Nghĩa Đàn: Tập trung chống sâu bệnh hại lúa, mía

15/09/2011 10:06

(Baonghean) - Ngày 9/9, chúng tôi có mặt tại huyện Nghĩa Đàn- nơi có 1.800 ha lúa mùa bị sâu bệnh gây hại và 500 ha mía bị rệp bông xơ trắng. Đi trên những cánh đồng dọc các xã Nghĩa Thịnh, Nghĩa Khánh, Nghĩa Lộc, Nghĩa Hội, Nghĩa Thắng, Nghĩa Trung... không khỏi xót xa bởi màu xanh của cây lúa đang thời kỳ trổ bông giờ đây thay thế dần bằng màu vàng úa, thậm chí rất nhiều chân ruộng lúa đã cháy khô do rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại.

Tại xã Nghĩa Trung, toàn bộ biện tích gieo cấy 301 ha lúa đều bị nhiễm sâu bệnh, bà con chán nản, lo lắng về một vụ mùa thất bát đang hiện hữu. Ông Nguyễn Long An- Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Tôi làm cán bộ địa phương đã 7 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến lúa bị sâu bệnh gây hại nhiều nhất. Sau 1 tháng gieo cấy, trên địa bàn xã đã thấy xuất hiện sâu cuốn lá lứa 1. Đến ngày 24/8 xuất hiện sâu cuốn lá lứa 2 cùng với rầy lưng trắng, sâu đục thân và một số bệnh khô vằn. Những ngày đầu tháng 9, bà con phát hiện lúa bị vàng và cháy khoảng 5% diện tích, UBND xã lập tức báo về Trạm Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp huyện, đồng thời triệu tập HTX nông nghiệp, Ban chỉ đạo sản xuất và 22 xóm trưởng để triển khai công tác toàn dân ra quân tiêu diệt rầy nâu và các loại sâu bệnh khác trên cây lúa. UBND xã hỗ trợ cho bà con 2.000 đồng/sào để mua thuốc trừ sâu. HTX nông nghiệp Nghĩa Trung cũng hỗ trợ cho dân 3.000 đồng/sào. UBND xã giao trách nhiệm cho HTX mua thuốc từ Trạm BVTV làm dịch vụ cho nông dân, để đồng loạt phun trong ba ngày 8, 9, 10/9 với quyết tâm "còn nước còn tát".


Nông dân xã Nghĩa Trung nỗ lực diệt sâu cứu lúa.

Hy vọng đợt ra quân phun thuốc tập trung trong 3 ngày trên sẽ vớt vát được phần nào cho cây lúa trước nguy cơ mất mùa nặng. Đối với sâu cuốn lá, sâu đục thân thì hiệu quả tiêu diệt thấy rõ. Song hiện nay lại xuất hiện thêm đối tượng rầy lưng trắng, rầy nâu với mật độ rất dày 500- 750 con/m2, cục bộ có ruộng mật độ 2.000- 3.000 con/m2, rất khó xử lý. Trong thời gian từ 3- 7 ngày tới nếu không kịp thời xử lý thì lúa sẽ hỏng. Nhất là trong giai đoạn này, thời tiết mưa nhiều làm giảm nồng độ của thuốc, thêm vào đó là tâm lý của người dân băn khoăn lo lắng. Nhiều gia đình trong xã Nghĩa Trung sâu bệnh đã làm thiệt hại 40- 60% diện tích lúa. Dự kiến toàn bộ diện tích của xã bị mất mùa khoảng 50%.

Chị Trần Thị Thành - xóm 6 xã Nghĩa Trung, than thở: Gia đình tôi trồng 7 sào lúa, nay 3 sào bị mất trắng do rầy nâu đốt cháy. 4 sào còn lại hiện thân lúa đang tươi nhưng lá bị cháy. Sau khi đã phun nhiều loại thuốc BVTV: sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy lưng trắng, rầy nâu nhưng không hiệu quả. Gia đình tôi đã phun thuốc đến đợt thứ 6, tiền mua thuốc hết gần 600 ngàn đồng mà lúa vẫn vàng lá, sâu bệnh vẫn phá hại.

