Chàng trai Thổ với nghề điêu khắc

24/08/2011 16:59

Từ những khối đá sần sùi, vô tri, bằng niềm đam mê, sáng tạo trên đôi tay tài hoa, chàng thanh niên người dân tộc Thổ Trương Quang Trung (SN 1980) đã tạo ra những sản phẩm điêu khắc đẹp mắt, có giá trị kinh tế lớn. Với một xưởng chế tác, thu nhập hàng năm trên dưới 100 triệu đồng, Trương Quang Trung đã trở thành tấm gương sáng về nghị lực vươn lên làm giàu.

(Baonghean) -Từ những khối đá sần sùi, vô tri, bằng niềm đam mê, sáng tạo trên đôi tay tài hoa, chàng thanh niên người dân tộc Thổ Trương Quang Trung (SN 1980) đã tạo ra những sản phẩm điêu khắc đẹp mắt, có giá trị kinh tế lớn. Với một xưởng chế tác, thu nhập hàng năm trên dưới 100 triệu đồng, Trương Quang Trung đã trở thành tấm gương sáng về nghị lực vươn lên làm giàu.

Trung sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo dân tộc Thổ ở xóm Đò, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An). Là con trai thứ 8 trong 9 anh chị em, lên 16 tuổi bố mất, cuộc sống của gia đình Trung đã vất vả lại càng khó khăn hơn. Mấy anh chị em Trung phải bươn chải làm nương, làm rẫy, để kiếm sống và đi học. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp THPT, vì điều kiện gia đình khó khăn Trung không thi vào các trường đại học, cao đẳng, mà xác định học một cái nghề phù hợp, sớm có thu nhập để phụ giúp gia đình.

Một sự tình cờ, năm 2002, một người bạn cùng xóm học nghề điêu khắc đá tại TP Vinh, đã về rủ anh cùng học, sẵn có niềm đam mê, lại có chút năng khiếu mỹ thuật nên Trung nhận lời ngay. Sau hơn 1 năm (từ 2002 đến 2003), Trung đã học xong lớp chế tác đá tại Trường dạy nghề Tiểu thủ công nghiệp Nghệ An. Trung về quê xin vào làm tại một số xưởng xẻ đá trắng. Do ở đây chỉ cắt, xẻ và nghiền bột đá, không chế tác mỹ nghệ, vì thế, năm 2005 Trung vào làng đá Non Nước để tìm việc, đồng thời tạo cơ hội cho mình có thể tiếp cận và học hỏi được nhiều kỹ thuật phức tạp trong điêu khắc, chế tác đá.

2 năm sau (2006 và 2007), Trung lại tiếp tục ra Bắc Ninh, xin vào làm công tại một số xưởng chế tác đá mỹ nghệ ở huyện Quế Võ, nơi nổi tiếng với các sản phẩm điêu khắc đá nghệ thuật và đòi hỏi độ tinh xảo cao, như điêu khắc các sản phẩm về tín ngưỡng, các loại tượng phật, tượng quan âm...

Năm 2009, Trương Quang Trung vinh dự được nhận kỷ niệm chương tài năng trẻ Việt Nam lần thứ nhất tại Hà Nội.

Tuy nhiên, dù đi nhiều nơi, học hỏi được nhiều kỹ thuật mới, nhưng Trung vẫn quan niệm, không đâu bằng quê hương mình. Bởi sẽ là lãng phí nếu cứ xẻ đá ra rồi bán nguyên liệu cho các làng điêu khắc đá, mà không tự mình thổi hồn cho nó, để làm tăng giá trị cho những khối đá trắng Phủ Quỳ. Nghĩ là làm, cuối năm 2008, Trung quyết định về quê mở xưởng điêu khắc đá của riêng mình. Ban đầu anh cũng chỉ góp nhặt những hòn đá nhỏ để về chế tác ra sản phẩm nhằm thoả niềm đam mê. Sau một thời gian, các sản phẩm của anh cũng được nhiều người biết đến, các chủ mỏ đá lần lượt đến đặt vấn đề thuê anh gia công trên đá của họ.

Vừa làm, vừa tích góp, từ số tiền công được trả trên mỗi sản phẩm, anh sắm thêm nhiều máy móc, từ máy cắt, khoan, đục, đánh bóng… để phục vụ cho công việc của mình. Trung cho biết, tuỳ mức độ tinh xảo mà thời gian hoàn thành một sản phẩm có sự khác nhau. Vì thế giá thành cũng có sự chênh lệch nhất định, một cặp sư tử mất gần hai tháng chế tác có giá khoảng trên dưới 10 triệu đồng; ngoài ra cũng có những sản phẩm lưu niệm nhỏ có giá trị từ vài chục đến vài trăm ngàn...

Từ khi mở xưởng đến nay, ngoài việc gia công cho các chủ mỏ đá, Trung còn mua các loại đá khác nhau về làm, từ đá trắng, đá vàng để chế tác cho phù hợp với từng loại sản phẩm. Thông thường các loại sản phẩm tâm linh như: tượng Phúc-Lộc-Thọ, tượng Quan âm, tượng Di lặc... thì Trung làm bằng đá vàng, các loại tượng sư tử, lân, nghê, thì làm bằng đá trắng, hoặc tuỳ thuộc vào ý thích đặt hàng của khách. Có thời điểm hàng nhiều, Trung phải thuê thêm một số thợ về cùng làm và trả tiền công theo ngày từ 150.000 đến 200.000đ/ngày. Mỗi năm cơ sở của anh cũng hoàn thành gần 200 tượng đá các loại, cho thu nhập gần 100 triệu đồng.

Với những nỗ lực vươn lên trong nghề điêu khắc đá, năm 2009 Trung đã vinh dự được Tỉnh đoàn Nghệ An chọn đi tham dự Đại hội tài năng trẻ Việt Nam lần thứ nhất tại Hà Nội, do Trung ương Đoàn tổ chức. Vinh dự đó càng làm cho Trung quyết tâm hơn trong việc nâng tầm giá trị của đá trắng Phủ Quỳ. Hiện nay em trai Trung là Trương Văn Thành (SN 1983) cũng đang được anh định hướng theo nghề điêu khắc đá, và đang theo học các nghệ nhân tại làng đá Non Nước.

Luôn trăn trở để tạo ra những sản phẩm lạ, độc đáo.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của Trung là thiếu nguồn vốn, cùng những chính sách ưu tiên cho thanh niên phát triển nghề. Anh đang muốn phát triển quy mô xưởng, thuê nhân công và mua đá về chủ động chế tác, không phải gia công cho các chủ đá. Đó cũng là mong muốn chính đáng đối với những thanh niên có chí hướng lập thân, lập nghiệp trên chính quê hương mình.


Đặng Nguyễn