Về "Ba khâu đột phá chiến lược"

12/08/2011 09:20

(Baonghean) - Nhớ lại những năm cuối của thập niên 70, thế kỷ XX, sau Đại hội IV của Đảng, từ cấp Trung ương cho đến tận các chi bộ, từ cơ quan Nhà nước, công nông trường, xí nghiệp, trường học, bệnh viện... cho đến xã, phường thôn, xóm đều nói: "Tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng... trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt". Chỉ có điều là để tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng ấy ở một cấp cụ thể, một cơ quan, đơn vị cụ thể, một ngành cụ thể, một địa phương cụ thể phải làm những gì và làm như thế nào thì lại không.

Hiện nay, chúng ta đang tổ chức quán triệt, từ đó tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cũng có một con số "Ba": Ba khâu đột phá. Ai ai cũng nói, trên dưới đều nói, ngành ngành cứ nói: "Ba khâu đột phá". Nhưng làm gì và làm như thế nào để đột phá vào ba khâu ấy thì lại không xác định được, mà đã không xác định được không làm rõ được thì đương nhiên là không biết làm gì, không biết làm thế nào để mà đột phá". Thiết nghĩ, để biết, hiểu và nắm được vì sao phải xác định các khâu đột phá, nội dung, ý nghĩa, tác dụng của từng khâu đột phá, quan hệ biện chứng giữa chúng... là không khó. Cái khó là ở chỗ cũng thực hiện nhưng ở cấp Trung ương khác, cấp tỉnh khác...; ở cơ quan quản lý nhà nước khác với cơ quan hành chính sự nghiệp, càng khác với các doanh nghiệp... và đặc biệt là rất khác với cấp xã, phường. Biết phải làm gì và làm như thế nào để "đột phá" vào ba khâu là khó, nhưng nhất thiết mỗi tổ chức, mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể phải làm cho kỳ được. Chỉ có như thế mới đưa được Nghị quyết vào cuộc sống.

Từ những điều nói trên, xin được đề xuất mấy điều sau đây:

1. Để thực hiện ba khâu đột phá, cấp Trung ương (Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ) có ý nghĩa quyết định nhất. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu cực kỳ quan trọng: "Thực hiện tốt ba khâu đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016". Bài phát biểu đã chỉ rõ, dù chỉ ở mức định tính, những việc Chính phủ phải làm ở từng khâu đột phá. Rồi đây, chắc chắn các bộ, ngành chức năng Trung ương sẽ lượng hóa các việc này để thực hiện và hướng dẫn thực hiện cho cả nước, cho toàn xã hội. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội căn cứ vào đây để tiếp tục cụ thể hóa, lượng hóa cho cấp mình, ngành mình, tổ chức mình.

2. Ở tỉnh, là cấp có quyền đưa ra những quyết định, những chủ trương, những giải pháp ở tầm "mô" cần hoạch định các việc phải làm ở tỉnh ta với từng khâu đột phá một cách chủ động và sáng tạo, đáp ứng được đòi hỏi bức thiết của sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Để làm được điều này, trước hết cần nắm bắt nhanh nhạy các quyết định, chủ trương, chính sách... của Trung ương. Mặt khác, cần tiến hành việc rà soát (qua tổ chức điều tra) để phát hiện những "rào cản" đưa ra các giải pháp tháo gỡ phù hợp. UBND tỉnh sớm giao cho các sở, ngành chức năng xây dựng từng đề án, không dừng lại ở chương trình hành động chung chung.

3. Để UBND tỉnh đưa ra được các quyết định, các quyết sách đột phá, các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh phải chủ động nắm bắt các thông tin từ bộ, ngành cấp trên, nắm chắc thực tế địa phương để chủ động tham mưu đề xuất các đề án cụ thể. Để làm được việc này, các sở, ngành cấp tỉnh cần có chương trình hành động cụ thể hàng quí, hàng năm bám sát yêu cầu tổ chức chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh.

4. Với cấp huyện cho đến các xã, phường, đây là hai cấp không có quyền quyết định nhưng lại có vai trò rất quyết định trong việc tổ chức thực hiện các việc để "đột phá" khi đã có quyết định của Chính phủ, của UBND tỉnh. Mặc dù vậy, không nên thụ động "chờ" trên mà cần chủ động đề đạt lên tỉnh, lên Chính phủ những vấn đề cần tháo gỡ ở địa phương. Đặc biệt, phải tổ chức tốt công tác phổ biến, tuyên truyền trong nhân dân để tạo đồng thuận cao trong xã hội khi tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của trên.


Trương Công Anh