Hồ tiêu cao giá - Người trồng hồ tiêu vẫn thờ ơ

29/09/2011 10:11

Nhìn chung, trong 5 năm lại đây, giá hồ tiêu thế giới dù tăng chậm nhưng vẫn năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2006 giá hồ tiêu thế giới là 3.000 USD/tấn, năm 2007 lên 4.000 USD/tấn thì tháng 9 năm nay, giá hồ tiêu thế giới vọt lên đến 8.050 USD/tấn. Giá hồ tiêu tăng vọt như giá vàng, nhiều nơi nhổ cây khác trồng tiêu còn ở Nghệ An thì cây tiêu chưa được quan tâm.

(Baonghean.vn) Nhìn chung, trong 5 năm lại đây, giá hồ tiêu thế giới dù tăng chậm nhưng vẫn năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2006 giá hồ tiêu thế giới là 3.000 USD/tấn, năm 2007 lên 4.000 USD/tấn thì tháng 9 năm nay, giá hồ tiêu thế giới vọt lên đến 8.050 USD/tấn. Giá hồ tiêu tăng vọt như giá vàng, nhiều nơi nhổ cây khác trồng tiêu còn ở Nghệ An thì cây tiêu chưa được quan tâm.

Chăm sóc hồ tiêu.

Trò chuyện với ông Võ Quý Hương, ông Hoàng Quỳnh, là hai nhà trồng tiêu nhiều nhất ở xóm giáo Nhân Thành (xã Thanh Tùng, Thanh Chương) và bà con ở các xã Thanh Thịnh, Thanh Nho, Thanh Hà... được biết: Mặc dù nghe nói ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hiện tại giá tiêu chợ đen lên 150 nghìn đồng/kg nhưng mấy tháng qua họ chỉ bán cho các đại lý với giá từ 85 đến 100 nghìn đồng/kg. Dù sao thì vẫn cao so hơn nhiều năm giá chỉ còn 35 - 40 nghìn đồng/kg. Vì giá cả phập phù, sâu bệnh gây hại là nguyên nhân chính để vùng tiêu Thanh Chương mấy năm qua "dẫm chân tại chỗ" và nhiều người quay lưng với cây tiêu, làm cho vườn cây hồ tiêu năng suất thấp dần.

Tìm hiểu chúng tôi biết thêm, năm 2005 diện tích hồ tiêu của Thanh Chương lên cao nhất 110 ha; sau đó 2 năm tụt xuống chỉ còn 71 ha; năm 2009 nhích lên được 108 ha; năm 2010 và năm nay ước cũng chỉ đạt 113 ha. Về sản lượng: năm 2009 đạt 150 tấn, năm 2010 đạt 115 tấn hạt.

Huyện Tân Kỳ, nơi có truyền thống trồng tiêu tình hình cũng không khá lắm. Trò chuyện với ông Phan Xuân Tu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Bình và cũng là người trồng tiêu nổi tiếng trong vùng, được biết: Thời ông làm Bí thư, xã Nghĩa Bình đã làm giàu từ cây chiến lược này. Quanh vườn nhà của ông Tu, hơn 100 gốc tiêu hiện đang thu hoạch cũng trồng từ những năm 2004. Theo ông, kỹ thuật trồng có khó một chút nhưng đầu tư vốn lại không nhiều bằng trồng cam và cây ăn quả khác. Hạch toán kỹ, nó vẫn là cây có hiệu quả nhất trên vùng đất đồi thiếu nước. Do vậy, trước đây năm cao nhất xã Nghĩa Bình trồng gần 30 ha, nay tuy là xã dẫn đầu huyện, nhưng cũng chỉ trên dưới 15 ha. Nguyên nhân do sâu bệnh, giá bán lại không ổn. Ở các tỉnh nghe nói họ có hệ thống thu mua xuất khẩu còn tỉnh mình chỉ dựa vào tư thương gom nhặt và thường tiêu thụ nội địa. Giá xuất khẩu có lên thì cũng chỉ có lợi cho chủ đại lý, bà con không được hưởng lợi. Vì vậy ở Nghĩa Bình, nhiều người đã dỡ cọc tiêu. Tất nhiên cũng do cây sắn nguyên liệu dễ trồng, dễ bán nên cây sắn đã dần lấn đất cây tiêu. Chỉ có một số người có kỹ thuật cao, có tầm nhìn xa như ông Nguyễn Kỷ vẫn trồng nhiều (gần 2 mẫu). Bây giờ trong xã và cả huyện Tân Kỳ không ít bà con phân vân với cây hồ tiêu.

Các nhà quản lý sẽ nghĩ gì khi biết tỉnh ta có tới 433.357 ha đất màu đỏ vàng phát triển trên đá phiến thạch sét phù hợp với trồng cây hồ tiêu trên các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp hiện đang trồng keo, bạch đàn rồi trồng sắn, mía là những cây làm xác đất và một số diện tích trồng tiêu được đang bị bỏ hoang? Một tỉnh lớn mà chỉ có 275 ha hồ tiêu trong khi cả nước có 50 nghìn ha theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp & PTNT?. Trong những mặt hàng xuất khẩu của 8 tháng năm nay, không thấy Cục thống kê Nghệ An liệt kê đến tên hạt tiêu! Cả năm 2010, cũng vậy, khi các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh thì có mặt của cà phê (với giá trị 360.000 USD) nhưng cũng không thấy hồ tiêu. Điều đó, chỉ có thể hoặc kim ngạch ít quá, thua cà phê, nên không ghi hoặc là 407 tấn hạt tiêu đó đã xuất theo đường tiểu ngạch, xuất kèm không đáng kể. Tất cả những điều ấy nhắc nhở người trồng tiêu và nhà quản lý mặt hàng này của tỉnh cần suy nghĩ thêm.

Hoàng Chỉnh