Nơi khởi nguồn hành trình thời đại

06/06/2011 18:32

Cách đây vừa tròn một thế kỷ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lấy tên là Văn Ba, xin làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin  (Amiral Latouche Tréville) bước vào cuộc hành trình sóng gió kéo dài đằng đẵng 30 năm, lúc đó anh vừa tròn 21 tuổi. Đó chính là cuộc hành trình thời đại của cả Dân tộc Việt Nam. Khởi nguồn con đường ấy bắt đầu từ Làng Sen, vùng đất bình dị đã hun đúc nên một nhân cách lớn còn mãi với non sông.

(Baonghean) - Cách đây vừa tròn một thế kỷ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lấy tên là Văn Ba, xin làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville) bước vào cuộc hành trình sóng gió kéo dài đằng đẵng 30 năm, lúc đó anh vừa tròn 21 tuổi. Đó chính là cuộc hành trình thời đại của cả Dân tộc Việt Nam. Khởi nguồn con đường ấy bắt đầu từ Làng Sen, vùng đất bình dị đã hun đúc nên một nhân cách lớn còn mãi với non sông.

Năm 1901, sau khi người mẹ kính yêu qua đời tại Huế, cậu Nguyễn Sinh Cung đã theo cha về quê nội và đổi tên thành Nguyễn Tất Thành. Từ đây, anh lại tiếp tục được học tập, trau dồi kinh sử với những người thầy xứ Nghệ. Năm năm sau, đến 1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế lần thứ 2, lần lượt theo học các trường Pháp-Việt Đông Ba, Quốc học Huế. Năm năm sau nữa, 5/6/1911, sau khi từ biệt cha, Nguyễn Tất Thành lên đường, chính thức bước vào hành trình thời đại. Từ Làng Sen, Người đã có những chuyến đi quan trọng nhất trong cuộc đời và với cả vận mệnh dân tộc.

Những ngày đầu tháng Sáu này, về với Làng Sen, trời đất dường như dịu nhẹ hơn, thanh cao hơn. Trời đất cũng đang chia sẻ nỗi niềm cùng đất nước để nhớ lại thời khắc 100 năm trước, ngày có một người con đất Việt đã dũng cảm ra đi, bước vào cõi đời rộng lớn, hành trang mang theo chỉ có đôi bàn tay và một trái tim yêu nước vô bờ.


Khu Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Điểm cầu truyền hình trực tiếp đêm 5/6.


Rất nhiều người dân từ các nơi cùng đến dự đêm kỷ niệm.

Cùng với rất nhiều sự kiện kỷ niệm trên cả nước, đêm 5/6, Làng Sen cũng trở nên lung linh như huyền thoại khi là một trong 5 điểm cầu truyền hình trực tiếp (Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cao Bằng và Đồng Tháp) do Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Đến với điểm cầu Làng Sen, ngoài các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh còn có đông đảo bà con nhân dân của xã Kim Liên, các em học sinh mang khăn quàng đỏ, có cụ già nhờ con cháu dẫn đi, có cả em bé còn trong vòng tay mẹ. Tất cả đều hướng về sân khấu được đặt trước sân khu nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi có những cây đại trầm mặc, những đóa sen cách điệu lung linh trong ánh sáng huyền ảo. Trang nghiêm mà bình dị như một sân đình cổ xưa.

Trước lối cổng dẫn vào khu tưởng niệm, dưới thảm cỏ xanh mướt của cây đa cổ thụ do cố TBT Trường Chinh kính tặng, rất nhiều hoa sen đã trải dày, cứ ngỡ như là một ao sen hiển hiện rỡ ràng. Màu cổ kính của gốc đa, mầu hồng tươi trong ánh đèn của sen, mầu xanh lục của thảm cỏ, phía hậu cảnh sâu hút bên trong, giữa ánh sáng muôn hồng ngàn tía của rất nhiều đèn chiếu, nổi bật lên dòng chữ "Hồ Chí Minh - Cuộc hành trình thời đại" và tấm bình phong trước gian dẫn vào nhà tưởng niệm với câu nói bất hủ của Bác "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Tất cả dường như đang quyện chặt cùng nhau và trở thành một giá trị bất biến, trường tồn.

Em Lê Thị Hoài, học sinh lớp 7B, trường THCS Kim Liên xúc động: "Năm nào, đến dịp sinh nhật Bác, em lại thêm một lần tự hào được là đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh. Năm nay, được xem cầu truyền hình kể về hành trình cứu nước của Bác kính yêu từ 100 năm trước, em càng xúc động và tự hào hơn vì được sinh ra trên quê hương của Người."

Chương trình cầu truyền hình đã bắt đầu. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Đồng Tháp như về cả đây, thân thương bên Làng Sen qua màn ảnh nhỏ. Người Làng Sen và khán giả cả nước rưng rưng vào với bến Nhà Rồng, nơi 100 năm trước, Người đã lên tàu ra đi, để rồi lại cheo leo cùng ngược lên hang Pắc Bó, suối Lê Nin, nơi có "...Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng...", nơi sau 30 năm bôn ba, Người trở về, hôn lên nắm đất linh thiêng mang tên Đất Nước. "Bác về, im lặng con chim hót / Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ".


