nhất tiêu chí cắt giảm, đình hoãn các dự án đầu tư công, đồng thời phải bảo đảm tính linh hoạt trên cơ sở đặc thù của từng địa phương, từng lĩnh vực.

Ngoài ra, cần thực hiện có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tăng cường quản lý tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tiếp tục tiến hành cơ cấu, sắp xếp lại để nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Về an sinh xã hội, cần thực hiện phương án điều chỉnh lương tối thiểu đối với người lao động trong các doanh nghiệp; có giải pháp hỗ trợ nhằm cải thiện đời sống sinh hoạt của người lao động ở khu công nghiệp.


Theo Tuổi trẻ