Những điểm mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020

09/08/2011 08:41

(Baonghean) - Đại hội lần thứ XI của Đảng ta, tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, với dự kiến kết quả là sẽ đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Những điểm mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, gồm:

1. Về tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011 - 2020) trình bày những thành tựu cơ bản và những hạn chế trên các lĩnh vực sau 10 năm thực hiện chiến lược và nhấn mạnh những mặt tích cực vềbối cảnh trong nước với đặc điểm mới nhất là: đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Về bối cảnh quốc tế, tình hình thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường; quá trình tái cấu trúc các nền kinh tế và điều chỉnh các thể chế tài chính toàn cầu sẽ diễn ra mạnh mẽ. Khủng hoảng còn để lại hậu quả nặng nề, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy trở thành rào cản cho thương mại quốc tế. Kinh tế thế giới tuy bắt đầu phục hồi nhưng đà tăng trưởng còn yếu; khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động nhưng còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định...

2. Về quan điểm phát triển:

Chiến lược 2011 - 2020 nêu 5 quan điểm, có ý nghĩa xuyên suốt trong chiến lược và thực hiện chiến lược với những nội dung, yêu cầu cao và sâu rộng hơn:

- Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược.

- Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người. Coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

- Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao; đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế càng sâu rộng.

3. Về mục tiêu chiến lược:

Điểm mới là "đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" và "tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau".

Nhìn chung, các mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu đến 2020 cao hơn nhiều so với các mục tiêu của các chiến lược trước đây.

* Về kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân: 7 - 8%/năm

- GDP bình quân đầu người theo giá thực tế: 3000 USD/người/năm

- Tỷ lệ lao động nông nghiệp khoảng 30 - 35% lao động xã hội.

- Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao: 45% trong tổng GDP.

- Giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp...

* Về phát triển văn hoá - xã hội:

- Phấn đấu xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương đồng thuận, công bằng, văn minh.

- Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt nhóm trung bình cao của thế giới.

- Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

- Tuổi thọ trung bình đạt 75 tuổi.

- Lao động qua đào tạo trên 70%.

- Đào tạo nghề chiếm 55% trong tổng số lao động xã hội...

* Về mục tiêu môi trường:

- Phấn đấu đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 45%.

- Hầu hết dân cư thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh.

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch.

- Các đô thị loại 4 trở lên và tất cả các cụm khu công nghiệp...có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

- Hạn chế tác hại của thiên tai, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

4. Về đột phá chiến lược:

Chiến lược 2011 - 2020 nêu ba đột phá là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ... Điều đáng chú ý trong chiến lược 2011 - 2020:

- Cả 2 chiến lược trước đây đều đề cập đến thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nhưng phương diện quan tâm của chiến lược 2011 - 2020 cao hơn, "hoàn thiện", đồng thời trọng tâm cũng khác, phù hợp hoàn cảnh thực tiễn đất nước sau 10 năm.

- Cả 2 chiến lược trước đây đều đề cập phát triển nguồn nhân lực, nhưng yêu cầu chiến lược 2011 - 2020 cao hơn, "phát triển nhanh", đặc biệt "nguồn nhân lực chất lượng cao".

- Chiến lược 2011 - 2020 đưa ra đột phá mới về kết cấu hạ tầng.

5. Về định hướng phát triển:

Điểm nổi bật của định hướng phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 là sự chuyển đổi mô hình phát triển từ chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, tức là mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững.

Cụ thể của những định hướng cho các lĩnh vực là:

1. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Gồm 12 nội dung cụ thể như sau:

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; Phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh; Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh; Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; Phát triển hài hoà, bền vững các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới; Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, xã hội hài hoà với phát triển kinh tế; Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục và đào tạo; Phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững; Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; Giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước bảo đảm thực hiện thắng lợi chiến lược.

Thực hiện tốt chức năng của Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường; Hoàn thiện bộ máy nhà nước, tạo bước chuyển mạnh về cải cách hành chính; Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước.

3. Về tổ chức thực hiện chiến lược: Chiến lược nhấn mạnh vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị: các cấp uỷ đảng, các đảng đoàn, ban cán sự đảng chỉ đạo quán triệt sâu rộng nội dung chiến lược; Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và giám sát việc thực hiện chiến lược; ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động, các chiến lược quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm, vùng lãnh thổ. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng... Xây dựng cơ chế và đưa vào nề nếp việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện chiến lược.


Bùi Đình Sâm - Phó Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy