Rộng tấm lòng nhân ái
(Baonghean) - Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 30.000 người bị phơi nhiễm chất độc dacam/đioxin... Quỹ nạn nhân chất độc da cam được thành lập đã mở rộng tấm lòng nhân ái, kêu gọi cộng đồng chung tay chia sẻ nỗi đau da cam.
Tháng 12/2010, UBND tỉnh có Quyết định 6106 thành lập "Quỹ nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh", và tháng 3/2011, Tỉnh uỷ có công văn hướng dẫn "Kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam", đồng thời phát động Cuộc vận động "Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam", "Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam"... Những hoạt động đó đã khơi dậy tinh thần nhân ái, sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng dành cho nạn nhân da cam. Ông Đinh Xuân Tứ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh cho biết: "Việc thành lập Quỹ nạn nhân chất độc da cam là cơ sở để Hội vận động, kêu gọi các tổ chức đóng góp quỹ; tạo nguồn để giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ nỗi đau với hội viên... Với sự chung tay của cả cộng đồng sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần xoa dịu nỗi đau da cam".
Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh tặng quà gia đình nạn nhân ở Chi Khê (Con Cuông).
Sau cuộc phát động ở tỉnh, đến nay, có 20/20 huyện, thành, thị hưởng ứng "Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam" với những hành động thiết thực: thăm hỏi, tặng quà, trao sổ tiết kiệm, hỗ trợ giúp đỡ ngày công tu sửa, xây mới nhà cho nạn nhân... Điển hình như huyện Con Cuông, ngoài đóng góp xây dựng quỹ theo qui định, còn phát động mỗi tổ chức cá nhân nhận giúp đỡ một nạn nhân chất độc da cam. Riêng thường vụ huyện ủy, cán bộ chủ chốt của các cơ quan cấp huyện, các doanh nghiệp tư nhân đăng ký tặng sổ tiết kiệm hoặc trao tiền mặt cho nạn nhân. Chỉ tính trong Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2011 đã có 20 tập thể, 20 cá nhân đăng ký giúp đỡ, với số tiền gần 50 triệu đồng. Còn ở Hưng Nguyên, các chi hội cơ sở đã vận động nhân dân, các khu dân cư giúp đỡ nạn nhân bằng ngày công, vật tư, con giống, chia sẻ, động viên tinh thần...
Đến nay, Quỹ nạn nhân chất độc da cam của tỉnh đã vận động được trên 3 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Tỉnh hội đã hỗ trợ nạn nhân xây dựng được 115 ngôi nhà tình thương trị giá 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ 95 suất vốn sản xuất, trao gần 1.200 suất quà, tặng 39 suất học bổng cho con em nạn nhân; hỗ trợ đột xuất cho nạn nhân khó khăn 170 suất... tổng trị giá gần 2,5 tỷ đồng. Từ sự sẻ chia đó của cộng đồng đã phần nào làm vơi đi nỗi đau dai dẳng, nhiều nạn nhân từ sự hỗ trợ đó đã có nỗ lực vượt qua nỗi đau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc...
Kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam Việt Nam (10/08/1961-10/08/2011), MTTQ tỉnh phối hợp với Tỉnh hội tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng về thảm họa da cam, nâng cao nhận thức cho mọi đối tượng về nỗi đau da cam, kêu gọi sự sẻ chia, nhân ái của cộng đồng. Đồng thời tổ chức đêm "Giao lưu kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam" giữa lãnh đạo tỉnh với nạn nhân tiêu biểu, với các tổ chức Hội làm tốt công tác vận động Quỹ nạn nhân chất độc da cam; trích hơn 1 tỷ đồng thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ làm nhà, vốn sinh kế cho các nạn nhân...
Trong số 30.000 nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh, gần một nửa trong số đó vẫn chưa được hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước. Đời sống kinh tế đa phần nạn nhân hết sức khó khăn. Hoàn cảnh nhiều gia đình nạn nhân hết sức thương tâm, trong đó có 4-5 nạn nhân, di nhiễm từ nhiều thế hệ, không có sức khoẻ để lao động, phải chăm sóc những đứa con đau yếu, bệnh tật, kinh tế gia đình kiệt quệ... Do đó, các nạn nhân cần lắm những tấm lòng vàng chia sẻ, hỗ trợ...
Thanh Phúc