Sắc mới trên quê hương cách mạng
Năm 1931, phong trào cách mạng bước vào giai đoạn thoái trào, Đảng ta phải rút vào hoạt động bí mật. Trước tình hình đó, Xứ ủy Trung kỳ cử các đồng chí Lê Xuân Đào (thuộc Xứ ủy), Nguyễn Hữu Bình (Tỉnh ủy Nghệ An), Lê Mạnh Duyệt (Phủ ủy Anh Sơn) về vùng Mường Qụa - Môn Sơn (Con Cuông) phối hợp hoạt động và gây dựng phong trào cách mạng.
(Baonghean) - Năm 1931, phong trào cách mạng bước vào giai đoạn thoái trào, Đảng ta phải rút vào hoạt động bí mật. Trước tình hình đó, Xứ ủy Trung kỳ cử các đồng chí Lê Xuân Đào (thuộc Xứ ủy), Nguyễn Hữu Bình (Tỉnh ủy Nghệ An), Lê Mạnh Duyệt (Phủ ủy Anh Sơn) về vùng Mường Qụa - Môn Sơn (Con Cuông) phối hợp hoạt động và gây dựng phong trào cách mạng.
Các đồng chí liên lạc và giác ngộ đồng chí Vi Văn Khang, một thanh niên dân tộc Thái (bản Thái Hòa - xã Môn Sơn - một người có học thức, gia đình khá giả. Tháng 3/ 1931 ở Mường Quạ đã nổ ra một cuộc đấu tranh chống bọn cường hào ác bá và giành được thắng lợi. Với đà thắng lợi này, tháng 4/ 1931, tại nhà riêng đồng chí Vi Văn Khang, Chi bộ Đảng Môn Sơn chính thức được thành lập, gồm 05 đảng viên: Vi Văn Khang (Bí thư), Vi Văn Hanh, Vi Văn Qúy, Trần Ngân, Lê Mạnh Duyệt, sau đó kết nạp thêm đồng chí Vi Văn Lâm. Chi bộ Đảng ra đời bắt tay ngay vào công tác lãnh đạo đấu tranh cách mạng: in ấn tài liệu tuyên truyền, thành lập tổ chức Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ. Ngày 7/8/1931, trên ngọn cây đa Cồn Chùa, cờ đỏ búa liềm tung bay phấp phới. Dưới gốc cây đa, Chi bộ Đảng tập trung lực lượng với hàng trăm người tiến hành biểu tình rồi kéo đến nhà bọn địa chủ, Chánh tổng cướp lấy thóc gạo, tiền bạc chia cho dân nghèo. Nhà riêng của đồng chí Vi Văn Khang trở thành nơi hội họp, nuôi dấu cán bộ và in ấn tài liệu.
Là nơi nhen nhóm ngọn lửa cách mạng ở Con Cuông trải qua các giai đoạn lịch sử, nhân dân Môn Sơn luôn đi đầu toàn huyện trong tất cả các phong trào đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 22/8, tại xã Môn Sơn, cơ sở Việt Minh xã chủ động phối hợp với Tổng uỷ Việt Minh Đặng Thượng (Anh Sơn) phát động quần chúng đấu tranh, tịch thu thẻ bài, đồng triện của tổng lý và tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Việc cách mạng giành được chính quyền ở xã Môn Sơn khiến bộ máy chính quyền khắp toàn huyện hoang mang cao độ. Nắm rõ tình hình, lực lượng cán bộ Việt Minh chủ động gặp gỡ, thuyết phục Tri huyện Con Cuông chuyển giao chính quyền về tay cách mạng. Ngày 28/8, tại cuộc mít tinh lớn ở trung tâm huyện lỵ, đại diện Việt Minh tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân - phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Cả huyện Con Cuông ngập tràn trong niềm vui độc lập.
Hội thi ẩm thực của phụ nữ dân tộc Thái ở Môn Sơn - Mường Quạ.
Tiếp nối truyền thống cách mạng của cha ông, các thế hệ ở Môn Sơn luôn có ý thức vươn lên trong học tập, công tác và nhiều người đã trưởng thành, được Đảng và Nhà nước giao phó những nhiệm vụ quan trọng. Có thể kể ra các đồng chí sinh ra và lớn lên nhờ hạt lúa dẻo thơm của cánh đồng Mường Quạ để trưởng thành, được giao nhiệm vụ chủ chốt như Vi Chiến Thắng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh; rồi các đồng chí Vi Đình Trinh, Lang Văn Tý, Vi Văn Phúc, Lô Văn Ước, nguyên Chủ tịch UBND huyện Con Cuông. Điều đặc biệt là 4 đồng chí này thay nhau đảm trách vị trí người đứng đầu huyện trong vòng 32 năm liên tiếp (từ 1971- 2003). Hiện tại, con em Môn Sơn có nhiều người đang được giao phó những nhiệm vụ quan trọng ở cấp huyện và được đánh giá có nhiều triển vọng như các đồng chí Vi Văn Sơn (Phó Bí thư thường trực Huyện ủy), Vi Đức Hoài (Phó Chủ tịch UBND huyện), Lữ Thị Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện, nay là Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy)...
