Chủ động PCCCR, bảo vệ tài nguyên rừng - Kỳ 3: Cần có giải pháp đồng bộ
Xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm nhằm để hạn chế những hiểm hoạ của thiên nhiên gây ra, nhất là trong điều kiện phải đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu chung của toàn cầu, cần nhanh chóng triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo vệ và PCCCR.
Xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm nhằm để hạn chế những hiểm hoạ của thiên nhiên gây ra, nhất là trong điều kiện phải đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu chung của toàn cầu, cần nhanh chóng triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo vệ và PCCCR.
Năm 2010, Nghệ An ta đã phải hứng chịu đợt hạn hán lịch sử, làm thiệt hại nặng nề đến sản xuất nông lâm nghiệp. Đây là nguyên nhân khách quan gây ra nhiều vụ cháy rừng lớn. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại, những vụ cháy rừng không chỉ do ảnh hưởng của điều kiện khí hậu, đây còn xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của các nghành, các cấp và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR.
Nam Đàn, địa phương thường xuyên xẩy ra các vụ cháy rừng, hiện có trên 8.000 ha rừng, trong đó trên 80% diện tích là thông thuần, loại có nguy cơ cháy cao. Mùa nắng nóng năm ngoái, toàn huyện xảy ra 11 vụ cháy, trong đó có những vụ cháy rất nghiêm trọng. Nguyên nhân của các vụ cháy, ngoài yếu tố thời tiết nắng nóng, còn do trong rừng còn quá nhiều vật liệu cháy như lá thông, bổi khô nỏ và giữa các khu rừng giáp ranh không có đường băng nên gây ra cháy lan...
Vì thế, bước vào mùa nắng nóng năm nay, Nam Đàn đã chọn giải pháp xử lý vật liệu cháy là giải pháp hàng đầu trong khống chế lửa rừng, bảo vệ diện tích rừng hiện có. Huyện đã chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ phối hợp với các đơn vị, địa phương huy động lực lượng thu gom, tổ chức đốt trước các vật liệu cháy như lá thông, cây bổi. Ông Lê Đình Minh- Trưởng BQLRPH Nam Đàn cho biết: "Rút kinh nghiệm từ bài học xương máu cháy rừng năm trước, năm 2011 này, BQLRPH Nam Đàn tăng cường thường trực 24/24 tại cửa rừng địa bàn các xã, thôn để phát hiện, cảnh báo kịp thời khi có cháy xảy ra. Trong tất cả các cuộc họp của huyện năm nay luôn dành một thời lượng nhất định để phổ biến, triển khai công tác phòng và chữa cháy rừng. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân đặc biệt được chú trọng thông qua các cam kết bảo vệ rừng".
Còn ở huyện Tương Dương, phát cây bụi, thu dọn thực bì là công việc thường xuyên được các hộ dân được giao đất, giao rừng của bản Quang Yên, xã Tam Đình, tiến hành khi bước vào đầu mùa nắng nóng nhằm ngăn ngừa hiệu quả các vụ cháy. Công việc này cũng đã được sự tham gia tích cực, tự giác của nhiều hộ dân khi họ đã nhận thức được những lợi ích của rừng.
Ông Lữ Văn Chôm - Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tương Dương cho biết: "Công tác PCCR tại Tương Dương có nhiều đặc thù do người dân sống nhờ vào việc đốt nương rẫy nên đơn vị đã tăng cường phối hợp việc tập huấn, giám sát đốt nương rẫy an toàn. Vào thời điểm này, lực lượng kiểm lâm địa bàn luôn bám sát dân để kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống cháy rừng". Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, đã có sự thay đổi về nhận thức của đồng bào các dân tộc ở các huyện miền núi, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do cháy rừng gây ra".
Ông Lê Cao Bính- Chi cục Trưởng Kiểm lâm tỉnh cho biết: "Hàng năm Kiểm Lâm phối hợp chính quyền địa phương các cấp tổ chức tập huấn, diễn tập, xây dựng phương án, triển khai và việc thực hiện công tác PCCCR cho chủ rừng và chính quyền các cấp. Trong đó chú trọng thực hiện phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chổ, phương tiện tại chổ, chỉ huy tại chổ và hậu cần tại chổ. Cùng với đó là xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình PCCCR tại các địa phương có rừng như đường băng, thu dọn vật liệu cháy, xây các hồ bể chứa nước, chòi canh lửa... ".
Thực tế cho thấy, những vụ cháy rừng vừa qua càng đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với công tác quy hoạch, sản xuất, quản lí, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng ở tỉnh ta hiện nay. Trước hết, cần khẩn trương đề ra những biện pháp tăng cường sự quản lí nhà nước về rừng, nhất là nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng về quản lí - bảo vệ tài nguyên rừng. Tinh thần trách nhiệm, ý thức cảnh giác cao và năng lực thực thi chức trách của các cá nhân và cơ quan quản lí chuyên ngành là những yếu tố quan trọng góp phần ngăn chặn những tai họa, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng. Ngoài những bất cập trong công tác tuyên truyền và nhận thức yếu của một bộ phận nhân dân thì công tác dự báo và phương án phòng chống cháy rừng ở nhiều địa phương vẫn chưa bám sát thực tế.
Tại Hội nghị triển khai công tác PCCCR vùng giáp ranh năm 2011 tại huyện Nam Đàn vào tháng 3 vừa qua, quan điểm chỉ đạo của tỉnh cũng như các ngành chuyên môn trong công tác PCCR năm 2011 là cần phải tăng cường, phối kết hợp chặt chẽ từ nhiều phía, nhất là ở các địa bàn vùng giáp ranh giữa các xã, các huyện, các tỉnh, có nguy cơ cao. Cần phải đổi mới trong nhận thức, cũng như công tác chỉ đạo từ phía người dân lẫn chính quyền các địa phương, theo quan điểm phòng là chính.
Từ những bài học các địa phương miền núi cũng như thực tế năm 2010, công tác phòng cháy chữa cháy rừng năm 2011 của cả tỉnh đang là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu và trở thành vấn đề cấp bách. Rất cần thiết phải hoàn chỉnh và thực thi ngay một chiến lược với các giải pháp đồng bộ, có tính khả thi về quản lý tài nguyên rừng.
Song hành với việc nâng cao nhận thức thông qua công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục thiết thực, đòi hỏi phải có một khung khổ pháp lý cụ thể cho các khâu trong quy trình bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; đồng thời cần phải đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ mạnh, có tinh thần trách nhiệm và khả năng tác nghiệp cao, được đầu tư thoả đáng và trang bị phương tiện kỹ thuật chuyên ngành hiện đại.
T.L- Đ.C