Một cuộc đời không ngắn ngủi

05/09/2011 16:57

(Baonghean) - Nhà cách mạng yêu nước Trần Phú sinh tại huyện lỵ Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi, vào ngày 1/5/1904 nhưng nguyên quán của ông là làng Tùng Ảnh, xã Việt Yên Hạ, nay là xã Đức Sơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Sau một quá trình học tập tu dưỡng tại Đức Phổ và Trường Quốc học Huế, năm 1922, Trần Phú ra Vinh dạy Trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Bốn năm sau đó, ông tham gia lập Hội Phục Việt rồi gia nhập Việt Nam cách mạng đảng - sau đổi tên là đảng Tân Việt.

Ở tuổi 22, một sự kiện lớn đến trong đời hoạt động cách mạng của Trần Phú: tháng 8/1926, ông bí mật sang Trung Quốc liên lạc với Hội cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập tại Quảng Châu; và tới năm sau Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva (Nga). Tốt nghiệp, ông trở về nước, được cử vào BCH lâm thời của Đảng.

Là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương (họp tháng 10/1930 tại Hồng Công-Trung Quốc), địa bàn hoạt động chính của Trần Phú là Thành phố Sài Gòn. Trước tình hình bấy giờ, Nguyễn Ái Quốc đã sáng suốt nhận định: “Sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết. Chính vì vậy phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh” (1). Tại Sài Gòn, Trần Phú cùng BCH Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân đang dâng cao mạnh mẽ khắp cả nước, mà tiêu biểu là phong trào Xô viết Nghệ -Tĩnh ở quê nhà… Ông còn được phân công trực tiếp phụ trách Công hội Đỏ, một tổ chức quần chúng rộng rãi của công nhân lúc đó.

Chính quyền Xô viết tuy chỉ mới thành lập ở một số xã và tồn tại trong thời gian 4 đến 5 tháng, ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã thể hiện tính ưu việt là đem lại quyền lợi thiết thực cho nhân dân cần lao. Đó là chính quyền của nhân dân, vì dân…

Đến thăm Bảo tàng Xô Viết Nghệ-Tĩnh tại Tp.Vinh, người xem gặp ngay bức tượng bán thân Tổng Bí thư Trần Phú, vẻ mặt đăm chiêu mà ngời sáng, đang cầm cây bút khởi thảo những dòng của bản Luận cương chính trị, tháng 4/1930, sau này đã trở thành cương lĩnh và chương trình hoạt động của Đảng ta: Tiến hành cách mạng dân chủ tư sản dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đánh đổ đế quốc và phong kiến, đưa Việt Nam tiến thẳng lên CNXH!

Sau khi chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai, nhằm đấu tranh với những tư tưởng sai trái trong Đảng, đồng thời đặt sự chú ý tới các công tác Công hội, Nông hội, Phụ nữ, Thanh niên…để đưa phong trào cách mạng lên cao, ngày 19/4/1931, đồng chí Trần Phú đã bị bắt tại Sài Gòn.

Biết đồng chí là Tổng Bí thư của Đảng, bọn địch dùng mọi cực hình tra tấn nhưng không thể nào lấy cung được. Chúng đành phải đưa người cộng sản mới 27 tuổi đời ấy ra bồi thẩm. Chuyện kể lại (2), hôm đó nhiều đồng chí khác cùng bị giải ra tòa cùng với Trần Phú. Ai cũng bị tra tấn nhưng còn tự bước đi được, riêng Trần Phú phải có 2 người dìu. Lúc tên bồi thẩm Góoc-xơ hỏi đến, ông trả lời rất dứt khoát khiến nhiều đồng chí chứng kiến cuộc hỏi cung rất phấn khởi, mến phục. Tên bồi thẩm liên tục ra câu hỏi và được trả lời như sau:

- Có phải anh là Trần Phú không?

- Vâng, tôi là Trần Phú!

- Anh có phải là Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương?

- Vâng, tôi là Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương!

Đến đây, tên bồi thẩm vừa ngạc nhiên vừa mừng thầm, vì hắn biết ở bót mật thám dù bị tra tấn đến đâu, Trần Phú vẫn không khai một lời. Hắn mơ hồ sẽ được đối phương tiết lộ những tài liệu quý giá giúp bọn chúng đàn áp phong trào cách mạng, nên vui vẻ bảo lấy ghế mời Trần Phú ngồi, còn mời cả thuốc lá nữa…

Rồi tên bồi thẩm hỏi tiếp và nhận được những câu trả lời khôn khéo, đanh thép:

- Anh là Bí thư, tất nhiên anh phải biết nhiều đồng chí trong Đảng chứ?

- Vâng, tôi biết nhiều đồng chí trong Đảng!

- Vậy, anh cho biết tên một vài đồng chí mà anh biết?

- Tôi biết nhiều đảng viên là để làm việc cho Đảng tôi, chứ không phải để khai với ông. Ông đừng hỏi gì tôi nữa!

Thất vọng quá lớn, tên bồi thẩm bỏ bút xuống, ra lệnh dẫn Trần Phú vào khám lớn. Tại khám, đồng chí đã nhịn ăn đến 12 ngày, chúng sợ tù nhân chết nên bơm sữa và trứng gà qua đường hậu môn. Ít lâu sau, Trần Phú bị ho nặng, bọn chúng đưa ông vào nhà thương Chợ Rẫy.

Ngày 6/9/1931, do bệnh tình quá trầm trọng, đồng chí Trần Phú-người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta trút hơi thở cuối cùng. Trước khi ra đi, nghĩ tới tương lai của Tổ quốc, ông còn dặn lại các đồng chí một câu nói bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.

Kim Hùng