Tuyển sinh lớp 1 ở thành phố Vinh: nghịch lý thừa – thiếu

15/08/2011 11:03

(Baonghean) - Xu hướng chọn trường, chọn lớp “rộ” lên trong khoảng 5 năm trở lại đây khiến cho nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh bị quá tải. Năm học 2011 - 2012, tình trạng này tuy có phần giảm nhiệt nhưng vẫn “ nóng”…

Nghịch lý thừa - thiếu…

Tình trạng này xuất hiện khoảng 5 năm trở lại đây. Đặc biệt với các trường ở khu vực trung tâm có “thương hiệu” như Hà Huy Tập 2, Lê Mao, Cửa Nam 1, Lê Lợi thì số học sinh xin vào học luôn cao hơn so với học sinh đã khảo sát trên địa bàn nhiều lần. Đồng ý cho các cháu vào học hay từ chối luôn luôn là một điều khó với lãnh đạo các nhà trường, bởi đa phần những học sinh trái tuyến đều có lý do chính đáng khi xin vào trường. Không ít trường hợp là con cháu những người có chức, có quyền gửi gắm, nhờ cậy…

Áp lực về sĩ số được thể hiện rõ ngay trong những phòng học của học sinh lớp 1 vừa nhập học ở trường tiểu học Lê Mao. Mặc dù tất cả các phòng học hiện nay đều trang bị bàn học dành cho 2 học sinh thế nhưng bàn nào cũng phải ngồi 3 em, 4 em. Trường Lê Mao năm nay có 6 lớp 1, nếu theo quy định của trường chuẩn quốc gia thì mỗi lớp không được quá 35 em nhưng nay sĩ số các lớp đều trên 45 cháu. Do quá đông học sinh nên năm nay, thay vì toàn trường chỉ được phép có 30 lớp theo như quy định thì trường đã nâng lên thành 31 lớp. Tại các Trường Hà Huy Tập 2, Lê Lợi, tình trạng quá tải cũng tương tự. Nhiều phụ huynh sau khi đưa con nhập học về không khỏi xót xa khi nhìn các cháu phải ngồi học trong điều kiện nóng bức chật chội. Bản thân các giáo viên phải dạy một lớp quá đông cũng là một khó khăn vì học sinh tiểu học ngoài phải dạy về kiến thức còn phải lo cho các cháu miếng ăn, giấc ngủ hết sức vất vả.

Nói về tình trạng quá tải trên, thầy giáo Đặng Văn Canh - Hiệu trưởng Trường TH Lê Mao cho biết thêm: Nhiều năm nay số học sinh xin vào trường tiểu học Lê Mao ngày một đông, phần vì uy tín lâu năm của trường, phần vì đây lại là trường trung tâm tiện đường đi lại. Số lượng hồ sơ đông khiến nhà trường rất nan giải mỗi khi xét tuyển thí sinh. Ưu tiên hàng đầu vẫn là con em có hộ khẩu và nhà ở phường Lê Mao. Sau đó mới xét đến các đối tượng khác.


Một lớp học quá tải ở trường tiểu học Lê Mao.

Đã vào năm học nhưng nhiều bàn học ở trường Tiểu học Đông Vĩnh vẫn còn vắng bóng học trò.

Việc phụ huynh đua nhau xin cho con về trường điểm, trường trung tâm lại khiến cho nhiều trường học ở các vùng lân cận thành phố rơi vào tình trạng “khan” học sinh. Ở Trường TH Đông Vĩnh, Hiệu trưởng Trần Thị Mai Liên không khỏi lo lắng khi lớp 1 đã bắt đầu nhập học gần một tuần nhưng hiện trường vẫn chưa nhận đủ chỉ tiêu dù hai năm qua phường đã đầu tư gần 6 tỷ đồng để xây dựng hai dãy nhà học mới khang trang. Toàn trường có 3 lớp 1 và , theo kế hoạch của phòng Giáo dục Thành phố, trường sẽ được nhận 100 học sinh. Thế nhưng nay trường mới có 83 hồ sơ nhập học, các phòng học vẫn còn thừa khá nhiều bàn nhiều ghế.

Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Trước khi vào năm học mới chúng tôi đã đi điều tra phổ cập tại các khối xóm và tổng hợp được 140 cháu vào độ tuổi lớp 1. Thế nhưng trên thực tế chỉ hơn một nửa trong số đó về học tại trường của phường. Khó khăn nhất của trường Đông Vĩnh đó là địa bàn trải dài, trong đó có ba khối là khối 9, khối Vĩnh Quang, khối Vĩnh Lâm nằm sát với Trường Nguyễn Trãi, Đội Cung và Lê Lợi nên học sinh ở các khối này đều xin về trường gần nhà để học. Hơn nữa, do ba năm trở lại đây trường cấp II Đông Vĩnh nhập với trường cấp II của xã Hưng Đông nên nhiều phụ huynh lo ngại, sợ con học xong cấp I không có trường để học tiếp.

Cần sớm có giải pháp hữu hiệu

Theo thầy giáo Trần Thế Sơn - Trưởng Phòng Tiểu học - Sở Giáo dục & đào tạo Nghệ An thì tình trạng các phụ huynh đua nhau cho con vào các trường trọng điểm hiện nay phần lớn là theo “hiệu ứng đám đông”. Trên thực tế, Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An không chỉ đạo bất cứ một mô hình trường chất lượng cao nào và cũng không có văn bản nào của Bộ hướng dẫn các tiêu chí về trường chất lượng cao. Ngoài ra, nếu nói các trường ngoại thành không tốt hơn trường trung tâm cũng không chính xác bởi các trường học đóng trên địa bàn thành phố Vinh hiện nay chủ yếu đều đã là trường chuẩn quốc gia với cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên có trình độ tương đương.

Mặc dù quan điểm của Sở GD-ĐT khá rõ ràng nhưng hiện nay ngành giáo dục vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào để hạn chế tình trạng quá tải tại các trường tiểu học ở trung tâm thành phố. Ngoài ra, việc chỉ đạo của ngành cũng chưa dứt điểm nên dù biết có nhiều trường liên tục trong nhiều năm quá tải hoặc tuyển sinh quá chỉ tiêu cho phép những vẫn không rút kinh nghiệm để chỉ đạo trong các năm tiếp theo. Thậm chí ngay trong kế hoạch tuyển sinh hàng năm duyệt cho các trường tiểu học, phòng giáo dục thành phố vẫn duyệt cho các trường chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn điều kiện thực tế, dẫn đến lớp học nào sĩ số cũng cao hơn từ 10 đến 15 học sinh.

Về vấn đề này, cô giáo Trần Thị Mai Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Vinh đưa ra ý kiến: Với những trường khó khăn như Đông Vĩnh nên chăng trong quá trình chỉ đạo Phòng giáo dục đào tạo thành phố cần có các văn bản yêu cầu các trường đã quá tải không nên nhận học sinh của phường Đông Vĩnh. Ví như ở trường tiểu học Nguyễn Trãi, năm nay chỉ tiêu chỉ ba lớp cấp 1 nhưng nay đã tuyển sinh lên thành 4 lớp.

Về phía các nhà trường, biết rằng việc tuyển sinh quá chỉ tiêu là điều “bất khả kháng” nên nhiều năm nay cũng đã đưa ra một vài giải pháp. Như ở trường Lê Mao, xác định trong số hồ sơ xin nhập học chắc chắn sẽ có những em mới xin nhập hộ khẩu nhằm hợp thức hoá thủ tục nên trong năm nay nhà trường cương quyết loại bỏ những hồ sơ mà hộ khẩu mới nhập được 1 hoặc 2 năm, hoặc có tên trong hộ khẩu nhưng thực tế qua kiểm tra lại không ở trên địa bàn. Với giải pháp này, trong năm học này nhà trường đã loại hơn 10 hồ sơ có dấu hiệu khả nghi. Thế nhưng, về lâu dài, ngành giáo dục phải có một giải pháp đồng bộ, hoặc phải tạo điều kiện, cơ chế để các trường được mở rộng, nâng cấp trường lớp. Có như vậy, mới giải quyết được tình trạng nơi thì thiếu nơi lại quá tải như hiện nay.


Khánh Ly - Mỹ Hà