Phát hiện, giám sát và phòng bệnh chân-tay-miệng
(Baonghean) - Bệnh chân-tay-miệng do nhóm vi rút đường ruột gây nên, thường ở thể nhẹ. Những trường hợp gây biến chứng nặng về thần kinh, phần lớn đều do chủng EV 71 gây nên. Thời kỳ ủ bệnh từ 3-5 ngày.
Ở Việt Nam, bệnh thường xuất hiện rải rác quanh năm, nhưng tập trung mạnh vào các tháng 3-5 và 9-12. Bệnh chủ yếu lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của mũi, hầu họng, nước bọt hoặc dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với các chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà… Đặc biệt khi bệnh nhân mắc các bệnh đường hô hấp thì việc hắt hơi, ho, nói chuyện sẽ tạo điều kiện cho vi rút lây lan trực tiếp từ người sang người. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi.
Bệnh nhân chân-tay-miệng tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc.
Biểu hiện đặc trưng của ca bệnh: Bệnh nhân sốt trên 37,5 độ, loét miệng (dạng nốt đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi) hoặc (và) nổi ban nước ở lòng bàn tay, bàn chân, vùng mông, đầu gối.
Bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị theo triệu chứng. Vì vậy, cần phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh. Cách ly ngay các trường hợp mắc bệnh, không để lây lan ra cộng đồng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nâng cao thể trạng. Làm sạch bề mặt và khử trùng dụng cụ sinh hoạt, nhà vệ sinh bị nhiễm chất tiết và bài tiết của bệnh nhân chân-tay-miệng
Trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi đã hết loét miệng và khỏi các phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp trong vòng 7 ngày thì phải cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền. Nếu được chăm sóc tại gia đình, bệnh nhân cũng phải được cách ly. Khi có biểu hiện biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như rung, giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao thì phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Thùy Vinh (tổng hợp)