Bài cuối: Câu chuyện "hậu đầu tư"

29/08/2011 10:43

(Bna) - Cần phải khẳng định rằng, dệt may không phải là ngành mang lại nhiều số thu nộp ngân sách nhưng tạo việc làm...

(Bna) - Cần phải khẳng định rằng, dệt may không phải là ngành mang lại nhiều số thu nộp ngân sách nhưng tạo việc làm rất lớn cho người lao động trên địa bàn. Thế nhưng, làm sao để giải quyết tốt các vấn đề liên quan, lúc mà hàng nghìn lao động tập trung khi những nhà máy này đi vào hoạt động, đang được dư luận quan tâm.

Để phát triển công nghiệp dệt may tương xứng với tiềm năng của ngành, tỉnh đã có các giải pháp như tăng cường xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong mở rộng thị trường, hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm xuất khẩu ở nước ngoài, khuyến khích các cá nhân và tổ chức tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện cho các dự án mở rộng và đầu tư dệt may về mặt bằng, vay tín dụng ưu đãi... Kêu gọi đầu tư của các đối tác nước ngoài hoặc người Việt Nam đang định cư tại nước ngoài, vốn của các tổng công ty và các doanh nghiệp trên địa bàn, vốn vay từ ngân hàng thương mại, từ quỹ hỗ trợ phát triển, ngân sách địa phương; sử dụng Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm, Quỹ Khuyến công phục vụ cho chương trình phát triển ngành Dệt may của tỉnh. Thế nhưng, bấy nhiêu có lẽ vẫn là chưa đủ so với những bất cập đặt ra hiện nay.


Cụm công nghiệp dệt may Nam Giang - Nam Đàn có diện tích gần 30 ha nằm cạnh quần thể Di tích Kim Liên nên việc bảo đảm an ninh trật tự, mỹ quan, môi trường khi thu hút trên 7.000 công nhân sẽ là áp lực không nhỏ đối với huyện. Xung quanh vấn đề này, ông Trần Đình Hường- Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, cho biết: Chúng tôi đã lường trước các vấn đề nảy sinh và trước mắt huyện đã GPMB quy hoạch thêm 7 ha ngay tại CCN làm khu dịch vụ, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân. Nhiều nhà dân ở gần khu vực cũng đã "đón đầu" xây dựng nhà ở cho thuê. Các vấn đề khác như an ninh trật tự, môi trường, công đoàn bảo vệ lợi ích cho người lao động,... đều được bàn bạc với các ngành liên quan. Hệ thống trường lớp các xã Nam Giang, Kim Liên đã được trang bị đáp ứng tốt nhu cầu cho con em công nhân. Huyện còn kêu gọi thành lập bệnh viện tư nhân trên cơ sở phòng khám đa khoa Kim Liên cũ nhằm phục vụ số lao động tăng thêm...


Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng nhìn xa trông rộng như Nam Đàn. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thế, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương Nghệ An) lo lắng: Chúng ta đi sau nhiều tỉnh thành khác về dệt may nên về cơ bản các nhà máy may đều nằm trong khu quy hoạch cụm công nghiệp, nằm rải rác ở các huyện chứ không tập trung về địa bàn thành phố. Điều này giảm áp lực cho đô thị vừa đảm bảo việc cân đối trong đầu tư, tạo việc làm tại chỗ cho con em các địa phương. Tuy nhiên, ngoài việc đảm bảo hiệu quả đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp không tính đến các vấn đề nảy sinh khác liên quan đến đời sống người lao động như nhà ở, trường học, dịch vụ y tế, thương mại...


Một bất cập khác là vấn đề đào tạo nghề cho lao động. Dệt may là ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động phổ thông, trong đó lao động nữ (tuổi từ 18 đến 30) chiếm 70% đến 80%. Hầu hết các DN dệt may chưa xây dựng được chiến lược nhân sự. Do thiếu lao động, nhiều doanh nghiệp sản xuất theo kiểu "ăn đong". Chuẩn bị nhân sự, đào tạo tay nghề đã không còn là việc của DN hay chính quyền mà phải có sự liên kết, chăm lo của nhiều phía, trong đó, ngay cả người lao động cũng phải ý thức được yêu cầu này.


Ngoài ra, các chế độ: BHXH, BHYT, BHLĐ, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt cho người lao động. Tình trạng đình công yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm đã diễn ra không ít trong ngành Dệt may và ở tỉnh ta tiêu biểu là vụ đình công ở Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan vào năm 2010. Nguyên nhân cũng do một số chủ doanh nghiệp chưa nhìn nhận đúng về vai trò của người lao động. Lương thưởng thấp, các chế độ khác không đảm bảo, dẫn đến sự gắn kết giữa công nhân với nhà máy không bền chặt. Do đó, một thực trạng đang diễn ra phổ biến trong ngành Dệt may là lực lượng lao động không ổn định, tình trạng lao động bỏ việc, tự do chuyển chỗ làm khá phổ biến.


Như vậy, để giải quyết tốt bài toán phát triển của ngành công nghiệp dệt may, một mặt Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp dệt may khi họ về nông thôn đầu tư như các DN đầu tư tại các khu công nghiệp. Mặt khác, DN cũng cần hợp tác với chính quyền địa phương để làm tốt hơn vấn đề "hậu đầu tư". Ban Quản lý các khu công nghiệp cần có dự án xây dựng khu nhà ở cho công nhân, bởi thực tế theo tìm hiểu của chúng tôi, chưa có dự án nào quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân. Tại CCN Nam Giang, dự án may của Công ty Haivina Kim Liên khá hơn thì cũng mới chỉ đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ kỹ sư của Hàn Quốc trong khuôn viên nhà máy. Mặt khác, về phía doanh nghiệp cũng cần có chính sách tiền lương, tiền thưởng phù hợp, bảo đảm cuộc sống người lao động. Phải nhìn nhận được rằng lao động quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.


Thu Huyền