Một tiết mục văn nghệ đầu Cầu truyền hình Làng Sen (Nghệ An).

Ở đầu cầu Hà Nội, cả nước cùng xúc động khi xem đoạn băng quay tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nơi đó, trong chiếc hộp đựng bưu thiếp mà Bác cất giữ rất kỹ ở nơi trang trọng nhất, vẫn còn giữ nguyên tấm ảnh ghi hình cảnh chiến sỹ và đồng bào huyện Cao lãnh – Đồng Tháp quanh ngôi mộ của Cụ thân sinh ra Người.

Ở đầu cầu Đồng Tháp, đông đảo cán bộ và nhân dân vẫn nghiêm trang dưới trời mưa trong những tấm áo mưa mỏng manh, xúc động theo dõi chương trình và những thước phim về Người. Đồng Tháp mưa! Hay là nỗi lòng người cha Nguyễn Sinh Sắc đang rưng rưng nhỏ lệ nhớ lại ngày cách đây 100 năm, người con Nguyễn Tất Thành rời cha vì nghĩa lớn và mãi mãi cách biệt trùng trùng! Mà không chỉ Đồng Tháp mưa, gần như ở tất cả các đầu cầu, trời cũng lắc thắc đổ giọt. Mưa của nỗi niềm mừng mừng tủi tủi. Tiễn Người đi và đón đợi ngày về.

Trong dòng người đến với đêm kỷ niệm, có rất nhiều đồng bào đến từ nhiều miền quê trên khắp mọi miền đất nước. Bà má Huỳnh Thị Lộc, ở tận Bình Định, năm nay đã xấp xỉ 80 nói với chúng tôi qua rưng rưng nước mắt: "Thiệt là may con à! Lần này về quê Bác đúng vào cữ Đài truyền hình làm chương trình này. Nghe tin thông báo trên vô tuyến, vậy là bắt con cháu ở lại xem đã. Được ở Nam Đàn, xem bà con cả nước cùng hướng về Bác, làm gì còn lần khác nữa con. Mà con coi! Má về quê Bác đâu chừng mấy lượt rồi, lượt nào cũng khóc vậy đó! ".

Ông Nguyễn Đình Quang, một giáo dân 61 tuổi ở Phát Diệm (Ninh Bình) cũng không dấu nổi niềm vui khi về với Làng Sen đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước. Ông tâm sự: "Đời tôi chưa từng được gặp Bác Hồ, nhưng những điều Bác dạy, chúng tôi luôn coi đó là điều phải và luôn làm theo. Hôm nay về đây, thấy quê Bác bình dị từ vườn rau, hàng bưởi, mái nhà tranh... cũng không khác gì nơi xóm nhỏ quê tôi. Tôi sẽ tiếp tục bảo ban con cháu sống tốt đời, đẹp đạo và luôn kính Chúa, yêu nước".


Các em thiếu niên làng Kim Liên đến với đêm Cầu truyền hình.

Nơi sinh ra con người vĩ đại ấy, Làng Sen xứ Nghệ chợt trở thành điểm cầu gắn liền với những gì thân thương và gần gũi nhất về Bác Hồ thời niên thiếu: là đỉnh núi Chung, nơi Bác thường ra thả diều cùng chúng bạn mỗi khi chiều về, là lò rèn Cố Điền, là những ao sen thân thuộc của làng Sen, là khung cửi người mẹ Hoàng Thị Loan..., là tất cả những gì giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng trong tuổi thơ Người.

Từ nơi đây, khán giả cả nước sẽ được cùng hồi tưởng lại thủa ấu thơ của Người cho đến khi bước ra biển lớn, bắt đầu những bước trường chinh. Từ Làng Sen, những giai điệu thân thương và đầy ắp tình cảm đang tha thiết vang vọng "Từ làng sen", "Người về thăm quê", "Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ", "Vinh quang hồn dân tộc"…

Thủ đô Hà Nội, trái tim của đất nước, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời của Người. Hà Nội đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh. Và Hà Nội còn là nơi Bác yên nghỉ, nơi vọng tưởng thiêng liêng của nhân dân Việt Nam và thế giới về Người anh hùng của thời đại.

TP.HCM là nơi 100 năm trước đã vinh dự tiễn người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Đây cũng là nơi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Và trong đêm kỷ niệm 100 ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, TP.HCM là một trong những điểm cầu truyền hình vang lên khúc hoan ca chiến thắng mang tên người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.

Đêm kỷ niệm khép lại trong nền nhạc "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" rạng rỡ và tự hào. Cách đây 100 năm, Bác đã lên đường trong cuộc hành trình thời đại từ điểm khởi nguồn: Làng Sen. Nay chúng ta theo chân Bác trên hành trình thời đại Bác đã mở lối chỉ đường như tâm nguyện của Người hằng mong mỏi.

Một thế kỷ, Bác đã mở đường. Còn rất nhiều thiên niên kỷ, cháu con Người tiếp bước !


Bài, ảnh: Trần Hải