Bài 3: Dưới vỏ bọc "công nghệ tiên tiến"

08/08/2011 08:46

(Baonghean) - Nếu các cơ sở sản xuất nhỏ gây ô nhiễm bằng công nghệ lạc hậu thì các cơ sở lớn, tuy đã được đầu tư thiết bị xử lý môi trường hiện đại, vẫn xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra môi trường...

Ở nhà máy bao bì Sabeco

Sau hai năm mất trắng vì đồng ruộng bị ô nhiễm từ nguồn nước thải của Nhà máy bao bì Sabeco, bà con 4 xóm, nhất là xóm Mỹ Hậu (Hưng Đông-Tp.Vinh) không thể làm ruộng nữa. Chị Trần Thị Hiền, xóm Mỹ Hậu có 2 sào ruộng ở đó, trước đây khi chưa bị ô nhiễm, gia đình chị thu hoạch một sào 3 tạ, một năm hai vụ cũng ngót nghét một tấn thóc. Năm nay thì không còn gì ở đó. Chị Phùng Thị Lý (Mỹ Hậu) cũng hai sào lúa, giờ không canh tác được, không có việc, tuổi đã cao, tìm việc gì cũng khó. Chị Danh hoàn cảnh còn khó hơn, không có chồng, mẹ con chị có 3 sào lúa giờ đồng ruộng bị ô nhiễm nên không trồng lúa được, chỉ còn biết cấy thuê cho người khác, một ngày cấy thuê được 120 ngàn đồng, nhưng hết mùa cấy là hết việc. Ngay cả nước máy nhà chị cũng chưa có vì không có nổi 3 triệu đồng để lắp đặt.

Đó là phác thảo sơ bộ đời sống của nhiều hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nước thải của Nhà máy bao bì Sabeco thải ra cánh đồng Bàu Đông. Bà con yêu cầu công ty đền bù. "Nhà máy không đền bù, chúng tôi xin lấp mương lại, không cho chảy ra đồng". Họ cho biết: "Nhà máy về cũng không tuyển lao động trong xóm, ngược lại còn làm mất "nồi cơm" của chúng tôi. Mà chẳng ở đâu mà như xã này, nhìn sang một bên là bãi rác to tướng của thành phố, một bên là đồng ruộng ô nhiễm".

Cánh đồng Bàu Đông nay chỉ có bèo tây sinh sống. Còn vài hộ chăm chỉ ra cấy phía trên dòng nước thải, nhưng cây lúa èo uột, đen gốc, lá vàng.


Cánh đồng Bàu Đông giờ chỉ toàn bèo tây.

Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam (Khu công nghiệp Bắc Vinh) đi vào hoạt động từ 2009 với hai dây chuyền sản xuất lon nhôm 2 mảnh công suất 420 triệu lon/ năm và thùng giấy Carton, công suất 40 triệu thùng/ năm. Phải khẳng định đây là một điểm sáng về thu hút đầu tư ở Nghệ An. Kết quả nạp ngân sách của công ty những năm qua cũng rất lớn, năm 2010, công ty nạp trên 50 tỷ đồng tiền thuế. Công ty cũng tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Tuy nhiên, năm 2010, công ty này bị Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt 47.250.000 đồng do vi phạm pháp luật về môi trường. Lý do là xả nước thải vượt tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên, vi phạm điểm b khoản 5 Điều 10 Nghị định 117/ 2009/ NĐ- CP ngày 21/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Thanh tra môi trường cũng yêu cầu Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam đình chỉ ngay hành vi xả nước thải có chứa chất nguy hại vượt tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép theo qui định.

