Cần tăng cường công tác kiểm dịch

09/08/2011 08:42

(Baonghean) - Cùng với Phú Thọ, Nghệ An là một trong hai tỉnh thành trong cả nước xuất hiện dịch cúm gia cầm. Sau Nghi Lộc, mới đây nhất, Diễn Châu là địa phương thứ hai có đàn gia cầm mắc bệnh dịch nguy hiểm này.

Dịch xảy ra đầu tiên ở huyện Nghi Lộc từ ngày 17/7-1/8, với 5 xã là thị trấn Quán Hành, Nghi Diên, Nghi Hoa, Nghi Thuận và Nghi Phương. Tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 2.100 con, trong đó chỉ có 32 con gà, còn lại là vịt. Trong khi ngành thú y và huyện Nghi Lộc đang ráo riết thực hiện các biện pháp chống dịch khẩn cấp, cố gắng không để lây lan ra các địa phương khác thì ngày 5/8 xã Diễn Thắng (Diễn Châu) báo cáo ở đây có hiện tượng vịt ốm chết tại hai hộ ở xóm 4.

Khi Trạm thú y huyện nhận được tin, thì hai đàn vịt 790 con, có 55 con ốm và 28 con bị chết. Theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm chẩn đoán vùng III, mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính với bệnh cúm gia cầm. Mới đây nhất, chiều 6/8, Ban Thú y xã Diễn Nguyên báo đàn vịt 1.000 con của hộ anh Nguyễn Văn Hạnh- xóm 3 có hiện tượng ốm chết. Trưa ngày 8/8, kết quả xét nghiệm cho thấy, kết quả dương tính với vi rut cúm gia cầm. Chiều cùng ngày, đàn vịt đã được đem đi tiêu hủy đúng quy trình kỹ thuật.


Phun tiêu độc khử trùng vùng dịch.

Như vậy, trong vòng chưa đầy 20 ngày, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở 2 huyện trong tỉnh với 7 xã có dịch. Theo ông Trần Minh Hạnh- phó Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh cho biết, qua nhiều đợt dịch trong những năm gần đây, mầm bệnh đã tồn tại và lưu hành rộng rãi trong môi trường và trên đàn gia cầm mang trùng. Trong khi đó, thời tiết đang diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường, độ ẩm không khí cao tác động đến sức khỏe và sức đề kháng của vật nuôi. Do tính chất chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng, còn mang nặng tính tự cung tự cấp nên công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng ở các hộ chăn nuôi chưa được chú trọng và thực hiện thường xuyên, liên tục. Từ cuối tháng 5/2011, Chính phủ đã có công văn chỉ đạo tạm dừng tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt 1 năm nay theo đề nghị của Bộ NN và PTNT, nguyên nhân là do qua kết quả giám sát sau tiêm phòng ở các tỉnh phía Bắc, Miền Trung và Tây nguyên đã xuất hiện biến thể vi rút cúm gia cầm H5N1 mới mà vắc xin tiêm phòng Việt Nam từng nhập khẩu và sử dụng không còn hiệu quả. Như vậy, đợt tiêm phòng cuối cùng của đàn gia cầm đã kết thúc từ tháng 10 năm ngoái. Thời gian vắc xin có hiệu lực đề kháng chỉ trong vòng 6 tháng, và hiện tại, đàn gia cầm chưa có miễn dịch chủ động chống lại mầm bệnh.

Hiện tại, công tác tiêu hủy, dập dịch, vệ sinh tiêu độc khử trùng cũng như lập các chốt chặn không cho gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào vùng dịch đã được ngành thú y và các địa phương có dịch thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, tại Nghi Lộc, các đàn vịt đều được mua về từ địa phương khác và không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch. Tại Diễn Châu, đàn vịt 1.000 con ở xã Diễn Nguyên mua về từ Thường Tín (Hà Nội) không được kiểm dịch. Qua đó cho thấy, cùng những nguyên nhân khách quan, thì sự chủ quan từ phía những người chăn nuôi và cả sự lỏng lẻo trong hoạt động giám sát của hệ thống thú y cơ sở là rất lớn. Do vậy, để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, hạn chế thiệt hại, các địa phương và các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm dịch đàn gia cầm ra vào địa bàn và giao trách nhiệm cho chính quyền cấp phường, xã, trưởng khối xóm, thôn bản trong giám sát dịch bệnh. Tuyên truyền về tình hình dịch cúm gia cầm và các biện pháp cần triển khai thực hiện. Người chăn nuôi, trưởng xóm, thôn bản phải báo ngay cho thú y các cấp kiểm tra, xử lý khi phát hiện gia cầm ốm, chết. Đồng thời với việc hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, phải khuyến cáo người chăn nuôi tổ chức tiêm phòng các loại vắcxin Newcastle, dịch tả vịt, tụ huyết trùng, chủng đậu... cho đàn gia cầm nhằm tăng sức đề kháng chống lại mầm bệnh. Những địa phương chưa tổ chức công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng phải khẩn trương triển khai và phải kết thúc trước ngày 10/8, nhằm hạn chế sự lây lan dịch cúm gia cầm trên địa bàn.


Phú Hương