Cận cảnh miền đất phù dung

27/07/2011 10:54

(Baonghean) – Nếu ví von Quế Phong (Nghệ An) là thủ phủ “nàng tiên nâu”, thì xã Tri Lễ nằm cách trung tâm huyện lỵ...

(Baonghean) – Nếu ví von Quế Phong (Nghệ An) là thủ phủ “nàng tiên nâu”, thì xã Tri Lễ nằm cách trung tâm huyện lỵ Kim Sơn 30km chính là trung tâm của thủ phủ đó. Bởi, một thời kì dài trên những triền núi cao chạy dọc biên giới Việt – Lào này đã mọc lên những cánh đồng hoa anh túc và sức hút ma mỵ của loài cây này đã gieo rắc bao nỗi nhọc nhằn cho đồng bào nơi đây. Còn hôm nay Tri Lễ đã khác rất nhiều…

Sáng sớm rời Kim Sơn, men theo quốc lộ 48 nối dài vắt qua Bù Chông Cha, Bù Kẽm Phăng- những con dốc một thời nhắc đến cánh tài xế đều lắc đầu ngao ngán. Anh lái xe đưa chúng tôi đi kể, trước đây lên được Tri Lễ phải đi cả ngày trời, còn bây giờ đường ô tô đã làm xong, xe đến trung tâm xã chỉ mất gần một giờ đồng hồ. Dưới ánh bình minh, Tri Lễ như một đóa hoa đẹp ẩn hiện trong sương mờ.

Đến Tri Lễ hôm nay, nhìn cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây, ít ai ngờ rằng Tri Lễ của hơn 20 năm về trước là một điểm nóng về trồng và buôn bán thuốc phiện. Lúc đó, trồng cây thuốc phiện diễn ra công khai sau những thung lũng thuộc dãy Trường Sơn. Ông Lê Xuân Thu – Chủ tịch xã Tri Lễ nhớ lại: “Những năm 80 thế kỷ trước, ở Tri Lễ đồng bào trồng cây anh túc rất nhiều, nhất là đồng bào người Mông, đó như là một truyền thông canh tác của họ, rất khó bỏ”.




Gian nan đường vào Piêng Luống


Tri Lễ vốn là thủ phủ của cây anh túc - đó là điều không phải bàn cãi. Bởi theo đặc tính sinh trưởng của loài cây này, phải cứ ở độ cao trên 800m so với mực nước biển với những miền đất có khí hậu ôn hoà, sưong mù bao phủ mới cho nhựa. Thứ nhựa độc quên đời. Hơn thế nữa, với tập quán lạc hậu một thủa của mình, người Mông là tộc người chịu khó "gắn bó" với cây anh túc nhất. Thì đây, Tri Lễ hội tụ đầy đủ tất cả những yếu tố được xem là "thuận lợi" với hoa phù dung nhất. Với 8 bản người Mông: Pà Khốm, Piêng Luống, Huồi Xái 1, Huồi Xái 2, Huồi Mới 1, Huồi Mới 2, Mường Lống, Nậm Tột; tất thảy đều chạy dọc theo 17,5 km đường biên cheo leo lưng chừng trời, trong đó có đỉnh Pha Cà Tún cao trên 1.500m với rừng già, với những thung lũng nguyên sinh thì đúng là vùng đất mơ uớc của cây anh túc.



Tác giả (giữa) cùng đoàn công tác và những người dân bản Piêng Luống (Tri Lễ)

Như ông Lô Xuân Thu, chủ tịch xã đã kể, từ những năm 1982-1984, đỉnh Pha Cà Tún là thủ phủ của cây thuốc phiện, đều do người Mông Lào và người Mông Tri Lễ canh tác. Nhưng, hôm nay, lời khẳng định chắc nịch của chủ tịch xã Lô Xuân Thu :"Tri Lễ nói không với thuốc phiện từ lâu lắm rồi!".

Lúc đó, cây thuốc phiện không chỉ trồng trên nương, mà khói của “nàng tiên nâu” còn ẩn hiện trong những nếp nhà sàn, ăn sâu vào nếp sống của đồng bào. Ông Thu kể tiếp, trên địa bàn huyện tình trạng buôn bán các chất ma túy diễn ra hết sức phức tạp, nhiều đồng bào người dân tộc Mông, Thái…không chỉ nghiện mà còn tham gia vào việc trồng, buôn bán thuốc phiện rất công khai. 100% số dân thuộc diện đói nghèo.


