Mạch sống làng Dừa

22/08/2011 11:05

(Baonghean) - Quê tôi trước đây gọi là xứ Dừa, hay làng Dừa, nay là xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Còn tên chữ của làng là Lan Lạng, với ý nghĩa đẹp như nhành lan bởi hình sông, thế núi và sắc xanh của đồng bãi mênh mông.

Theo lời kể của người xưa, xứ Dừa khá trù phú, tấp nập với phong cảnh trên bến, dưới thuyền. Chợ nằm ven dòng sông Lam, là nơi trao đổi hàng hóa giữa các miền xuôi- ngược. Ngày nay, xứ Dừa có quốc lộ 7A chạy qua, đất đai màu mỡ nên vẫn giữ được vẻ trù phú và nhộn nhịp.

Hồi còn bé, tôi thường theo ông ngoại (năm nay 97 tuổi) ra cày ở vùng bãi bồi ven sông. Một vùng đất bãi phù sa rộng dài tít tắp. Ông kể: “Trước kia, đây vốn là làng mạc. Khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, thực hiện chủ trương di dân phòng tránh lũ lụt và lấy đất canh tác, làng mạc được chuyển vào vùng thung lũng nằm giữa các dãy núi thấp. Ngày xưa, ở vùng bãi sông này có 4 thôn cư trú: Đồng Sông, Phúc Điền, Quần Tiên, Phú Dinh...”. Sau này, được thầy Nguyễn Trọng Hùng, giáo viên dạy Văn đãnghỉ hưu, một người tâm huyết với lịch sử- văn hóa quê hương cho xem tư liệu nghiên cứu về làng Dừa, tôi nhận thấy có nhiều điểm trùng hợp với lời kể của ông ngoại. Một thời gian sau, tư liệu của thầy Hùng được công bố trên báo chí và được tập hợp vào cuốn sách “Làng Việt Nam nổi tiếng” do Nxb Thanh Niên ấn hành. Cuốn sách tập hợp 51 bài viết về các làng nổi tiếng, trong đó có làng Dừa quê tôi. Khi biết được tin này, người dân quê tôi ai cũng lấy làm tự hào, phấn khởi lắm.



Một góc làng Dừa hôm nay


Mỗi thôn của làng Dừa thường gắn với sự khai phá và công tích của một dòng họ lớn. Theo lời kể của ông ngoại cũng như tư liệu của thầy Nguyễn Trọng Hùng, Trần Đăng là dòng họ có mặt sớm nhất ở đất Dừa để khai sơn phá thạch, dựng ấp lập làng và cư trú chủ yếu ở thôn Đồng Sông. Vào khoảng giữa thế kỷ 14, khi triều đình nhà Trần đưa quân vào chinh phạt bọn nghịch tặc ở miền Tây Nghệ An, thôn Đồng Sông có Trần Đăng Cát tham gia chiến đấu và lập được công lớn và dòng họ này trở nên có thanh thế trong vùng, được vua Trần cho chọn đất lập trang trại. Vì thế, sau này thôn Đồng Sông còn có tên gọi là Làng Trang.

Thôn Phúc Điền là nơi cư trú chủ yếu của dòng họ Bùi Công. Tương truyền, vào thời Gia Long (triều Nguyễn) dòng họ này có công lớn trong việc khai thác gỗ lim chuyển vào kinh đô Huế để xây dựng cung điện, đền đài và lăng tẩm nên được đổi từ Bùi Đức sang Bùi Công (với nghĩa là “công lao”). Đồng thời, được triều đình ban cho đặc ân khai thác 300 ngọn núi trong vùng mà không phải đóng thuế (Tam bách đỉnh sơn vô hựu thuế lệ).

