Triển khai thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp: Chậm và lúng túng

09/08/2011 08:45

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 315 / QĐ-TT ngày 01/03/2011 về việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp thí điểm đối với lúa, gia súc, gia cầm... khi bị thiên tai, dịch bệnh. Nghệ An là một trong 20 tỉnh của cả nước được triển khai chính sách. Mặc dù quyết định có hiệu lực ngày 1/7/2011, nhưng ở Nghệ An người dân vẫn chưa được biết...

(Baonghean) - Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 315 / QĐ-TT ngày 01/03/2011 về việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp thí điểm đối với lúa, gia súc, gia cầm... khi bị thiên tai, dịch bệnh. Nghệ An là một trong 20 tỉnh của cả nước được triển khai chính sách. Mặc dù quyết định có hiệu lực ngày 1/7/2011, nhưng ở Nghệ An người dân vẫn chưa được biết...

Người dân Hưng Long - Hưng Nguyên từ lâu nay có nghề chủ lực là nuôi bò sinh sản và bò thịt. Đây là xã tập trung nhiều trâu bò của huyện. Tận dụng đất bãi một mùa không canh tác, bà con chăn thả cả ngày, tối lùa về. Hiện nay, Hưng Long có 1400 con bò, 250 con trâu, 5 đến 6 ngàn gia cầm. Do chăn thả bãi nên nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn. Trong năm 2011, dịch lở mồm long móng đã "tấn công" hai lần, bà con kịp thời phòng trừ nên thiệt hai rất ít. Nhưng mặt khác, nguy cơ thiên tai đối với trâu bò, gia cầm, lúa là rất cao. Có năm lũ cuốn trôi cả trâu, bò, lợn và lúa bị mất trắng. Tuy nhiên, bà con Hưng Long chưa được nghe nói đến chính sách bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ. Ngỡ tôi là người bán bảo hiểm như các dịch vụ Bảo hiểm khác, ông Sâm- xóm 9B xã Hưng Long - một hộ nuôi 11 con trâu bò thịt và bò sinh sản vội xua tay " Không mua đâu, bác sắp bán bớt trâu bò rồi". Sau khi được giải thích, ông nói: " Nhà nước làm gì cùng nghĩ đến dân, tốt cho dân. Nếu là chính sách chung thì nhà tôi sẽ tham gia".


Kiểm tra giống mía mới tại bản Tà Cộ (Châu Hạnh - Quỳ Châu).
Ảnh: Ngọc Lan

Suy nghĩ của ông Sâm cũng như ông Hải, ông Thành, ông Dục, chị Liễu... xóm 9B- một xóm nuôi nhiều trâu bò ở Hưng Long. Cả xóm có 150 con trâu bò, nhiều hộ nuôi 3-4 con. Ông Nguyễn Thanh Hải - Bí thư chi bộ xóm 9B cho biết: "Nhà tôi nuôi hai con bò đực phối giống trị giá hơn 60 triệu đồng. Vừa rồi tôi phải bán một con vì lo dịch bệnh. Nếu có chính sách bảo hiểm cho trâu bò tôi nghĩ là cần sớm được triển khai". Theo ông Hải, nghề nuôi bò ở Hưng Long là nghề hiệu quả nhất ở đây. Nhưng nếu xảy ra dịch bệnh thì có khi trắng tay.

Ở Hưng Tây, cả xã có 1700 con trâu bò, bà con cũng chưa biết chính sách bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ. Thậm chí lãnh đạo xã cũng chỉ nghe phong thanh. Ông Lý-Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng qui trình nuôi ngặt nghèo quá chắc gì người dân đã tuân thủ được. Mà không theo qui trình thì không được hưởng.

Không chỉ người dân, một số lãnh đạo các huyện, các phòng liên quan đến nông dân cũng mong được áp dụng chính sách cho bà con nông dân bớt thiệt hại. Ông Nguyễn Bá Thức- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ nói: " Tân Kỳ có trên 50.000 con trâu bò cùng với hàng ngàn ha cây công nghiệp dài ngày. Giá như bà con được tham gia bảo hiểm theo chế độ của Nhà nước cả cho cây công nghiệp thì thật tốt".

Tuy vậy, hiện nay Nghệ An vẫn chưa thành lập Ban chỉ đạo về Bảo hiểm nông nghiệp tại địa phương; chưa qui định huyện nào thực hiện thí điểm theo như QĐ 315 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 8133 của Bộ Tài chính.


Nuôi bò sinh sản ở Hưng Long - Hưng Nguyên. Ảnh: Châu Lan

Theo QĐ 315 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách Bảo hiểm nông nghiệp thì Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN); hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN; hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho những hộ không thuộc diện nghèo và hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho các tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp đã ban hành Công văn qui định các loại thiên tai, dịch bệnh và xác định mức độ thiệt hại để hỗ trợ thí điểm BHNN. Đối với cây lúa: được bảo hiểm khi bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, dịch rầy nâu. Gia súc, gia cầm được bảo hiểm khi bị dịch lở mồm, long móng, tai xanh, cúm gia cầm...

Thực hiện thí điểm, mỗi tỉnh chọn 3 huyện, mỗi huyện chọn 3 xã, và sẽ bảo hiểm qui mô toàn xã khi bị dịch, thiên tai. Bộ Nông nghiệp cũng ban hành qui trình sản xuất, qui trình chăn nuôi, thời gian tính bảo hiểm...

Một chính sách giàu ý nghĩa của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn như vậy nhưng tại sao tỉnh triển khai chậm và lúng túng?


Châu Lan