Chiến trường xưa và sư đoàn, đồng đội

15/07/2011 15:02

Ngày 17/7/1966, cách đây đúng 45 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thể hiện ý chí toàn quân toàn dân ta: "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi". Lời kêu gọi của Bác đã đi trước mọi âm mưu, ý đồ chiến lược, mức độ tăng quân, cường độ và thời gian chiến tranh của đế quốc Mỹ, còn với ta là một niềm tin tất thắng: "Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".


Tiểu đoàn phó Nguyễn Phi Hùng (Thanh Chung - Thanh Chương - Nghệ An) - Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, Dũng sĩ diệt máy bay, liệt sĩ 24 tuổi (1946-1970). Ảnh tư liệu Trung đoàn 812-f324

Trong những ngày tháng lịch sử đó, Sư đoàn 324 (gồm phần lớn là con em Nghệ An, Hà Tĩnh), đơn vị chủ lực đầu tiên của miền Bắc rời quê hương vượt sông Bến Hải, qua khu phi quân sự vào cuộc chiến đấu mới, cùng LLVT địa phương và sau đó là Trung đoàn 32, Sư đoàn 325... mở đầu Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị. Ngay trận mở màn, đơn vị đã diệt gọn căn cứ đồn trú Đầu Mầu bên đường số 9, tiếp đó đánh thắng Mỹ, ngụy những trận vang động ở Cùa, Điểm cao 402, Cù Đinh, An Bình, Hồ Khê, Tân Kim, Ngã tư Sòng, Gio An, Cồn Tiên... Và chiến thắng lớn nhất, có ý nghĩa quan trọng nhất là sư đoàn và các đơn vị là đã mở ra được một hình thái mới của chiến trường phía Nam - giới tuyến tạm thời, nơi vốn rất nhạy cảm có tính chiến lược cả về quân sự, chính trị, ngoại giao, thu hút, lôi kéo được lực lượng lớn chủ lực tinh nhuệ của Mỹ ra sa lầy ở đây, kìm chân tiêu diệt chúng, làm đảo lộn cả thế bố trí chiến lược của đế quốc Mỹ, ngăn chặn chúng dùng bộ binh đánh ra QK4, mở thông cầu nối chiến tuyến Bắc - Nam.


Đại tá Trần Nhật Độ - nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Mặt trận B5- đường 9 cho biết: Vào thời điểm ta chuẩn bị đánh lớn, Bác Hồ đã hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Có cách gì để giảm nhẹ thương vong và giảm nhẹ áp lực cho các chiến trường phía trong?". Đại tướng thưa với Bác: "Có một cách là đánh vào các tiền đồn của địch ở khu phi quân sự, buộc chúng phải đưa chủ lực ra đối phó".


Toàn mặt trận đã kéo quân Mỹ vào kế đó. Những trận đánh vang động phủ đầu vào các căn cứ Mỹ vừa thiết lập, bẻ gãy các trận càn "tìm diệt", buộc chúng phải điều quân ra hòng giành lại chế chủ động nhưng lại càng sa vào thế bị động.


Trong chiến đấu, các chiến sĩ Sư đoàn 324 Nguyễn Phi Hùng, Phạm Văn Tánh, Lương Văn Thao, Trịnh Viết Xu, Bùi Giáp Thân, Hà Học Huấn... là những Dũng sỹ diệt Mỹ cấp ưu tú, Dũng sĩ diệt ngụy, diệt máy bay, diệt xe tăng đầu tiên của sư đoàn và mặt trận đường 9. Xạ thủ đại liên Nguyễn Phi Hùng quê Thanh Chương, mới một tuổi quân, suốt một ngày chiến đấu dùng nhiều loại vũ khí bẻ gãy các đợt tiến quân của lính thủy đánh bộ Mỹ lên điểm cao 402, diệt 42 tên Mỹ, cùng đơn vị bảo vệ an toàn sở chỉ huy sư đoàn và trung đoàn, điển hình tiêu biểu xuất sắc nhất cùng một trận đạt cả Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, Dũng sĩ diệt máy bay.


Một số đồng chí từ mặt trận gồm Chủ nhiệm chính trị Trần Nhật Độ, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chí Điểu, các dũng sĩ Nguyễn Phi Hùng, Lương Văn Thao, Trịnh Viết Xu được thay mặt Sư đoàn 324 ra gặp và báo cáo với Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Trở vào chiến đấu nhiều trận, nhiều chiến dịch, Nguyễn Phi Hùng, Lương Văn Thao, Bùi Giáp Thân đã anh dũng ngã xuống khi còn rất trẻ và đều đã là cán bộ chỉ huy tiểu đoàn giỏi.


Những ngày tháng 7 này, những CCB Sư đoàn 324 Nghệ An được gặp lại hàng trăm CCB mặt trận mãi từ quê hương Trưng Nữ Vương - Mê Linh về lại địa bàn từng chiến đấu Quảng Trị - nơi trước là vùng đất lửa, nay là vùng đất tâm linh. Có nhiều đồng chí đã về lại với Quảng Trị nhiều lần tri ân đồng đội, đồng bào đã anh dũng hi sinh và chúng tôi cũng được biết, có rất nhiều đoàn trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã về Quảng Trị nhiều lần với tấm lòng như thế.


Nhớ lại từ ngày đầu Sư đoàn vào đánh Mỹ, thắng Mỹ đến nay đúng 45 năm, trải qua những năm tháng chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả với bạn Lào, đã có gần 2 vạn cán bộ, chiến sĩ ngã xuống. Máu xương các chiến sĩ và đồng bào đã anh dũng hy sinh còn đó - trầm tích sâu dày đầy thiêng liêng và tâm linh huyền thoại của Quảng Trị, của cả nước. Tất cả còn đó trong lòng người, lòng đất, lòng sông, lòng biển đảo một thuở và muôn thuở mà không kẻ nào có thể chia cắt, xâm chiếm được.


...Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ / Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm / Có tuổi hai mươi thành sóng nước / Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.


(Lời người bên sông của Lê Bá Dương, người con quê hương Nghệ An, nguyên Trung đội trưởng E27)


Bên sông Thạch Hãn, tất cả chúng tôi cùng dâng nén hương thành, cùng nghiêng mình đứng lặng trước anh hồn các liệt sĩ mọi miền đất nước, trước hồn thiêng sông núi biển đảo của Tổ quốc, trong lòng cùng vang vọng lời kêu gọi của Bác những ngày đánh Mỹ.


Doãn Yến