Sự tri ân chân thành
Một ngày đầu tháng 7 không khí ở Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh 4 thật yên tĩnh. Thế nhưng, bên trong mỗi căn phòng, câu chuyện về những ngày chiến đấu ác liệt xưa dường như chưa bao giờ tắt. Nó vẫn còn hiện hữu trong những lời kể, những kỉ vật mà họ còn mang bên mình suốt hơn ba mươi năm qua và cả trong những vết thương thường tái phát mỗi khi trái gió trở trời…
(Baonghean) – Một ngày đầu tháng 7 không khí ở Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh 4 thật yên tĩnh. Thế nhưng, bên trong mỗi căn phòng, câu chuyện về những ngày chiến đấu ác liệt xưa dường như chưa bao giờ tắt. Nó vẫn còn hiện hữu trong những lời kể, những kỉ vật mà họ còn mang bên mình suốt hơn ba mươi năm qua và cả trong những vết thương thường tái phát mỗi khi trái gió trở trời…
Trở lại Trung tâm Thương bệnh binh 4 lần này, tôi không gặp lại thương binh nặng Nguyễn Đình Phú - người mà chỉ cách đây hơn một năm vẫn còn kể cho tôi nghe về căn bệnh viêm gan C quái ác mà ông chẳng may mắc khi còn bị thương ở chiến trường Tây Nam. Ông đã vừa ra đi sau gần 2 năm chống chọi với căn bệnh ung thư. Cùng với ông, trong năm qua, Trung tâm đã phải tiễn đưa thêm 2 người khác cũng với những căn bệnh tương tự. Giám đốc Trung tâm, anh Nguyễn Thiếu Lâm cũng cung cấp thêm cho tôi thông tin: Hai năm trở lại đây, số thương bệnh binh nặng xin đến trung tâm điều trị cao hơn những năm trước. Phần lớn là bởi các thương bệnh binh nay đã đến tuổi về già nên bệnh tật và các vết thương tái phát ngày một nhiều. Không ít người đã bị chuyển sang ung thư.
Thanh niên Trại hè Quốc tế năm 2010 tặng quà các thương bệnh binh
ngày 27/7.
Khu Điều dưỡng thương binh 4 có 77 thương bệnh binh nặng đang điều trị, nhưng một điều thật đặc biệt, trong số này có tới 4 cặp vợ chồng thương bệnh binh nặng yêu nhau và nên duyên chồng vợ. Cũng từ đây, vì cảm phục, vì thương cảm với các anh thương binh nhiều nhân viên của trung tâm đã tình nguyện lấy thương bệnh binh nặng làm chồng. Qua bao nhiêu năm chèo chống với những vất vả, lo toan nay đến tuổi làm ông, làm bà họ đã có thể mỉm cười, hài lòng với hạnh phúc bình dị đang có.
Kể về những ngày tháng khó nhọc đó, người thấm thía nhất có lẽ là hai vợ chồng bác Đào Xuân Tình và Cao Thị Hảo. Bởi lẽ, người bình thường nuôi con đã vất vả thế mà hai bác với 2 đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng, với 2 đôi tay không còn nguyên vẹn vẫn có thể lấy nhau, sinh con và nuôi con thành đạt thành tài. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang sạch sẽ nằm ngay trong Trung tâm thương bệnh binh 4, bác Tình giản dị nói: Cứ mỗi một lần gặp khó khăn hai vợ chồng lại động viên nhau để sống vì con, vì cháu. Chúng tôi cũng thấy may mắn hơn nhiều đồng đội khác vì còn được trở về, có gia đình và được nhà nước quan tâm giúp đỡ…
Vợ chồng bác Tình - Hảo
Niềm vui lớn nhất của hai bác bây giờ là ngày ngày đợi hai đứa cháu nội đi học về để bồng bế chăm sóc, ba đứa con của hai bác, một người nay đang làm ở Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần kinh, một người làm ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh. Cô con gái út cũng đã được Nhà nước tạo điều kiện để về làm việc ổn định tại Bệnh viện Nhi.
Có nhiều trường hợp như gia đình hai bác Tình - Hảo đã được nhà nước giúp đỡ, tạo điều kiện để xin việc cho con cái. Nhờ đó, các thương bệnh binh nặng bớt đi nỗi lo toan, gánh nặng về công việc của các cháu. Mới đây, Trung tâm cũng đã làm một cuộc khảo sát và cho biết trong số 145 con em của thương bệnh binh nặng thì đã có hơn một nửa đã có việc làm. Số còn lại nhiều em đang học tại các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp. Hiện Tổng cục Chính trị đã nắm toàn bộ danh sách này và thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho các em nếu có nguyện vọng vào công tác trong ngành Quân đội – ông Nguyễn Thiếu Lâm cho biết thêm… Lời khẳng định của giám đốc Trung tâm cũng khiến cho chúng tôi nhẹ lòng hơn khi bước chân ra về. Hơn bao giờ hết, đó cũng là sự tri ân chân thành đối với thương bệnh binh- những người một thời không tiếc máu xương vì sự bình yên của Tổ quốc.
Mỹ Hà