Tuyên ngôn Độc lập "Là hoa quả của sự đổ máu và hy sinh tính mạng"!

26/08/2011 16:14

Đó là kết luận được tác giả Trần Dân Tiên viết ra trong tác phẩm "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (Nxb Văn học 1970, trang 110) như một lời nhắn nhủ đến mỗi thế hệ người con Việt Nam luôn biết trân trọng giá trị của độc lập tự do, biết hy sinh lợi ích riêng tư để quyết bảo vệ, giữ gìn độc lập tự do của Tổ quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Và một điều hiển nhiên là, sẽ yêu quý độc lập tự do hơn, khi chúng ta thấu hiểu sự hy sinh xương máu của bao thế hệ ông cha ta đã ngã xuống qua mấy ngàn năm lịch sử, từ đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc đến đánh thắng đế quốc Âu - Mỹ và tên phát xít Nhật ở phương Đông cũng vì để đổi lấy nền độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam hôm nay! Một dân tộc nhỏ bé, đất không rộng người không đông như Việt Nam nhưng đã gan góc, kiên cường đến lạ thường, trở thành một điều hiếm thấy trong lịch sử nhân loại từ cổ tới kim.

Trên thực tế, để có bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với thế giới ngày 2/9/1945 tại Ba Đình (Hà Nội), toàn thể dân tộc ta phải chiến đấu kiên cường suốt 87 năm trời, kể từ khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công đánh chiếm bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) ngày 1/9/1858. Ngay từ khi Pháp đánh chiếm Đà Nẵng, các tầng lớp từ nhân dân đến nho sĩ và quan lại đã vùng lên đấu tranh quyết liệt để giữ nền độc lập cho dân tộc.

Ngày hội non sông trên Quảng trường Ba Đình. Ảnh: Sỹ Minh

Trước hết phải kể đến cha con Trương Định - Trương Quyền, rồi Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân, hai anh em Phan Tôn - Phan Liêm...rồi một số quan lại yêu nước như đốc học Phạm Văn Nghị đem 300 quân tình nguyện từ Bắc vào kinh đô Huế xin được lên đường giết giặc, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương cùng con trai đã anh dũng hi sinh khi bảo vệ thành Hà Nội năm 1873, đến Tổng đốc Hoàng Diệu kiên cường đánh Pháp giữ thành Hà Nội năm 1882. Nhiều tri thức nho sỹ còn dùng ngòi bút làm vũ khí đánh giặc như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị...

Tiếp đến là các phong trào đấu tranh để đòi lại nền độc lập cuối thế kỷ XIX, trong đó phải kể đến phong trào Cần vương dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Thuyết, khởi nghĩa Ba Đình, Hùng Lĩnh, Hương Khê ở Trung kỳ; khởi nghĩa Sông Đà, Bãi Sậy ở Bắc kỳ... diễn ra rầm rộ nhưng cuối cùng trước sau đều kết thúc thất bại. Sang đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước và cách mạng theo khuynh hướng dân chủ diễn ra rầm rộ, tiêu biểu là cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Đến lượt Bác Hồ với những hoạt động không biết mệt mỏi cùng với sức mạnh tổng lực của nhân dân theo con đường chủ nghĩa Mác - Lênin, thành lập một chính đảng của giai cấp vô sản, kinh qua 15 năm chiến đấu, cuối cùng đã làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại, độc lập tự do đã về với Tổ quốc Việt Nam sau 61 năm rơi vào tay giặc (1884 -1945).

Khi cuộc Cách mạng tháng Tám đang tiến đến những thắng lợi cuối cùng thì cũng là lúc Bác Hồ viết ra những dòng đầu tiên trong bản Tuyên ngôn độc lập nhằm khẩn trương tuyên bố với đồng bào và thế giới sự ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Bác Hồ viết Tuyên ngôn trong bối cảnh lịch sử hết sức đặc biệt, ở thời khắc gấp rút của cách mạng, trong thời gian chỉ 3 ngày, tại phòng ăn ở số 48 Hàng Ngang, dưới thân phận bí mật..., nhưng nó được coi là "áng thiên cổ hùng văn" và được đưa vào chương trình dạy học phổ thông từ mấy năm nay.

