Di dân tái định cư Thủy điện Hủa Na: Khi đảng viên đi trước

25/07/2011 10:01

Đến thời điểm này, Quế Phong mới di dời được hơn 200 hộ dân vùng lòng hồ Thuỷ điện Hủa Na ra vùng tái định cư. Từ nay đến đầu mùa mưa năm sau, huyện phải thực hiện di dời tái định cư cho trên 1.100 hộ còn lại. Đây là một áp lực lớn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực quyết liệt không chỉ Hội đồng BTGPMB, chủ đầu tư mà cả hệ thống chính trị từ cấp thôn, bản...

Đến thời điểm này, Quế Phong mới di dời được hơn 200 hộ dân vùng lòng hồ Thuỷ điện Hủa Na ra vùng tái định cư. Từ nay đến đầu mùa mưa năm sau, huyện phải thực hiện di dời tái định cư cho trên 1.100 hộ còn lại. Đây là một áp lực lớn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực quyết liệt không chỉ Hội đồng BTGPMB, chủ đầu tư mà cả hệ thống chính trị từ cấp thôn, bản...


Đã hơn 6 tháng kể từ khi 92 hộ dân bản Nong Đanh, xã Đồng Văn (Quế Phong) về khu tái định cư Piêng Cu, cuộc sống khó khăn ban đầu trên vùng đất mới đã tạm thời ổn định. Trên vùng đất mới, dọc theo đường quy hoạch nội vùng, những ngôi nhà sàn bề thế, mái ngói đỏ tươi san sát nhau. Piêng Cu là điểm tái định cư đầu tiên trong số 16 điểm tái định cư thủy điện Hủa Na nên được huyện Quế Phong và Công ty CP thủy điện Hủa Na (HHC) xác định xây thành điểm tái định cư kiểu mẫu.



Các hộ dân đã ổn định cuộc sống tại khu TĐC Piêng Cu.


Bí thư Chi bộ Lương Hồng Khuyên và trưởng bản Lương Văn Hùng nhớ lại: Thời gian đầu triển khai công tác tái định cư cũng khó khăn lắm. Để bà con đồng tình và đồng loạt di chuyển, chi bộ đã họp rất nhiều cuộc, làm công tác tư tưởng trong cán bộ đảng viên trước rồi từ đội ngũ này mới lan toả tới bà con dân bản. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, 92 hộ dân bản Noong Đanh đã đồng tình với các phương án đền bù và ra vùng tái định cư Piêng Cu. Ngay khi chuyển về nơi ở mới, các hộ đã sắp xếp ổn định nhà cửa, triển khai kế hoạch làm ăn để gia đình nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Gia đình Lương Văn Dũng và gia đình Hà Văn Thu tiếp tục buôn bán hàng tạp hoá phục vụ nhu cầu bà con; gia đình Bí thư Chi bộ LươngHồng Khuyên đã cải tạo lại vườn trồng rau xanh, nuôi gà vịt... Việc hỗ trợ lương thực đợt 1 mỗi khẩu 20 kg trong 3 tháng theo Quyết định số 2326/QĐ-UB của UBND tỉnh đã thực sự giúp bà con giải quyết được vấn đề cái ăn, tập trung xây dựng nhà cửa.

Tại Piêng Cu, ngoài 92 hộ dân bản Nong Đanh về tái định cư thì mới chỉ có 4/45 hộ bản Piêng Pùng đã thực hiện tái định cư tại đây. Để hỗ trợ những hộ dân bản Piêng Pùng nhanh ổn định cuộc sống nơi vùng đất mới, chi bộ, ban cán sự bản Nong Đanh đã chỉ đạo một số hộ dân liền kề hỗ trợ bà con dựng nhà, làm đường vào nhà.

Trưởng bản Nong Đanh, Lương Văn Hùng cho biết: "Bây giờ 2 bản nhập vào một rồi thì việc của bản này cũng là việc của bản kia chứ. Có như thế khu tái định cư mới nhanh ổn định và phát triển được...". Huyện Quế Phong cũng đang đôn đốc nhanh việc xây dựng hệ thống các công trình phúc lợi xã hội như trường học, trạm xá và cải tạo đất sản xuất để chia cho bà con.

Dự án Thuỷ điện Hủa Na có 1.326 hộ, phải di dời tái định cư. Đến thời điểm này mới chỉ có gần 200 hộ thuộc 3 bản Nong Đanh, Piêng Pùng và Huồi Muồng cơ bản đã hoàn thành việc lập hồ sơ phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB và các hộ dân đã và đang thực hiện việc di chuyển đến địa điểm tái định cư.

Như vậy, vẫn còn đến hơn 1.100 hộ dân phải di chuyển tái định cư trước mùa mưa năm sau khi dự án bắt đầu chính thức tích nước. Theo báo cáo của Hội đồng bồi thường và tái định cư Dự án Thuỷ điện Hủa Na, cho đến thời điểm này đã có 12/16 điểm tái định cư được phê duyệt, trong đó có 9 điểm đã được khởi công xây dựng và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng chủ yếu gồm hệ thống giao thông, san nền,
các công trình cấp nước, cấp điện...tại các điểm tái định cư đã được khởi công như: Piêng Cu, Huôi Siu- Huôi Lạn, Nậm Nui- Nậm Ke, Pù Sai Cáng, Huồi Lướm, Na Lướm.


Khó khăn, vướng mắc hiện nay đang làm ảnh hưởng tới tiến độ di dân tái định cư của dự án là trong quá trình kiểm kê hiện trường và lập hồ sơ đền bù thì có nhiều hộ dân đã được giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ nhưng đã chuyển nhượng cho các đối tượng ngoài địa bàn. Tuy nhiên, hồ sơ địa chính vẫn chưa được chỉnh lý biến động đất đai theo quy định, gây khó khăn cho công tác kiểm kê hiện trường, ảnh hưởng tới tiến độ lập hồ sơ thu hồi đất, cũng như việc xác định đối tượng được hưởng bồi thường giá trị quyền sử dụng đất.

Mặt khác, đối với một số bản có các hộ phải di dời tới nhiều điểm tái định cư như: bản Lốc, Na Quèn, Piêng Pùng vì phải xác định phương án thu hồi đất cho cả bản nơi đi và điểm tái định cư nên đã gây khó khăn, làm chậm tiến độ đối với công tác thu hồi đất, lập hồ sơ bồi thường, GPMB điểm tái định cư. Ngoài ra, tại 2 điểm tái định cư Huồi Lướm, Na Lướm còn vướng mắc về đất khai hoang... Để quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong công tác bồi thường, GPMB và tái định cư, Quế Phong cũng đã phải thực hiện giải pháp cưỡng chế tại một số điểm tái định cư, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn.


Rõ ràng, áp lực về tiến độ là phải thực hiện đảm bảo, song giải pháp tạo sự đồng thuận để có hiệu quả cao mới là tối ưu. Kinh nghiệm từ điểm TĐC Piêng Cu " đảng viên đi trước, dân bản theo sau", vai trò của chi bộ, ban cán sự thôn bản rất rõ với kết quả chỉ trong một thời gian ngắn đã di dời gần 100 hộ bản Nong Đanh ra vùng TĐC là bài học mà huyện Quế Phong và HHC cần phải nhân rộng tại các điểm TĐC còn lại.


Hữu Nghĩa