Bài 4: Đảm bảo các điều kiện để công nghiệp phát triển

09/10/2011 14:37

(Baonghean) - Để đạt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm, tháo gỡ trước mắt và lâu dài. Báo Nghệ An ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.

Ông Nguyễn Tài Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương:
Cần phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao

Cho nên đến giờ phút này, tỉnh ta chưa có bài toán đột phá cho phát triển công nghiệp, mặc dù trong những năm qua tỉnh có nhiều chính sách thu hút đầu tư. Vì vậy, cần có giải pháp đột phá! Cùng với đó, trong tình hình lãi suất tín dụng quá cao hiện nay, tỉnh cần nghiên cứu để có chính sách tín dụng giúp các doanh nghiệp tái đầu tư, phát triển sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm, mặt hàng đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Quan tâm đẩy mạnh việc triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đặc biệt là hàng hóa của Nghệ An, trong các cấp chính quyền, nhân dân. Doanh nghiệp Nghệ An chưa thể trở thành những doanh nghiệp đầu tàu để lôi kéo các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Do đó, tỉnh phải tập trung thu hút những chủ đầu tư có tiềm lực mạnh để đầu tư vào các ngành chủ lực. Để làm được điều này, tỉnh cần phải thật sự cầu thị nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh bởi khi nhà đầu tư, doanh nghiệp muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư ở một địa phương nào đó thì vấn đề họ quan tâm đầu tiên là chỉ số cạnh tranh của tỉnh đó (CPI), chứ không phải tiềm năng, sự giàu có của địa phương.

Về trách nhiệm của ngành, tham mưu cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh gia nhập vào thị trường bằng các cơ chế, chính sách như hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm. Tổ chức đưa hàng Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng chiếm lĩnh thị trường nông thôn, từ đó tranh thủ sự ủng hộ và dùng hàng nội - nơi tập trung trên 70% dân số của cả tỉnh.

Ông Hồ Ngọc Bảo - Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam:
Cần quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp

Nhận thức rõ yếu tố quan trọng của CCN, KCN, KKT đối với phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp, tỉnh đã quy hoạch và đầu tư KKT Đông Nam, các KCN Bắc Vinh, Nam Cấm, Hoàng Mai, Phủ Quỳ, Đông Hồi...; các CCN có ở hầu hết các huyện, thành, thị xã, để thu hút các cơ sở sản xuất công nghiệp vào sản xuất tập trung. Riêng KKT Đông Nam được xác định là vùng công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của tỉnh gắn với Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò trở thành 1 trong 3 vùng kinh tế trọng tâm của tỉnh (cùng với Hoàng Mai - Đông Hồi gắn với Nam Thanh - Bắc Nghệ và Phủ Quỳ - Tân Kỳ gắn với miền Tây Nghệ An). Vì vậy, tỉnh cần tập trung xây dựng KKT Đông Nam đạt mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các địa phương cùng vào cuộc giải quyết các vấn đề nhằm đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng KKT, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Tỉnh cũng cần quan tâm chọn lọc các nhà đầu tư thật sự có năng lực và tiềm lực mạnh để thu hút vào KKT, hạn chế tình trạng các dự án đăng ký đầu tư nhưng không tiến hành đầu tư. Ngoài ra, cần tập trung đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào hạ tầng các KCN.

Ông Trần Đình Hường - Bí thư Huyện ủy Nam Đàn:
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông thôn và miền núi

Nam Đàn là một trong những địa phương sớm quy hoạch phát triển công nghiệp trên cơ sở lợi thế của từng vùng từ năm 2005 theo hướng sử dụng nhiều nhân lực, ít ảnh hưởng đến môi trường, bao gồm CCN Nam Giang, Rú Bùi, Cầu Đòn.... Đến nay, ở Nam Đàn đã có nhiều dự án công nghiệp lớn được đầu tư và đi vào sản xuất, như Dự án Sản xuất sợi may của Công ty Dệt may Hà Nội Hanoximax với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng; Dự án May xuất khẩu của doanh nghiệp Hàn Quốc với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng... Tỷ trọng công nghiệp trong GDP của huyện từ 19% tăng lên 33%, trong 5 năm tới sẽ vượt hơn 40%.

Theo tôi, tỉnh và các huyện cần lựa chọn những vấn đề lợi thế về tài nguyên, nguồn lao động, vị trí địa lý để từ đó xác định phát triển công nghiệp có tính mũi nhọn, nhất là các huyện khu vực nông thôn cần ưu tiên các dự án công nghiệp thu hút nhiều lao động, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi cơ cấu lao động, tăng tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế. Tập trung quy hoạch các CCN vừa và nhỏ, làng nghề và làng có nghề trở thành vệ tinh cho các KCN và ngành công nghiệp lớn. Tỉnh cũng cần tập trung nghiên cứu làm sao khuyến khích các cơ sở chế biến nông sản trong các vùng nông thôn. Cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông thôn và miền núi, tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới hiện nay.


Mai Hoa