Dòng họ Lê Quốc gắn liền với thôn Quần Tiên. Dòng họ này có công lớn đối với triều Tây Sơn (Nguyễn Huệ). Khi nghĩa quân Tây Sơn kéo ra Bắc đánh đuổi quân Thanh, họ Lê Quốc có nhiều người xin nhập ngũ và lập được công lớn. Đặc biệt, có ông Lê Quốc Cầu được thăng chức Chỉ huy sứ, sau đó được phong tước Hầu, rồi phong chức Đô đốc. Ông Lê Quốc Lý được phong Hùng liệt tướng quân Lý Nghĩa Hầu. Ông Lê Quốc Đạm được phong Anh liệt tướng quân Đạm Ngọc Bá. Và ông Lê Quốc Trân được phong Đô đốc Ngọc hầu. Hiện tại, ở từ đường dòng họ Lê Quốc vẫn còn lưu giữ 7 đạo sắc của các triều đại phong cho những người con ưu tú của dòng họ này.

Dòng họ lớn thứ tư là Nguyễn Sỹ, cư trú chủ yếu ở thôn Phú Dinh. Khi thực dân Pháp đánh chiếm nước ta, hưởng ứng chiếu “Cần vương” của vua Hàm Nghi, Lê Doãn Nhã dấy binh và tổ chức đắp lũy, xây thành ở làng Mặc Điền (nay là địa phận xã Hùng Sơn), cách làng Dừa chừng 2- 3 km về phía tả ngạn sông Lam. Lúc bấy giờ, dòng họ Nguyễn Sỹ ra sức vận động con em gia nhập nghĩa quân của Lê Doãn Nhã, trong số đó có ông Nguyễn Sỹ Châu được phong chức cai cơ, sau này bị bộn giặc Pháp thiêu chết.

Nói đến xứ Dừa không thể không nhắc tới thắng cảnh Đò Rồng, Bến Ngự. Tương truyền, sau khi hạ thành Trà Lân, nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi dẫn đầu tìm cách tiến công và tiêu diệt quân Minh ở Bồ Ải và Khả Lưu. Đoạn sông chảy qua làng Dừa có một hòn núi nhô ra khiến dòng nước bị chắn đột ngột và thay đổi hướng tạo nên một vực sâu với nhiều xoáy nước nguy hiểm. Để đề phòng địch, Lê Lợi và các tướng lĩnh chọn khu vực này để vượt sông sang phía hữu ngạn quan sát trận địa của chúng ở Bồ Ải và Khả Lưu. Vì thế, chiếc đò chở Lê Lợi qua sông được gọi là Đò Rồng, vị trí Lê Lợi ngồi quan sát địch được gọi là Bến Ngự. Hiện tại, vị trí này được chọn xây dựng trạm bơm nước tưới cho cánh đồng Dừa và đang thi công chiếc cầu treo nối 2 bờ tả- hữu.

Từ khu vực Đò Rồng- Bến Ngự xuôi chừng 3-4 km là hang Lèn Thung, một chứng tích hào hùng, thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường của quân và dân xứ Dừa trong cuộc đối đầu với không quân Mỹ. Khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến miền Nam, Bộ Quốc phòng quyết định chọn khu vực trước hang Lèn Thung làm sân bay dã chiến. Bởi hang có diện tích rộng, có thể chứa một lúc 3- 4 chiếc máy bay chiến đấu, cửa hang lớn nên thuận tiện cho việc máy bay vào, ra. Mỗi khi ra- đa báo hiệu có máy bay địch, từ trong hang, máy bay chiến đấu của ta bất ngờ xuất kích đánh trả khiến cho lũ “thầm sấm” Mỹ nhiều phen kinh hồn, bạt vía. Có thể nói, sân bay Dừa đã góp phần làm nên chiến thắng của quân dân miền Bắc trước sức mạnh của “Không lực Huê Kỳ”. Khu vực sân bay Dừa ngày nay bốn mùa xanh ngời màu lúa, ngô, lạc, giống như chưa hề có dấu tích của đạn bom. Và Lèn Thung vẫn sừng sững giữa đất như thế đứng và bản lĩnh của con người xứ Dừa trong các cuộc đối đầu mất- còn với các thế lực ngoại xâm.