Ngày 27/7/1945, Thường vụ Trung ương họp, rồi Hội đồng chính phủ lâm thời họp, bàn nhiều việc quan trọng, trong đó có việc tổ chức lễ tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945, Bác Hồ phụ trách soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Từ ngày 28/8/1945, tức là ngày 21/7/Ất Dậu (1) - khi mà nhân dân ở Hà Tiên và Đồng Nai giành được chính quyền về tay nhân dân, Bác Hồ bắt đầu viết Tuyên ngôn. Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập tại tầng 2, nhà ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ ở số 48 phố Hàng Ngang - một gia đình doanh nhân giàu lòng yêu nước.

Suốt 3 ngày, với tâm lực, trí tuệ và bản lĩnh của một vị lãnh tụ cách mạng luôn canh cánh nỗi lòng vì độc lập cho dân tộc, vì hạnh phúc ấm no cho nhân dân; từng trải nghiệm hoạt động cách mạng từ Đông sang Tây với chiếc máy đánh chữ đã sử dụng hồi ở căn cứ địa Việt Bắc, Bác Hồ đã viết xong bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 30/8 - ngày mà vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị trước đông đảo nhân dân tại Ngọ Môn kinh đô Huế và nộp ấn kiếm cho Chính phủ cách mạng lâm thời. Viết xong, Bác mời một số đồng chí để trao đổi, góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên Ngôn độc lập này rồi ngày hôm sau, tức 31/8 Bác bổ sung, chỉnh sửa một số điểm và chỉ còn chờ ngày được tuyên bố.

2 giờ chiều ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nền dân chủ cộng hoà trước đông đảo nhân dân trong và ngoài nước rằng:

"...Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do...Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay,...đứng về phe Đồng minh chống phát xít. Dân tộc ấy phải được tự do,...phải được độc lập!...Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy" (2).

Những câu chữ chứa đựng hồn non sông nước Việt ấy là nỗi lòng hoạt động cách mạng suốt 35 năm của Bác. Chính vì vậy mà ngày 30/8/1945, sau khi đọc bản thảo cho những người công tác thân cận nghe và hỏi ý kiến họ, Bác Hồ đã không dấu nổi sự sung sướng nói rằng: "Trong đời tôi, tôi đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy". Sung sướng vì đây là "kết quả của những bản yêu cầu gửi cho hội nghị Véc-xây mà Bác Hồ đã viết năm 1919 và chương trình Việt Minh Bác viết năm 1941. Hơn nữa, bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của những bản tuyên ngôn khác và tinh hoa của tiền bối như các cụ Thủ Khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của nhiều người khác, của bao nhiêu sách báo truyền đơn bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước từ hơn 80 năm trước". Nó còn "là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường,... là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam"(3).

Bản tuyên ngôn đó có tính dân tộc, lại có tính quốc tế, vừa có ý nghĩa lịch sử lại có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Nó có tác động trực tiếp đến sự thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và công cuộc xây dựng CNXH hiện nay. Giành - giữ và củng cố độc lập dân tộc không chỉ là nhiệm vụ của thời chiến mà còn là nhiệm vụ quan trọng của toàn dân tộc ta ở thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước trên con đường CNXH. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, khi mà sự hội nhập để phát triển đã trở thành tất yếu thì vấn đề giữ vững nền độc lập để không bị phụ thuộc vào các nước lớn về nhiều mặt, đặc biệt là kinh tế và văn hoá luôn đặt ra cho chúng ta những thách thức không nhỏ.
__________________
Chú thích:
(1), Theo Vũ Kỳ, Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2005, tr.17.
(2), Hồ Chí Minh toàn tập, t.3, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2000, tr.555-557.
(3) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học 1970, tr.110.


Lê Đức Hoàng