Ngoài diện tích lúa, xã Nghĩa Trung trồng 361 ha mía, đến nay 70- 80% diện tích mía bị nhiễm rệp bông xơ trắng. UBND xã chỉ đạo bà con tích cực phun thuốc để tiêu diệt rệp. Tuy nhiên, diệt được rệp ở lớp lá ngoài, đến 4- 5 ngày sau lại xuất hiện đợt rệp khác ở lớp lá trong, bà con trồng mía đang lo lắng.

Ông Vũ Anh Tuấn - Phó phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn, cho biết: Vụ Mùa 2011, tổng diện tích sản xuất lúa của toàn huyện 2.800 ha, đến nay 1.800 ha bị sâu bệnh, chủ yếu do rầy nâu phá hại. Trong đó 1.000 ha bị nhẹ, 800 ha bị sâu bệnh từ trung bình đến nặng. Trước tình hình sâu bệnh xẩy ra trên diện rộng, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương phòng trừ; Trạm bảo vệ thực vật huyện thông báo cho nhân dân dùng các loại thuốc đặc trị, phun đúng tỷ lệ. Hiện nay đang mùa mưa, nhiều khi bà con phun thuốc xong, gặp trời mưa làm nồng độ thuốc giảm nên tác dụng kém. Không ít gia đình đã phun thuốc đến 7 lần mà vẫn không hiệu quả. Giai đoạn này lúa đang làm đòng, trổ bông cũng là thời điểm tập trung nhiều chất dinh dưỡng nhất, dễ mẫn cảm với sâu bệnh. Nếu không khống chế được sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng lúa gạo. Với phương châm "còn nước còn tát", UBND huyện Nghĩa Đàn đã quyết định hỗ trợ tiền thuốc trừ sâu cho dân, với mức kinh phí dự kiến 300 triệu đồng. Ngoài ra, trên cây lúa còn xuất hiện bệnh khô vằn, bạc lá gây khó khăn hơn cho công tác phòng trừ sâu bệnh. Hy vọng với sự nỗ lực dập dịch của các cấp chính quyền cùng với bà con nhân dân sẽ hạn chế tối đa diện tích lúa bị mất mùa nặng.

Ngoài ra, trên tổng diện tích trồng mía gần 700 ha của huyện, đến thời điểm này hơn 500 ha mía bị rệp bông xơ trắng gây hại tập trung nhiều ở các xã: Nghĩa Đức, Nghĩa Mai, Nghĩa Hưng, Nghĩa Trung... Rệp xơ bông trắng tuy không làm chết cây mía, nhưng khi rệp gây hại làm ảnh hưởng rất lớn đến hàm lượng đường, giảm năng suất mía. Để hạn chế thiệt hại do rệp bông xơ trắng gây ra, Trạm BVTV huyện đã khuyến cáo hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên làm cỏ, bóc lá già tạo cho ruộng mía thông thoáng. Những diện tích đã nhiễm rệp bông xơ trắng ngừng bón đạm, tăng cường bón phân Kaly.

Để khống chế được dịch rệp bông xơ trắng hại mía, những hộ trồng mía cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ sau:

1. Thường xuyên bóc lá kịp thời để ruộng mía thông thoáng (Lá mía đó bà con nông dân có thể đem dùng để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng rất tốt).
2. Kiểm tra khi phát hiện thấy rệp phát sinh là phải khoanh vùng tiêu diệt ngay.
3. Cần lựa chọn và sử dụng các loại thuốc trừ sâu mới có đặc tính: tiếp xúc, nội hấp và lưu dẫn ( Vì trong thời điểm này thời tiết thường có mưa, mặt khác khi phun những loại thuốc này sẽ có tác dụng tiêu diệt được cả: rệp bông xơ trắng, bọ trĩ và sâu đục thân hại mía); bà con sử dụng các loại thuốc đặc hiệu: SESPAGOLD-750WG, ROVERUSA, REGENT-800WG, và thuốc Rồng Vàng, nhưng hiệu quả nhất là SESPAGOLD-750WG.
Trần Văn Hà (Trạm Khuyến nông Anh Sơn)


Quỳnh Lan