Người cựu binh nơi chân sóng
(Baonghean) - Về xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu, Nghệ An) ai cũng biết ông Ngô Duy Trinh, thương binh 4/4 - một ông chủ chuyên thu mua cá cho ngư dân và chế biến bột cá làm thức ăn gia súc bán cho các nhà máy trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Sinh ra và lớn lên trên quê biển Diễn Ngọc, cũng như bao chàng trai của biển, ông theo cha đi đánh cá ngoài khơi xa. Những mẻ lưới nặng đầy, những boong thuyền đầy cá của hàng trăm ngư dân trong xã ngày ngày cập bến, những mẻ cá nhỏ rất khó tiêu thụ, giá rẻ rúng vì không có đầu ra, ngư dân thiệt thòi... Hình ảnh ấy cứ đeo bám trong tâm trí ông. Trong đầu ông lúc nào cũng nung nấu ý chí "mình phải xây dựng được nhà máy chế biến bột cá, tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân".
Năm 1971 ông lên đường nhập ngũ Đoàn 559, làm lính lái xe Trường Sơn phục vụ chiến trường Miền Nam đánh Mỹ. Những năm tháng chiến tranh ác liệt vẫn không làm nguôi ý chí nung nấu trong ông về một nhà máy chế biến bột cá nơi quê nhà. Hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc, năm 1980, ông Trinh phục viên về quê, mang trên mình thương tích của chiến tranh, thương binh 4/4. Ban đầu chưa có vốn ông tiếp tục đi biển đánh cá, buôn bán cá, làm dịch vụ cho các cơ sở, rồi sơ chế, phơi cá khô, cá mặn, làm xưởng chế biến nước mắm. Ông xoay đủ cách để có kinh phí xây dựng nhà máy chế biến bột cá. Sau 14 năm bươn chải tích luỹ, kết hợp vay vốn bạn bè và vốn ngân hàng đến năm 2004, ông Trinh quyết định khởi công xây dựng nhà máy, thực hiện ước mơ của mình tại xã Diễn Ngọc với kinh phí đầu tư ban đầu hết 900 triệu đồng.
Xưởng chế biến bột cá của ông Ngô Duy Trinh.
Năm 2005, nhà máy đi vào hoạt động, ông Trinh mỗi ngày thu mua hàng tấn cá tạp, cá nhỏ cho ngư dân địa phương để phục vụ chế biến thức ăn gia súc. Khi chưa có nhà máy, bà con chỉ bán được 500 đồng/kg các loại cá tạp, nay ông Trinh mua cho dân 4.000 đồng/kg. Từ khi có nhà máy chế biến bột cá của ông Trinh ra đời, nhiều ngư dân trong xã nhờ bán được các loại cá tạp, cá nhỏ mà ổn định cuộc sống, tích cực vươn khơi bám biển. Bình quân mỗi năm ông Trinh thu mua cho dân khoảng gần 1.000 tấn cá tạp các loại. Cá được chế biến thành bột cá bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhà máy chế biến bột cá của gia đình ông Trinh tạo việc làm cho 30 lao động, những đợt cao điểm thu hút 60 lao động, với mức chi trả lương cho công nhân từ 3,5- 5 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm được xuất sang Trung Quốc
Ông Ngô Duy Trinh chia sẻ: khó khăn nhất của doanh nghiệp chúng tôi hiện nay là thiếu vốn, hiện gia đình tôi thường xuyên phải vay ngoài 600 - 700 triệu đồng với lãi suất cao để chi trả tiền thu mua cá hàng ngày cho dân. Toàn bộ bìa đất, nhà máy đã thế chấp để vay vốn ngân hàng nên giờ muốn vay thêm vốn cũng... chịu. Vì chẳng còn gì để thế chấp nữa! Mong ngân hàng cho vay thêm vốn tín chấp bằng uy tín của doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp làm ăn không có lãi, chỉ đủ trả chi phí nhiên liệu, tiền lương cho công nhân và lãi suất ngân hàng.
Là một cựu chiến binh - thương binh 4/4 giàu lòng nhân hậu, ngoài việc sản xuất kinh doanh giỏi, ông Ngô Duy Trinh thường xuyên làm công tác từ thiện nhân đạo đối với bà con địa phương. Những lúc bà con gặp khó khăn, ông Trinh thường ủng hộ cho những nhà thiếu đói 500 ngàn - 1 triệu đồng/hộ. Có những hộ nghèo quá, ông Trinh trực tiếp đưa gạo đến tận nhà giúp họ. Mới đây, gia đình ông Ngô Duy Trinh vừa đầu tư 250 triệu đồng để xây dựng mới Nhà văn hoá xóm Đông Lộc - xã Diễn Ngọc, người dân trong xã không phải đóng góp kinh phí. Đây cũng là món quà ông dành tặng cho quê hương yêu dấu của mình.
Nhiều lao động đã gắn bó với xưởng của ông Trinh
Trong niềm vui phấn khởi, ông Trinh cho hay: sau nhiều ngày tháng tìm hiểu, kiểm tra các điều kiện sản xuất của nhà máy chế biến bột cá, đối tác Trung Quốc đã đồng ý ký hợp đồng mua sản phẩm bột cá của gia đình ông. Rồi đây, khi bột cá được xuất khẩu chính ngạch sẽ nâng cao hơn giá trị sản phẩm, kéo theo giá mua cá nguyên liệu cho ngư dân chắc chắn sẽ tăng đáng kể, bà con ngư phủ sẽ có cuộc sống ấm no hơn.
Quỳnh Lan