Thế nhưng, tháng 5/2011, do phải chịu đựng quá sức sự ô nhiễm từ nước thải của nhà máy thải ra, bà con xóm Trung Mỹ bức xúc lấp mương thoát nước của công ty bằng một con đập đất cao 2m. Nhiều cuộc họp đã được tổ chức giữa UBND xã với thành phố, với nhà máy... nhưng xem ra vấn đề vượt quá thẩm quyền thành phố?. Nhà máy không những im lặng trước đòi hỏi bồi thường của dân về thiệt hại kinh tế mà còn bất hợp tác với cơ quan chức năng. Ông Hồ Sỹ Dũng - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: " Họ không ký văn bản khi cơ quan chức năng làm việc xong". Vì vậy, việc kiểm tra thực hiện pháp luật về môi trường tại nhà máy này lại phải nhờ vào công luận và sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng.

Liên tục trong tháng 5/ 2011, báo Nghệ An và nhiều báo đã đăng tải về tình hình ô nhiễm ở nhà máy này cũng như thái độ bất hợp tác của lãnh đạo nhà máy. UBND tỉnh đã ra Công văn số 2733 ngày 24/05/2011 chỉ đạo Sở Tài nguyên và MT kiểm tra, báo cáo. Báo cáo mới nhất về tình hình ô nhiễm môi trường của nhà máy này ngày 13/07/2011 do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cho thấy: Hiện nay, công ty đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, kết hợp giữa biện pháp hóa lý và sinh học để xử lý. Nhưng công ty chưa thực hiện kê khai phí nước thải từ khi công ty đi vào hoạt động đến nay theo Kết luận số 3183/ KLTTr - BTNMT ngày 20/08/2010 của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Tiền phạt do không kê khai phí nước thải do Sở TN&MT tính toán là trên 500 triệu đồng).

Kết quả phân tích chất lượng nước thải do Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Sở TNMT thực hiện cho thấy công ty đã xả nước thải vượt qui chuẩn cho phép ra môi trường. Các thông số gây ô nhiễm do Trung tâm Quan trắc môi trường thực hiện: COD vượt 2,42 lần, BOD5 vượt 2,4 lần, độ màu vượt 2,64 lần, tổng N vượt 4,88 lần.

Rõ ràng khi cơ quan chức năng im lặng thì người dân đành phải tự bảo vệ mình.

Và những nhà máy, cơ sở khác...

Tại Nhà máy đông lạnh Hải An, (Khu công nghiệp Nam Cấm) - khi chúng tôi vào, cảm nhận đầu tiên là mùi hôi thối từ kho đông bốc ra. Một người dấu tên cho biết: Do công ty đang chứa cá lợn (làm thức ăn gia súc) nên mới có mùi đó. Còn phó giám đốc công ty lại đổ lỗi cho nhà máy bên cạnh? Lãnh đạo công ty cho biết: Nhiều nhà máy đã đổ dồn nước thải về trước nhà máy nên bốc mùi khó chịu, nhưng nước thải của nhà máy này cũng đổ về đó đen ngòm.

Kiểm tra chất lượng nước thải tại các nhà máy năm 2011 cũng cho thấy: Có 5 cơ sở sản xuất, chế biến có kết quả giám định chất lượng môi trường nước thải một số chỉ tiêu vượt qui chuẩn cho phép như: HTX CP dịch vụ tổng hợp Sơn Long, Công ty CP mía đường Sông Lam, Công ty CP mía đường Sông Con, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Intimex (Thanh Chương), Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Yên Thành...

Việc đầu tư những nhà máy, công nghệ tiên tiến vào sản xuất là xu hướng tất yếu và cũng là niềm mong mỏi của lãnh đạo và nhân dân. Nhưng phía sau vẻ hào nhoáng của công nghệ tiên tiến là sự "bưng bít" về thông tin xả thải, chất lượng xả thải, qui trình xử lý chất thải. Rất khó khăn khi vào các nhà máy, các cơ sở để tìm hiểu về vấn đề môi trường, đặc biệt là ở các nhà máy ở Khu công nghiệp. Ngay cả việc đầu tư thiết bị hiện đại xử lý môi trường cũng vậy, cả tỷ đồng nhưng nếu vận hành thiếu thường xuyên, vận hành không đúng, đối phó để "trốn" phí xả thải thì kết quả cũng là " vẽ chân cho rắn, vẽ tóc cho sư"...
(Còn nữa)


Nhóm PV