Kỳ IV: Diêm dân bỏ nghề

29/08/2011 10:29

                            Những cánh đồng muối bỏ hoang ở Diễn Châu.

(Bna) -Khó khăn, cực nhọc mà đời sống mãi bấp bênh, lay lắt, nhiều diêm dân đã tính chuyện bỏ nghề. Những cánh đồng muối cỏ mọc xanh tốt, nhiều vùng muối giờ đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Đó là thực trạng không hiếm gặp ở hai vùng trọng điểm muối của tỉnh Nghệ An.

Làm một phép so sánh đơn giản: Nếu đi làm phụ hồ, có thể kiếm được 100 - 120 nghìn đồng/người/ngày, trong khi người làm muối ra đồng từ sáng sớm đến tận 8-9h tối chỉ thu về được 50 nghìn đồng/ngày công nhưng thu nhập này cũng chỉ khoảng 4 tháng trong 1 năm. Nguyên nhân chính vẫn là do nhiều năm nay, giá muối hầu như không tăng, thậm chí nhiều thời điểm còn rớt thê thảm. Ở vùng muối, không ai lạ gì cái khái niệm "nắng A, nắng B"- chỉ mức độ cái nắng gay gắt của mùa hè. Một ngày "nắng A", một lao động làm cật lực cũng chỉ thu về được 100 - 120 kg muối, còn "nắng B" thì chỉ được 60 - 80 kg, đó là chưa kể những cơn mưa giông đột ngột vào cuối mỗi buổi chiều- những cơn mưa mà diêm dân gọi là "mưa chết muối". Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn, ông Vũ Cảnh Tuyên ngậm ngùi: Cơn bão số 3 vừa qua, diêm dân Diễn Vạn mất gần 300 tấn, đều là của bà con để dành trong kho hy vọng giá nhích lên một chút.




Những cánh đồng muối bỏ hoang ở Diễn Châu.


Năm 2005, trước thực tế nghề muối ngày càng kém hiệu quả, đồng muối ngày càng bị ngọt hóa, toàn bộ 23 ha đất muối của HTX Vạn Thành- một trong ba HTX ở Diễn Vạn đồng loạt chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Sau những thất bại, thử nghiệm, hiện ở đây đã ổn định thành hai vùng sản xuất chính. Vùng 1 tập trung nuôi cua, tôm thẻ chân trắng, cá vược, vùng 2 chuyển làm mô hình VAC, nuôi lợn, cá. Về Diễn Vạn bây giờ, không khó tìm những mô hình đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như hộ ông Trần Nhị, ông Nguyễn Khang, Phạm Văn Hưng v.v.


Không chỉ ở Diễn Vạn, hiện ở rất nhiều vùng muối trong tỉnh cũng diễn ra tình trạng diêm dân bỏ nghề. Toàn huyện Diễn Châu trước đây có gần 180 ha sản xuất muối thì hiện chỉ còn hơn 160 ha. Nhiều đồng muối như ở Diễn Ngọc, cỏ mọc lút đầy, diêm dân bỏ đi làm thuê, làm cửu vạn, không nề hà nặng nhọc miễn là kiếm ra tiền. Nhiều nơi khác, dù đồng muối không hoàn toàn bỏ hoang, nhưng kể cả vào những ngày vào vụ chính, cũng không còn cái khung cảnh tấp nập ngày xưa. Bà con không còn dồn hết tâm sức cho nghề làm muối, nhiều hộ dân chỉ ra đồng vào những ngày không kiếm được việc làm thuê.


Tại An Hoà, vùng muối đẹp nhất Quỳnh Lưu, ông Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Năm 2005, An Hoà đã tiến hành chuyển đổi hơn 10 ha ở vùng Đồng Bầy sang nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Xã cũng đang tiếp tục chuyển đổi 5-6 ha ở Đồng Cuông và 4- 5 ha vùng đồng bãi Cát đang bị ngọt hóa, năng suất thấp sang nuôi tôm. Nếu thuận lợi, người dân sẽ có vụ tôm đầu tiên vào năm sau. Dù người dân phải tự vay vốn để làm, xã chỉ tạo điều kiện thuận lợi về đất đai nhưng chủ trương này nhận được sự đồng thuận rất lớn của bà con.


Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Xuân Dinh cho biết: Hiện Quỳnh Lưu chưa có chủ trương khuyến khích chuyển đổi diện tích sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản, vì nó kéo theo rất nhiều vấn đề khó khăn như vốn, vấn đề giải quyết việc làm cho số lao động dư thừa. Tuy nhiên, vẫn sẽ có sự chuyển đổi ở những vùng sản xuất kém hiệu quả, hoặc những nơi người dân có sự đồng thuận và khả năng đầu tư.


Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiện nay, một số cán bộ quản lý vẫn còn tư tưởng coi thường việc phát triển nghề muối và nâng cao thu nhập cho bà con diêm dân, bởi diện tích sản xuất muối của tỉnh ta không nhiều, số thu nộp ngân sách ít ỏi. Tuy nhiên, nếu có một cái nhìn tổng quan và sâu xa hơn sẽ thấy, nếu để nghề muối dần mai một, diêm dân lũ lượt bỏ quê đi kiếm cách mưu sinh ở các vùng đất khác, thì thiệt hại sẽ không chỉ tính bằng kinh tế. Các địa phương làm muối không chỉ gặp khó khăn trong tìm hướng phát triển kinh tế một cách bền vững, mà nó còn làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Cần coi đây là một lĩnh vực sản xuất đặc thù và có những chính sách phù hợp, hỗ trợ diêm dân một cách tích cực và hiệu quả hơn, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn, như cho vay vốn, hỗ trợ giá để ổn định nghề muối, đồng thời hỗ trợ đào tạo nghề mới, nếu định hướng chuyển đổi thì phải có sự nghiên cứu để có thể chuyển đổi bền vững và hiệu quả.

Để chuyển đổi nghề, bà con diêm dân hiện đang có ba cái thiếu: Thiếu vốn, thiếu kiến thức và thiếu kỹ thuật. Cộng thêm nhiều nỗi lo: lo vấn đề tiêu thụ nếu sản xuất ồ ạt, lo dịch bệnh, thời tiết không thuận; trong khi hầu hết họ là dân nghèo, nguồn đầu tư chủ yếu từ vay ngân hàng.


Phú Hương - Văn Trường