Kỳ 5: Khe Chà Hạ bao giờ xanh trở lại?

26/09/2011 14:06

Trong suốt thời gian thực hiện loạt bài này, nhóm phóng viên chúng tôi đã tìm đến những địa điểm có tình trạng khai thác vàng được xem là nhức nhối nhất tại 2 huyện Tương Dương và Quế Phong(Nghệ An). Đi đến đâu cũng thấy lòng sông, bờ suối bị đào bới nham nhở, nước thì đục ngầu, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của người dân.

Khai thác không đúng quy trình

Nằm dọc theo con khe Chà Hạ là các xã Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Hòa của huyện Tương Dương, nơi cư trú của hàng ngàn hộ dân của đồng bào các dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú. Dòng nước Chà Hạ đã từng là "người mẹ tự nhiên" phóng khoáng, ban phát nguồn nước ngọt ngào tưới tắm cho đồng ruộng, cung cấp cơ man nào là tôm cá. Vậy mà hôm nay, khi chúng tôi đi qua các xã này, đã thấy được sức tàn phá, huỷ diệt môi sinh của con người với những máy móc làm vàng trên khe Chà Hạ khiến dòng nước quanh năm ngầu đỏ.

Người dân nói về sự ô nhiễm của nước khe Chà Hạ.


Ông Cấn Song Hào, 59 tuổi, sống tại bản Xiềng Nứa, xã Yên Na đã hơn 20 năm nay than thở: "Ngày ấy, nước khe Chà Hạ trong xanh, thấy được từng đàn cá bơi tung tăng dưới lòng khe. Mỗi bản làng dọc khe đều có bến tắm, chiều về vui nhộn lắm.. Vậy mà gần chục năm lại đây, từ khi nạn khai thác vàng rộ lên, tất cả lòng khe trở nên lồi lõm mất hết dấu tích, cá tôm chẳng còn chốn nương thân. Bây giờ mỗi khi lội qua khe Chà Hạ là một cực hình với người dân nơi đây, chân tay ai nấy đều mẩn đỏ, ngứa ngáy, lở loét. Nhiều đoạn người dân phải bắc cầu tạm để qua. Chị Vi Thị Liễu, bản Cành Tong, xã Yên Tĩnh cho biết: "Nhà tôi ở gần khe vậy mà giờ chẳng có nước để tắm rửa, giặt giũ, dùng nước khe Chà Hạ ai cũng sợ bệnh tật. Có khi phải chờ trời mưa mới có nước tắm khổ hết chỗ nói.


Rời Yên Tĩnh, chúng tôi đi dọc theo khe Chà Hạ tìm về xã Yên Hòa, huyện Tương Dương. Cả xã có 4 bản đồng bào Khơ Mú với 270 hộ, hơn 900 khẩu đang cư ngụ sát bên dòng nước khe Chà Hạ. Khi được hỏi về vấn đề ô nhiễm dòng nước khe Chà Hạ, ông Lô Thái Sinh - Chủ tịch xã Yên Hòa nói: "Mấy năm nay Yên Hoà được Nhà nước đầu tư hệ thống nước sinh hoạt tự chảy cho bà con. Tuy nhiên nước ở khe Chà Hạ vẫn đóng vai trò chính trong phát triển kinh tế địa phương. Tuy vậy, nếu như trước đây hai bên bờ lúa tốt bời bời thì nay nhiều nơi hoang hoá do thiếu nước".


Chúng tôi tiếp tục hành trình ngược lên đỉnh Phu Phen, sau hơn 2 giờ đi bộ đường rừng với những con dốc dựng đứng khúc khuỷu. Trời đứng bóng mới tới nơi. Tại đây, ngoài nạn khai thác vàng thổ phỉ của người dân còn có Công ty Thủ Đô lâu nay đang thăm dò. Xung quanh triền núi cao, có 3-4 tổ làm vàng đang hoạt động hết công suất. Lượng nước hàng ngày được sử dụng để sang tuyển vàng từ các vỉa là rất lớn nhưng hoàn toàn không được xử lý. Tại thời điểm chúng tôi đến, hố nước thải tại điểm khai thác được làm một cách thô sơ bằng cách lót một tấm bạt bên dưới và đã chứa đầy nước đục ngầu chưa kịp xử lý, trong khi các máy tuyển vàng vẫn xả nước thải xuống khe núi.


Tình trạng trên không chỉ diễn ra tại địa điểm khai thác của Công ty Thủ Đô mà còn diễn ra tại nhiều địa điểm khác, nhất là tại các điểm khai thác chui của vàng tặc, vàng thổ phỉ tại địa bàn Tương Dương và Quế Phong.


Chúng tôi đem những vấn đề trăn trở của người dân sống dọc khe Chà Hạ và tình trạng nước thải được xả thẳng ra môi trường tại đỉnh Phu Phen trao đổi với ông Kha Văn Ót - Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tương Dương. Ông Ót cho biết, hiện nay, do thiếu trang bị máy móc, con người, nên huyện vẫn chưa thể xác định được mức độ ô nhiễm tại các địa điểm trên.


Hằng ngày, hàng giờ người dân đang phải sống chung với những hệ lụy do ô nhiễm khai thác vàng gây ra. Hơn ai hết, những đồng bào gắn bó suốt cả cuộc đời mình bên dòng nước Chà Hạ, đang mong chờ. "Bao giờ khe Chà Hạ mới xanh trở lại?".


Nhóm Phóng viên