Người miệt mài với lịch sử quê hương
Đến xóm 5, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, hỏi thăm nhà ông Tống Xuân Hùng, từ già đến trẻ ai ai cũng nhiệt tình chỉ lối. Ở đây, mọi người xem ông như là “pho sử sống” của địa phương, bởi ông chính là người đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, và cũng là người tâm huyết dành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp gìn giữ, phát triển văn hóa quê hương Nam Đàn.
(Baonghean) - Đến xóm 5, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, hỏi thăm nhà ông Tống Xuân Hùng, từ già đến trẻ ai ai cũng nhiệt tình chỉ lối. Ở đây, mọi người xem ông như là “pho sử sống” của địa phương, bởi ông chính là người đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, và cũng là người tâm huyết dành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp gìn giữ, phát triển văn hóa quê hương Nam Đàn.
Ở cái tuổi ngoại bát tuần, nom ông Tống Xuân Hùng vẫn còn minh mẫn và lanh lẹ lắm. Đón chúng tôi trên bậc thềm của ngôi nhà ngói mộc mạc, người đàn ông có nụ cười hiền và mái tóc bạc phơ vừa mời khách vào nhà, vừa nhỏ nhẹ như giải thích cho cái buổi gặp mặt đã phải hẹn lên hẹn xuống nhiều lần này: “Nhà báo thông cảm, cả tháng nay tôi bận bịu soạn sửa tài liệu về mấy di tích lịch sử- văn hóa trên địa bàn xã. Tranh thủ làm cho xong, sợ mấy hôm nữa thời tiết thay đổi, đi thực tế ở đình chùa lại khó!” Nhấp ngụm nước trà, ông tâm sự tiếp, trên địa bàn xã Khánh Sơn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, nơi thì chưa được công nhận, nơi thì được cấp bằng di tích rồi nhưng đang xuống cấp trầm trọng….
Hàng đêm, ông vẫn miệt mài bên những trang sách cổ với một mong mỏi góp phần giữ gìn và bảo tồn văn hóa địa phương.
Tự nhận là người “có chút Hán học”, lại gắn bó sâu sắc với mảnh đất quê hương, ông luôn đau đáu nghĩ về công việc phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa trên địa bàn. Bao năm nay, ông trở thành “nhà văn hóa dân gian” như cách gọi trìu mến của nhân dân địa phương, ngày đêm sưu tầm, ghi chép và tìm hiểu tư liệu về các di tích trên địa bàn xã và huyện. Nhiều công trình văn hóa- lịch sử như ngôi đình Hoành Sơn, miếu Thống Chinh, đình Trung Cần, lăng mộ Tống Tất Thắng- một danh tướng thời nhà Lê…, Xuân Long Tự… đã ghi dấu biết bao tâm sức của người cán bộ già.
Đặc biệt, với ngôi đình Hoành Sơn, trong nhiều năm liền, ông lặn lội vào Nam ra Bắc để sưu tầm tư liệu, mày mò dịch các văn bản chữ Hán cổ, mong tìm lại nguồn gốc lịch sử để ngôi đình được công nhận đúng như giá trị thực của nó. Nhờ những cố gắng của ông cùng với sự tích cực của chính quyền địa phương, năm 1995, đình Hoành Sơn đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, mang lại niềm vui và tự hào lớn lao đối với nhân dân và chính quyền huyện Nam Đàn.
Trò chuyện với ông Tống Xuân Hùng mới “phát hiện” ra nhiều điều thú vị ở người đàn ông này. 84 năm tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng, gần như cả cuộc đời ông đã dành hết cho cách mạng, cho nhân dân. Ông tham gia cách mạng từ năm 1944, khi đó vừa tròn 14 tuổi. 14. Ở tuổi đó ông đã được giao nhiệm vụ chính là chèo thuyền chở cán bộ hoạt động bí mật qua lại trên sông Lam. Trong thời kỳ lửa đạn chiến tranh, ông từng nắm giữ những trọng trách quan trọng như Bí thư Chi bộ Công đoàn sông Lam, Trưởng Ban quản lý đò Ngang, Bí thư Đảng ủy xã kiêm Bí thư chi bộ, Chủ nhiệm HTX Sông Thành… “Hoạt động cách mạng lâu năm, kỷ niệm thì nhiều lắm! Nhưng kỷ niệm cũng là vinh dự lớn nhất của tôi là hai lần được gặp Bác Hồ. Lần nào cũng vậy, Bác đều để lại trong tôi những ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc”, ông Hùng bồi hồi nhớ lại.
Những huân huy chương được Đảng và Nhà nước trao tặng là sự ghi nhận về những đóng góp không ngừng nghỉ của ông suốt một đời làm cách mạng
Có một tuổi trẻ hào hùng với nhiều kỷ niệm đẹp, sâu sắc, và với những đóng góp của mình trong công tác bảo tồn văn hóa địa phương, ông có thể thảnh thơi an hưởng tuổi già. Thế nhưng, nghe ông tâm sự, mới hiểu “pho sử sống” của người Nam Khánh còn ấp ử nhiều dự định lắm! “Tôi vẫn sẽ tiếp góp sức mình nhằm bảo tồn và giữ gìn văn hóa địa phương. Còn nhiều việc phải làm lắm các chú à”, ông Hùng chia sẻ.
Mỗi ngày, ông Tống Xuân Hùng vẫn miệt mài bên nhưng trang sách cổ, vẫn sáng đèn hàng đêm viết tay những bản thảo về văn hóa lịch sử địa phương… Với ông, được cống hiến công sức cho quê hương cũng là một cách để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ vĩ đại./.
Nguyễn Thành Duy