Để giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân Môn Sơn- Mường Quạ nói riêng, toàn huyện Con Cuông nói chung, UBND huyện đang triển khai xây dựng Khu tưởng niệm cụ Vi Văn Khang tại bản Thái Hòa. Khu tưởng niệm có tổng diện tích 2.500 m2, bao gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm (nhà truyền thống), sân hành lễ (phục vụ lễ hội Môn Sơn- Lục Dạ vào dịp 15/4 hàng năm), cổng, bãi để xe và tường rào. Tổng dự toán kinh phí của công trình lên tới gần 9 tỷ đồng. Công trình hoàn thành ngoài việc phục vụ lễ hội, giáo dục truyền thống cách mạng còn là một điểm tham quan của du khách gần xa trong các tour khám phá Vườn quốc gia Pù Mát. Từ đó, du khách có thêm cơ hội hiểu thêm về cảnh vật và con người Môn Sơn, một địa phương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Người dân Môn Sơn rất đỗi tự hào bởi cánh đồng Mường Qụa không chỉ là vựa lúa của xã mà còn của cả huyện Con Cuông. Bởi những năm gần đây, Nhà nước đã xây dựng hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu, bà con nông dân sớm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, sử dụng các loại giống lúa mới nên năng suất, sản lượng lúa không ngừng được tăng lên, đời sống ngày càng no đủ.
Người dân nơi đây được hưởng nguồn điện lưới từ năm 1995, tuyến đường gần 30 km nối với trung tâm huyện đã được rải nhựa nên việc giao lưu kinh tế- xã hội trở nên hết sức thuận lợi. Trạm Y tế xã được đầu tư xây dựng khang trang, đội ngũ cán bộ, nhân viên được đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu khám- chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Những quan niệm và hủ tục về khám, chữa bệnh cơ bản đã được đẩy lùi. Đặc biệt, hệ thống giáo dục phổ thông ở Môn Sơn được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh từ bậc mầm non, tiểu học, THCS tới THPT. Trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường, con em Mường Qụa giờ đã có mặt tại các trường đại học, cao đẳng khắp cả nước.
Vùng đất Môn Sơn là nơi tụ cư của 3 dân tộc anh em: Thái, Kinh và Đan Lai. Mỗi dân tộc có những đặc điểm riêng nhưng luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, góp phần xây dựng Mường Qụa ngày thêm giàu đẹp, trù phú, đa dạng về bản sắc văn hóa.
Tộc người Đan Lai có câu chuyện truyền thuyết bi thương, bị xua đuổi, phải chạy trốn đến vùng hẻo khuất nơi đầu nguồn khe Khặng. Khoảng hơn 10 năm trước, cuộc sống của bà con Đan Lai vẫn chủ yếu là săn bắt, hái lượm. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua đề án "Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai", đời sống bà con đang từng ngày khởi sắc. Gần 50 hộ chuyển ra tái định cư ở bản Tân Sơn và Cửa Rào xã Môn Sơn, sau gần 10 năm "rời nguồn" thực sự đã có cuộc sống mới. Nhiều người đã thành thạo kỹ thuật trồng, chăm bón cây lúa nước và các loại cây ngô, sắn, keo. Đồng thời, nhiều hộ đã đầu tư phát triển đàn lợn sinh sản và lợn thịt, phát triển chăn nuôi trâu bò đời sống vật chất lẫn tinh thần được nâng lên rõ rệt. Còn các hộ ở bản Cò Phạt và Khe Búng, nơi đầu nguồn Khe Khặng cuộc sống cũng đang từng bước đổi thay. Các chiến sỹ Đồn Biên phòng 555 thay nhau "3 cùng" với bà con, khai hoang đất sản xuất và hướng dẫn bà con trồng lúa nước nên nhiều hộ đã đảm bảo tự túc được lương thực, những tập tục lạc hậu cũng đang dần bị loại trừ. Có thể nói, bà con Đan Lai ở Môn Sơn đang từ bỏ quá khứ buồn thương để xây dựng cuộc sống mới.
Chiếm số lượng đông đảo nhất và cư trú lâu đời nhất là người Thái. Bởi trong cuộc thiên di từ Bắc vào Nam, đến thung lũng Mường Qụa thấy đất đai màu mỡ nên tổ tiên người Thái hôm nay quyết định dừng chân khai bản, lập mường. Trải qua hàng chục đời, hiện bà con vẫn còn lưu giữ được những nét bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc. Vào các ngày lễ tết, khắp các bản làng vang lên tiếng khắp, tiếng nhuôn, tiếng khèn, tiếng pí và rộn rã tiếng cồng chiềng. Đặc biệt, phụ nữ Mường Qụa không chỉ hát hay, múa đẹp mà còn giỏi dệt vải, thêu thùa và chế biến các món ăn.
Có dịp đến Mường Qụa, ghé thăm Di tích lịch sử nhà cụ Vi Văn Khang và cây đa Cồn Chùa để hiểu hơn truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của người dân nơi đây. Dừng chân ngắm cảnh vật, bản làng để thấy vẻ đẹp trù phú và ngày càng ấm no, tươi đẹp của một vùng quê cách mạng.
Công Kiên