Mạch nguồn di sản văn hóa xứ Nghệ: Bài 1: Buổi sơ khai

26/08/2011 15:52

Nghệ An là vùng đất có nền văn hóa lâu đời, xuất hiện vào hàng sớm nhất trong lịch sử Việt Nam. Người ta đã phát hiện thấy người vượn ở hang Thẩm Ồm (Quỳ Châu), nhiều công cụ thuộc thời kỳ đồ đá cũ ở hang Thẩm Hoi (Con Cuông), hang Chùa (Tân Kỳ)...


Dấu vết người vượn và những nét văn hóa cổ


Lịch sử Việt Nam có bao nhiêu ngày với những thăng trầm ra sao thì lịch sử Nghệ An cũng có bấy nhiêu thời gian với những hưng phế như vậy. Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, Nghệ An đã cùng dân tộc vượt qua giông bão và máu lửa để tồn tại và phát triển. Mười tám đời Vua Hùng dựng nước còn để lại trên đất Nghệ An nhiều di chỉ văn hóa khảo cổ học và những truyền thuyết bất hủ với những danh tướng, lương thần, các nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng. Được ví là mảnh đất "địa linh nhân kiệt" có số lượng di tích và danh thắng đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại, có niên đại trải dài từ thời khởi thủy. Mỗi di tích gắn với sự tích lịch sử và lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc xứ Nghệ.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về tiềm năng di tích lịch sử văn hóa Nghệ An, đồng thời nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ luôn nhớ, tự hào về cội nguồn dân tộc. Báo Nghệ An thực hiện loạt bài nhiều kỳ "Mạch nguồn di sản văn hóa xứ Nghệ".

Tòa soạn sẽ giới thiệu tới độc giả những di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và cấp Quốc gia trải qua 4 thời kỳ lịch sử: cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Để hoàn thành đề tài này, chúng tôi đã được sự giúp đỡ của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu ở Trung ương và địa phương. Đặc biệt là các đơn vị: Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh, Phòng Di sản văn hóa - Sở VHTT và DL, Bảo tàng Tổng hợp, Bảo tàng Xô Viết Nghệ - Tĩnh, Khu di tích Kim Liên, Thư viện tỉnh... cùng lãnh đạo các địa phương có di tích. Trong quá trình tổng hợp tư liệu và thể hiện các bài viết sẽ không tránh khỏi những khiếm sót, mong độc giả gần xa cùng góp ý, trao đổi.

Đề tài có tham khảo các tài liệu của các nhà khoa học, nghiên cứu Trung ương và địa phương.

Sau bao lần khai quật, tìm kiếm dưới lòng đất và trong lòng đá, chúng ta đã phát hiện dấu vết của người vượn trong hang Thẩm Ồm (xã Châu Thuận, Qùy Châu).


Hang Thẩm Ồm nằm ở hữu ngạn suối Bản Thắm, một phụ lưu của sông Hiếu. Trong lớp trầm tích màu đỏ thời Canh Tân, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 5 chiếc răng người (gồm 1 răng nanh hàm trên, 3 răng hàm trên và 1 răng sữa). Dựa vào trầm tích chứa răng người, các nhà nghiên cứu cho rằng người vượn ở Thẩm Ồm đã sống cách chúng ta khoảng 20 vạn năm. Ngày nay, nền hang Thẩm Ồm ở cao hơn mực nước suối Bản Thắm trong mùa cạn là 17m. Qua thời gian, hang Thẩm Ồm cùng với khối đá vôi đã được nâng lên cao. Người vượn ít cư trú ở trong hang mà chủ yếu họ sống trên các thềm phù sa trong thung lũng Bản Thắm. Nơi đây thoáng mát, gần nguồn nước mà không sợ bị ngập. Họ sống thành bầy người nguyên thủy, hái lượm và săn bắn với những gậy gỗ và những công cụ đá ghè đẽo thô sơ. Đó là lúc các thị tộc và bộ lạc hình thành. Đây cũng là lúc thời đại đồ đá cũ chuyển từ giai đoạn đầu sang giai đoạn cuối.

Dấu vết của văn hóa Sơn Vi được phát hiện ở vùng đồi gò dọc sông Lam như đồi Dùng (Thanh Đồng), đồi Rạng (Thanh Hưng - Thanh Chương). Văn hóa Sơn Vi kéo dài trong khoảng từ hai vạn năm đến 12 nghìn năm cách ngày nay. Các bộ lạc Sơn Vi, trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên để sống, đã dần dần cải tiến công cụ của mình và bước sang một giai đoạn mới, tạo ra một nền văn hóa mới mà khảo cổ học gọi là văn hóa Hòa Bình. Các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu và thăm dò khá nhiều hang động có di tích văn hóa Hòa Bình trong các dãy núi đá vôi ở các huyện Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Tân Kỳ và Quỳ Châu. Một số hang đã được khai quật như Thẩm Hoi ở Con Cuông, hang Chùa ở Tân Kỳ...



