Bài 2: Những "công nghệ" tự chế

08/08/2011 08:21

(Baonghean) - Các khu công nghiệp nhỏ, nơi gom tụ các cơ sở công nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư. Nhiều cơ sở là nơi "ứng dụng" các dây chuyền lạc hậu, dây chuyền tự chế để chế biến nhựa, bao tải, bao ni lon, gây ô nhiễm trầm trọng cho các hộ dân xung quanh.

Giữa trời nắng gắt của mùa hè, đi vào giữa những "núi rác" bao phủ cao ngất tại cơ sở chế biến hạt nhựa của ông Trần Văn Đức (Khu công nghiệp nhỏ Diễn Hồng) phải bịt mũi vì mùi từ các loại bao tải, bao ni lông đã qua sử dụng.

Trên những đống rác cao ngất là những em gái tuổi cỡ 14 đến 16 đang "bơi" trong đó để phân loại rồi đưa vào chế biến. Bên trong chỗ nấu rác làm ra hạt nhựa cũng là những em nhỏ, nhưng là trai, gom từng đống rác trong bể nước đen ngòm để rửa, rồi cho chúng vận hành trên một băng tải nhỏ, từ đó xay ra thành sợi rồi cho vào nồi nấu chảy ra những dòng nhựa như "bún". "Bún" được làm lạnh qua một rãnh nước và xay vỡ thành hạt nhựa có màu xanh đen đặc trưng của nhựa tái chế. Hạt nhựa này sẽ được bán cho các cơ sở khác để sản xuất nhựa gia dụng, vật tư ngành nước, chiếu cói..vv... Đáng sợ nhất là những em nhỏ dầm mình trong bể nước rửa rác, vớt chúng vào từng thùng để đưa lên băng tải rồi đảo rác bên lò nấu sùng sục, không khẩu trang, quần áo bảo hộ.


Nhà máy nhựa Hùng Linh nằm sát vườn nhà dân.

Không chỉ cơ sở của ông Đức, tại KCN nhỏ Diễn Hồng- Nghệ An có 18 cơ sở khác làm nghề xay bao bì xác rắn, buôn bán phế liệu, xay hạt nhựa như của ông Phấn, ông Nam, ông Vinh, ông Cảnh... Hầu hết, các cơ sở này đều sản xuất thủ công, dây chuyền chế biến lạc hậu, không có thiết bị xử lý khói, mùi nên gây ô nhiễm nghiêm trọng trong vùng. Trong KCN này, còn có hai doanh nghiệp gây ô nhiễm khác từ nấu sắt vụn, sản xuất phôi thép là Công ty CP TM Hưng Thịnh và Công ty TNHH Kim Anh. Sắt phế phẩm được thu gom về đây, cho vào lò nấu bằng than tổ o­ng, tạo thành phôi thép rồi được cán thành thép cây bán ra thị trường. Lò nấu thép này, theo các chuyên gia thì khói bụi nặng, chỉ bay lơ lửng, nên khu vực xung quanh bị "màn sương" độc hại này bám chặt. Nước thải từ lò nấu thép được đưa ra các bể chứa và sau một tuần đổ ra bể chung của khu công nghiệp một lần. Khu công nghiệp có hai ao nhỏ đựng chất thải không xử lý, khi đầy chảy về sông ở Diễn Hồng.

Ô nhiễm ở " Khu công nghiệp" nhỏ Diễn Hồng, theo ông Nguyễn Hồng Trung - Trưởng Ban quản lý khu công nghiệp, là do phế liệu các cơ sở, các doanh nghiệp nhập từ Lào về quá nhiều, diện tích đất một số cơ sở lại quá chật nên rác để không đúng nơi qui định, khói thải gây ô nhiễm các khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất không chấp hành các qui định về bảo vệ môi trường của UBND xã, Ban quản lý, hệ thống mương thoát nước ùn tắc nhưng không khắc phục được. Cả khu công nghiệp chưa có đánh giá tác động môi trường chung. Hệ thống tiêu thoát nước của KCN hiện đang bị tắc.

Còn tại Khu công nghiệp nhỏ Hưng Dũng- (TP. Vinh), một doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là Công ty CP nhựa Hùng Linh. Nhà máy của công ty được xây dựng trên tổng diện tích 6.052m2. Trong bản cam kết bảo vệ môi trường của công ty này lập vào tháng 3 năm 2010 thì vị trí nhà máy phía Đông Bắc giáp đường qui hoạch số 2, phía Đông Nam giáp đường lô số 13, phía Tây Bắc giáp đường qui hoạch, phía Tây Nam giáp mương nước thải của KCN. Nhưng thực tế, nhà máy này có hai mặt nằm trọn trong vườn nhà dân. Có 5 hộ dân nhà sát kề với nhà máy chỉ 10m đất, trong khi đó theo qui định, bờ rào nhà máy phải cách xa nhà dân 500 m. Việc nhà máy nằm trọn trong khu dân cư khiến cả xóm Hòa Tiến - Hưng Lộc phải hứng chịu mùi khói độc và tiếng ồn của nhà máy.

Trong bản cam kết bảo vệ môi trường của Công ty còn ghi rõ: "Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất đồ nhựa gia dụng và vật tư ngành nước từ nguyên liệu nhựa nhập khẩu, công suất 400 tấn sản phẩm/ năm". Thế nhưng từ khi đi vào sản xuất cho đến tháng 7 năm nay, công ty vẫn sử dụng nhựa phế liệu để sản xuất. Trước đó, công ty đã sử dụng dây chuyền nấu nhựa để nấu dép nhựa, các loại nhựa phế thải thu mua được. Sau khi Cảnh sát môi trường Nghệ An yêu cầu công ty phải dỡ bỏ dây chuyền nấu nhựa tỏa khói độc hại ra dân cư, công ty chuyển sang xay nhựa phế liệu.

Cũng xin nói thêm là tại Khu công nghiệp nhỏ Hưng Dũng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. "Nhà nào lo nhà nấy" là cảnh phổ biến ở đây.


Nhóm PVKT