Trung úy Thò Bá Dê, công an huyên Quế Phong - một người con của bản Mông Huồi Mới 1 nhớ lại: Thời kỳ những năm 80 thế kỷ trước, trên đỉnh Pha Cà Tún có độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ phù hợp cho cây thuốc phiện sinh trưởng nên bà con người Mông trồng rất nhiều. Mỗi năm 2 vụ, vụ sớm vào tháng 9 âm lịch, vụ chính vào tháng 10 âm lịch, đến tháng 3 âm lịch năm sau đồng bào tiến hành thu hoạch.


Nguồn cung thuốc phiện có sẵn nên nhiều đường dây buôn bán ma túy khắp các nơi trong cả nước tìm về thu mua rồi đem phân phối ra cả nước.

Câu chuyện buồn của mấy chục năm về trước chỉ thực sự chấm dứt vào những năm 90 của thế kỷ 20 khi có Chương trình xóa bỏ cây thuốc phiện của Chính phủ.

Câu chuyện buồn của vùng đất xinh đẹp này chỉ còn là quá vãng. Lần này, khi chúng tôi đến với Tri Lễ, hỏi từ cán bộ đến bà con nhân dân về cây anh túc, ai cũng lắc đầu nói: “Đảng và Nhà nước vận động nên bà con mình không trồng cây anh túc từ lâu rồi”.

Ông Lê Xuân Thu – Chủ tịch xã cho biết: Từ năm 2003 đến nay trên địa bàn 30 thôn bản của xã cơ bản không còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện. Cán bộ xã, Công an huyện và Bộ đội biên phòng thường xuyên phổ biến chính sách pháp luật kết hợp với tuyên truyền, vận động đồng bào nên giờ họ dứt hẳn cái tập tục trồng thuốc phiện. Bây chừ chỉ chuyên tâm trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc.

Để kiểm chứng lời của đồng chí Chủ tịch xã, chúng tôi lại tiếp tục đi vào các những bản của đồng bào dân tộc Mông –những bản một thời được xem là cái nôi trồng thuốc phiện. Vượt suối, băng gềnh, đi trên con đường vắt vẻo đỏ màu đất núi đại ngàn, gặp Pù Luông đúng giữa lúc mặt trời đứng bóng, cả bản yên ắng tịnh không một bóng người, chỉ còn lại những mái nhà gỗ sa mu xám nằm e ấp dưới triền núi. May mắn chúng tôi gặp được ông Xồng Nỏ Lỳ, trên lưng vẫn đeo nguyên 'lù cở' (giỏ bằng mây địu sau lưng để đi rẫy) và con daoMẹo truyền thống của người Mông. Hỏi, ông lau mồ hôi: “Giờ đang là vụ mùa bà con lên nương hết rồi, đến tối mới về. Nếu cán bộ muốn gặp phải chờ đến khi mặt trời xuống núi mới gặp được”. Hỏi tiếp ông “Bây giờ bà con mình còn trồng thuốc phiện không?” Ông Xồng Nỏ Lỳ khẳng khái: “Được cán bộ tuyên truyền, vận động, đồng bào mình bỏ lâu rồi, cái thuốc phiện nó ác lắm, làm bao nhiêu người phải chết. Biết trồng thuốc phiện là có tiền, nhưng Nhà nước đã cấm, cái bụng ta nghe theo thôi, cả 7 đứa con ta cũng nghe theo thôi!”. Vừa nói, ông vừa nhanh tay đảo lại mấy nia cà núi (dùng để làm thuốc bắc, bán với giá khoảng 250.000đ/10kg). "Ta giờ vừa làm lúa nước, vừa trồng cà núi này, với làm vườn chanh leo, được rồi cán bộ ạ!".

Lại ngược đường vào Pà Khốm, bất chợt gặp đôi vợ chồng già người Mông lầm lũi bước. Hoá ra là ông Thò Già Dê, nguyên phó Chủ tịch xã Phăn Thoong (huyện Sầm Tớ-Lào) và bà vợ Xồng Y Mỹ, đi bộ từ Lào sang thăm con gái ở bên này từ lúc 5 giờ sáng. Ông bảo: "Việt - Lào xamakhi (đoàn kết) từ lâu đời, đừng vướng vào thuốc phiện, đừng trồng, đừng hút khổ lắm!".




Vợ chồng ông Thò Già Dê và bà Xồng Thị Mỹ từ Lào sang thăm con gái ở bản Piêng Luống :" Đừng vướng vào thuốc phiện, đừng trồng, đừng hút, khổ lăm !"