Nhà dân vẫn ở bên cạnh di chỉ Cồn Sò Điệp

Chủ nhân văn hóa Hòa Bình là những người đi săn. Trong nơi họ ở, thường gặp xương cốt của các loài thú rừng mà họ đã săn được. Công cụ cuội ghè đẽo là đặc trưng của văn hóa Hòa Bình và người nguyên thủy. Có một đặc điểm nữa là cư dân Hòa Bình thường chôn người chết ngay trong nơi ở. Trong hang Thẩm Hoi cũng như trong hang Chùa đều tìm thấy mộ của con người thời đó. Trong ngôi mộ ở hang Chùa, còn có rìu đá.

Nối tiếp văn hóa Hòa Bình là văn hóa Bắc Sơn. Chính các bộ lạc chủ nhân văn hóa Hòa Bình, trên bước đường phát triển đã tạo ra văn hóa Bắc Sơn. Trong một vài hang động ở Nghệ An đã tìm thấy những chiếc rìu bằng đá cuội được mài một phần rất nhỏ ở rìa lưỡi. Đáng tiếc dấu vết văn hóa Bắc Sơn ở Nghệ An tìm được còn quá ít. Vì thế trong thời kỳ này, chúng tôi muốn nhấn mạnh tới các bộ lạc đã sáng tạo nên văn hóa Quỳnh Văn - Di chỉ tiêu biểu được phát hiện đầu tiên là cồn Vỏ Điệp ở xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu).


Cồn Vỏ Điệp ở xã Quỳnh Văn có tên là cồn Thống Lĩnh, nằm cạnh đường Quốc lộ 1, cách Thành phố Vinh 57 km. Nhờ các cuộc khai quật khảo cổ, chúng ta biết rằng cồn Vỏ Điệp (Quỳnh Văn) là nơi cư trú của người nguyên thủy. Trong các Cồn Điệp ở Quỳnh Lưu, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều công cụ bằng đá của người nguyên thủy. Các bộ lạc Quỳnh Văn chưa biết mài đồ đá nhưng đã biết mài đồ xương và phát triển kỹ thuật làm đồ gốm.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy bếp của họ, đó là những đám tro than, ở giữa có những hòn đá ám khói. Một số hòn đá nứt nẻ do bị lửa nung. Trong tro than thường lẫn xương thú, xương cá và càng cua. Qua những dấu vết đó, chúng ta có thể biết được phần nào hoạt động kinh tế của các bộ lạc Quỳnh Văn. Cư dân trong các bộ lạc văn hóa Quỳnh Văn sống chủ yếu dựa vào việc bắt sò điệp ở bờ biển và vùng nước lợ. Trong các cồn điệp còn tìm thấy đốt xương sống và vây của những loài cá biển khá lớn. Muốn đánh được những loại cá như vậy, người nguyên thủy phải có thuyền ra biển.


Như vậy là cách đây khoảng trên dưới 5 nghìn năm, con người đã sinh sống trên nhiều nơi ở Nghệ An, từ miền núi đến miền biển.


Văn hóa Bàu Tró


Cư dân trồng lúa cuối thời đại đồ đá mới ở vùng đồng bằng và ven biển không phải ai xa lạ mà chính là con cháu của các bộ lạc - chủ nhân của văn hóa Quỳnh Văn trước đó. Nền văn hóa mà họ tạo ra được các nhà khảo cổ học gọi là văn hóa Bàu Tró.

Ở thời kỳ này, công cụ phổ biến nhất là rìu đá. Có thể chia lưỡi rìu đá thời này ra làm hai loại: một loại hình chữ nhật hay hình thang và một loại có cái chuôi nhỏ để lắp cán vào. Loại rìu có chuôi tra cán được gọi là rìu có vai. Rìu đá ở Nghệ An có mặt cắt ngang hình bầu dục hay hình thấu kính. Họ đã biết chọn các loại đá thích hợp để làm đá mài giống như ngày nay. Có loại đá mài là đá cát (sa thạch), có hạt cứng, dùng để mài phá lúc đầu. Có loại bằng đá phiến, mịn, dùng để mài trau, làm sắc lưỡi khi chiếc rìu đã thành hình. Có một số lưỡi rìu đá nhỏ, được mài nhΩn bóng, vuông vắn, xinh xắn, chứng tỏ kỹ thuật mài đá đã đạt trình độ cao. Những bộ lạc ở khu vực có đá để có thể làm rìu thường dựng lên những xưởng chế tạo rìu đá để trao đổi với các vùng khác



Chợ Vân họp trên di chỉ Cồn Sò Điệp.


Ngoài làm rìu, nghề làm đồ gốm cũng ngày càng phát triển. Cư dân văn hóa Bàu Tró đã dần dần từ bỏ loại đồ gốm có đáy nhọn và kỹ thuật nặn đồ gốm bằng tay, tiến tới dùng loại đồ gốm có đáy tròn làm bằng bàn xoay. Càng về sau, đồ gốm càng tốt và đẹp. Trong các Di chỉ ở Cồn Điệp Trại Múng (Quỳnh Sơn, Quỳnh Lưu) tìm được đồ gốm cạn lòng, có chân đế tròn nhưng miệng lại là hình bốn cạnh. Trong Cồn Điệp ở Quỳnh Lưu lại tìm thấy đồ gốm đặc biệt, giống như một cái cốc đặt trong một cái đĩa có thành cao, nhưng cốc và đĩa lại dính liền nhau. Ở giai đoạn này, người nguyên thủy còn dùng đá son mài ra rồi bôi lên đồ gốm. Các nhà khảo cổ học đã tìm được loại đồ gốm tô son (hay gốm tô thổ hoàng) ở Rú Ta (Diễn Châu), Trại Ổi (Quỳnh Lưu)...


Các bộ lạc cuối thời đại đá mới ở Nghệ An, chủ nhân của Văn hóa Bàu Tró còn là những người trồng lúa. Nhờ sự phát triển của nông nghiệp trồng lúa, các bộ lạc văn hóa Bàu Tró đã có thể sống trên nhiều địa hình khác nhau. Đời sống vật chất và tinh thần cũng đã phong phú hơn về nhiều mặt. Bấy giờ họ đã biết dệt vải. Chứng cứ của nghề dệt là những bánh xe quay sợi nhỏ (còn gọi là dọi xe chỉ) bằng đất nung tìm được trong nhiều di chỉ. Con người thời này cũng đã có nhiều đồ trang sức hơn, không phải chỉ đeo những vỏ sò, vỏ ốc như trước. Và đây cũng là giai đoạn công xã thị tộc mẫu hệ.

Họ vẫn tiếp tục sống trong các hang động của các dãy núi đá vôi như các hang Thẩm Mé Muôn, Thẩm Pông và Thẩm Ké Sang (cách huyện lỵ Quỳ Châu 15 km về phía Tây Bắc), hang Ké Tiên, Ké Thẩm và mái đá Bản Pun trên thung lũng sông Nậm Quang, gần bản Moong (Quế Phong), hay các hang Hoòng Cồn (Châu Cường), Piêng Pò (Liên Hợp) trên đất Quỳ Hợp... Dân miền núi Nghệ An đã thích đeo đồ trang sức hơn dân miền biển. Ở hang Thẩm Pông đã tìm thấy rất nhiều đồ gốm với nhiều chủng loại khác nhau. Tuy nhiên, tiêu biểu nhất của bộ lạc miền núi thời kỳ này là nông nghiệp trồng lúa nước trở thành kinh tế mũi nhọn. Họ trồng lúa trên các bãi thấp ven sông Hiếu.

1. Hiện nay, Hang Thẩm Ồm thuộc địa phận xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu. Cách đường 48 khoảng 7 km. Từ hang Bua, theo tuyến đường rải nhựa đến địa phận xã Châu Thuận chúng ta có thể đến hang Thẩm Ồm. Thẩm Ồm theo tiếng Thái có nghĩa là Hang Lớn. Đây là một hang đẹp được thiên nhiên kiến tạo rất đa dạng, có giá trị về mặt khảo cổ học. Cùng với hang Bua, hang Thẩm Ồm được huyện Quỳ Châu đưa vào mục tiêu tôn tạo, đầu tư phát triển để khai thác phục vụ khách du lịch. Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nên việc đầu tư cho phát triển du lịch hang động đối với Quỳ Châu là việc làm quá sức, rất cần sự vào cuộc của tỉnh và sự vào cuộc của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

2. Cồn Sò Điệp (Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu) từng là nơi cư trú của người nguyên thủy. Năm 1974, chợ Vân - một khu chợ quê của nhân dân xã Quỳnh Văn đã được di dời đến họp trên nền di chỉ khảo cổ học. Ngày 9/10/2006 Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh đã gửi Công văn số 165/CV - NV và ngày 1/2/2007 gửi Công văn số 19/CV - NV về việc báo cáo kết quả khảo sát lập hồ sơ di chỉ khảo cổ học và giải phóng mặt bằng khu vực chợ Vân, Quỳnh Văn để giành vị trí lập hồ sơ xếp hạng di chỉ khảo cổ học vùng Cồn Điệp Quỳnh Văn.

Ngày 20/10/2009, UBND xã Quỳnh Văn đã có tờ trình số 152/ TTr - UBND gửi UBND tỉnh, các sở ban, ngành liên quan về việc xin chủ trương và nguồn vốn đầu tư di dời chợ Vân sang vị trí mới, trả lại nguyên hiện trạng cho di chỉ khảo cổ học Cồn Điệp, đồng thời đề nghị các cấp có thẩm quyền lập kế hoạch xây dựng bảo vệ khu di chỉ khảo cổ Cồn Điệp đúng với ý nghĩa, tầm quan trọng.

Hiện tại, chợ Vân mới đã được phê duyệt quy hoạch trên khu đất 1,4 ha nằm ngay trên tuyến đường liên xã Văn - Bảng với tổng đầu tư 25 tỷ đồng, dự kiến năm 2015 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.


Thanh Thủy - Thanh Lê