Nếu Lèn Thung là biểu tượng cho ý chí anh hùng, bất khuất, kiên cường trong chiến đấu thì núi Bút là biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người dân làng Dừa quê tôi. Các bậc cao niên vẫn lưu truyền câu chuyện ngày xưa, khi một ông thầy địa lý đi qua đây, thấy một ngọn núi đá đứng cạnh một hồ (ao) sen rất đẹp liền chỉ tay nói: “Đây là vùng đất học! Bởi ngọn núi kia là núi bút, còn ao sen này là nghiên mực”. Từ đó, thắng cảnh núi Bút, ao Sen trở thành biểu tượng cho tinh thần hiếu học của các thế hệ người dân xứ Dừa. Và người dân quê tôi rất đỗi tự hào khi cho rằng núi Bút, ao Sen đã viết nên dòng lịch sử của quê hương từ bao đời và tiếp tục tô đậm nét đẹp truyền thống cũng như ghi nhận những đổi thay đi lên của một vùng quê anh dũng, kiên cường.

Không thể kể hết những hy sinh, mất mát của người dân làng Dừa qua các phong trào đấu tranh cách mạng, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Không cần đưa ra những con số cụ thể, mà chỉ cần khẳng định sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với quân dân xứ Dừa bằng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1998). Và có một sự trùng hợp đặc biệt, từ năm 1987, Trung đoàn 335 (thuộc Sư đoàn 324, Quân khu 4), là một trung đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng về đóng quân trên địa bàn xã Tường Sơn. Trong ca khúc “Dừa- đất mẹ tôi yêu” nhạc sỹ Văn Thế, một người con quê hương có câu hát: “Dừa quê mẹ hôm nay sang trang sử mới, trung đoàn anh hùng đóng trên mảnh đất anh hùng”.

“Trang sử mới” của đất Dừa có sắc xanh là gam màu chủ đạo. Đó là màu xanh của những cánh rừng, đồng ruộng, bãi ngô và của những nương dâu cùng sắc xanh lững lờ của dòng sông Lam thơ mộng. Trên phông nền màu xanh gợi lên sự thanh bình được điểm tô bằng gam màu vàng gợi lên sự ấm áp và no đủ. Đó là sắc vàng của cánh đồng lúa và bãi ngô vào mùa thu hoạch. Còn là sắc vàng óng của những nong tằm dưới bàn tay cần cù, chịu thương chịu khó của những người chị, người mẹ đất Dừa. Cần nói thêm rằng, quê tôi có nghề trồng dâu nuôi tằm từ rất lâu đời và đến nay vẫn còn được duy trì. Sau nhiều nỗ lực, đến năm 2007 có một xóm được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Làng nghề Trồng dâu nuôi tằm. Cùng với sắc xanh, sắc vàng, bức tranh làng Dừa hôm nay còn được chấm phá bởi nhiều sắc màu khác gợi lên cảnh làng mạc trù phú, yên vui. Bao đời nay cuộc sinh tồn của người dân làng Dừa gắn với ruộng đồng, đất bãi nên hầu như ai cũng chân chất, hiền lành. Ngày nay, đất nước đang trên con đường đổi mới, người dân quê tôi vẫn gắn bó với ruộng đồng, đất bãi, chỉ khác một điều là họ nhanh nhạy hơn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn những loại giống lúa, giống ngô mới cho năng suất cao để làm nên những mùa vụ bội thu, tăng thêm nguồn thu nhập. Cùng với đó là việc xen canh, gối vụ để “không cho đất nghỉ” và đem lại cuộc sống ấm no, nhiều hộ đã có của ăn của để.

Tiếng trống mùa khai trường đã điểm, bao em thơ hớn hở cắp sách trên những con đường nhựa, đường bê tông phẳng lỳ và trải dài khắp các xóm thôn. Và tôi luôn tin tưởng rằng thế hệ các em hôm nay sẽ là những người viết tiếp trang sử ngày mai của quê hương, để mạch nguồn truyền thống của làng Dừa không ngừng lan tỏa...


Bùi Công Kiên