Đến bản Pà Khốm, trưởng bản Và Chia Ninh dẫn chúng tôi đến gặp ông Thò Giông Nù, một người làm kinh tế khá của bản với 84 con trâu, bò, ngựa. Lại nhớ, năm 2006, tôi đã đến nhà ông cùng đoàn công tác liên ngành của huyện bởi tin dữ đưa về, nhà Thò Giông Nù tái trồng cây thuốc phiện. Lúc đó, theo biên bản của đoàn lập, mảnh vườn chừng hơn 100m2 của nhà ông có cây thuốc phiện. Nhưng lại xen lẫn với...rau cải, đậu và cả rau bí. Ông Nù cười hồn hậu: "Ta cũng định trồng để lấy ít nhựa nấu cao thôi, giờ biết rồi, không dại nữa.




Mảnh vườn sau nhà ông Xồng Nỏ Lỳ (bản Piêng Luống) cũng chỉ trồng ngô và rau xanh


Chia tay ông, chúng tôi lội ngược ra Đồn biên phòng 519 để tìm hiểu thêm về thực trạng trồng cây thuốc phiện trên địa bàn đồn quản lý. Thượng tá Nguyễn Việt Thà, Chính trị viên Đồn cho biết: “Hiện nay trên địa bàn đồn quản lý tuyệt đối không có tình trạng tái trồng cây thuốc phiện. Tuy nhiên tình trạng buôn bán trái phép chất ma túy vẫn còn, chủ yếu là các đối tượng từ Lào mang sang bán về xuôi. Năm 2010, Đồn bắt được 14 vụ vận chuyển heroin. Ngày 19/5/2009, chúng tôi phát hiện và thu giữ được 17,5 bánh heroin do 2 đối tượng người Lào mang sang. Thành tích này đã được Nhà nước trao tặng Huân chương chiến công hang Ba cho đơn vị và 1 số cá nhân được tặng Bằng khen của Chính phủ”.


Băn khoăn về việc đầu năm nay, Đồn biên phòng phát hiện và phá hủy được hơn 2800m2 cây thuốc phiện trồng xen lẫn rau cải trên địa bàn xã, chúng tôi được nghe đồng chí chính trị viên và lãnh đạo xã Tri Lễ giải thích: “Số diện tích trên có xen lẫn cây thuốc phiện là do anh em chiến sỹ phát hiện khi đi tuần tra biên giới. Tỷ lệ cây thuốc phiện trồng xen rau cải chiếm khoảng 20 -30%. Nguyên nhân do 115 hộ người Mông hồi cư từ Lào về trồng (từ năm 2000-2008 có một số hộ người Mông của xã di cư trái phép sang Lào, đến 2009 và 2010 được nước bạn Lào trả về theo đường ngoại giao - TG). Số đồng bào này lúc về đã mang theo hạt giống rau cải có lẫn cây thuốc phiện (vì rất giống nhau). Hơn nữa, lúc ra đi, đồng bào bán hết đất canh tác cho người ở lại, lúc về không có đất nên khi trở về, họ đã phải phát nương làm rẫy ở những nơi rất sâu, xa trong rừng thẳm. Và cây anh túc mọc lên lẫn với loài rau cải hiền lành, mang theo nỗi oan ức của người dân Tri Lễ. Nói oan ức là vì, chỉ từ năm 2006, Tri Lễ phát hiện gần 300m2 cây thuốc phiện trồng xen rau cải ở bản Pà Khốm, ngay lập tức, đoàn liên ngành của huyện xã và đồn BP 519 đã triệt phá cũng như giáo dục người vi phạm. Bẵng đi 5 năm nay, vì đón những người hồi cư trở về, cây anh túc lại đột ngột xuất hiện. Nhưng cũng đã đuợc các cơ quan chức năng phá nhổ ngay từ tháng 1/2011 và đông đảo bà con đồng tình.”.




Ông Xồng Nỏ Lỳ bên những nia cà núi (dùng để làm thuốc bắc với giá 250.000đ/10kg)


Vườn ở nhà ông Lỳ Tông Xúa (bản Minh Châu 1) đang ươm mầm cho những cây ăn quả mới.


Sau một ngày lặn lội ở vùng cao Tri Lễ, đi qua các bản làng, gặp gỡ đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, được nghe, được thấy chúng tôi cảm thấy nhẹ lòng. Bởi, trung tâm của thủ phủ “nàng tiên nâu” không còn cây thuốc phiện, dù cuộc sống còn bao bộn bề khó khăn như lời đồng chí Lê Xuân Thu khi chia tay nói: “Cả xã tỷ lệ hộ nghèo còn gần 76%, nhưng từ bỏ được cây thuốc phiện rồi, ai cũng phấn khởi. Cùng với sự chăm chỉ đoàn kết của các đồng bào dân tộc và sự hỗ trợ của Nhà nước Tri Lễ sẽ nhanh chóng thoát nghèo. Lần sau nhà báo lên đây, sẽ thấy Tri Lễ giàu đẹp hơn chừ nhiều”.


Nhóm P.V