Vừa thiếu, vừa chậm

07/10/2011 22:07

Quyết định số 289 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ chính sách cho ngư dân đóng tàu và bảo hiểm được thực hiện từ 2008 đến 2010 là chấm dứt. Ngư dân vừa có một cú hích ra khơi đánh bắt thì nay nhiều người trở nên hẫng hụt vì chưa được hưởng. Trong khi đó, UBND tỉnh Nghệ An có chính sách hỗ trợ lãi suất cho ngư dân đóng mới tàu trong 12 tháng. Nhưng gần một trăm hộ đóng mới tàu từ 2009, 2010 và cả 2011 đến nay vẫn chưa được hỗ trợ.

(Baonghean) - Quyết định số 289 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ chính sách cho ngư dân đóng tàu và bảo hiểm được thực hiện từ 2008 đến 2010 là chấm dứt. Ngư dân vừa có một cú hích ra khơi đánh bắt thì nay nhiều người trở nên hẫng hụt vì chưa được hưởng. Trong khi đó, UBND tỉnh Nghệ An có chính sách hỗ trợ lãi suất cho ngư dân đóng mới tàu trong 12 tháng. Nhưng gần một trăm hộ đóng mới tàu từ 2009, 2010 và cả 2011 đến nay vẫn chưa được hỗ trợ.

Ngư dân: Trăm cái khó

Với một nghề truyền thống lâu đời như nghề đánh bắt hải sản, toàn tỉnh hiện đã hình thành nên những làng, xã vùng biển và ven biển với lao động khai thác trên 18.000 người, kéo theo đó là hàng chục nghề nghiệp cùng phụ thuộc vào nghề khai thác. Để đóng mới tàu ra khơi, ngư dân cần rất nhiều vốn, nhưng hiện nay chính sách hỗ trợ cho ngư dân như " muối bỏ biển".

Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT là đơn vị vài năm gần đây mạnh dạn cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu. Tuy nhiên, một hộ cũng chỉ được vay tối đa 200 triệu đồng. Để được vay 200 triệu, ngư dân phải thế chấp 3-4 bìa đất. Còn để đóng mới một con tàu xa khơi như hiện nay với tổng số tiền từ 2,5 -3,5 tỷ đồng, ngư dân tất yếu phải góp cổ phần với nhau mới đủ sức, mỗi tàu khoảng 10 cổ phần. Nhưng kể cả vay ngân hàng, họ vẫn phải vay thêm họ hàng, anh em, bán hết tàu cũ... Mỗi con tàu ra khơi là gánh nặng trên vai, nào tiền dầu, tiền đá, tiền gạo, tiền lương anh em và cả khối tiền vay. Anh Hoàng Đức Thương, xã Phong Thái- Tiến Thủy mới 36 tuổi; nhưng với khát vọng vươn khơi xa, làm ăn lớn, anh đóng mới một con tàu 510 CV, trị giá 2,5 tỷ đồng. Vay Ngân hàng chỉ được 120 triệu đồng, 7 anh em trong gia đình góp phần lớn tiền vào, vay thêm người ngoài mới đủ. Vì vậy, chuyến ra khơi nào cũng lo lắng phải cho đủ sản phẩm, phải bám biển dài ngày để có tiền trang trải và trả nợ. Anh cho biết: "Tiền vay nhiều, càng phải năng đi biển. Giá dầu cao, giá đá cao cũng phải đi, nguy hiểm cũng phải đi. Đối với ngư dân, ở nhà ngày nào chết ngày đó, lãi mẹ đẻ lãi con". Ông Trương Văn Mạnh, có tàu công suất 460 CV ở Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) cho biết: Xã không có đất ruộng, không đi biển thì biết làm gì? Muốn ra khơi càng phải đóng tàu to máy lớn, nhưng tiền không có, sức ngư dân không đủ...



Khai thác thủy sản - thu nhập chính của bà con Tiến Thủy - Quỳnh Lưu.

Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy- Quỳnh Lưu, ông Hồ Hoàng Nghiệp là một người gắn bó với ngư dân (chiếm khoảng 80% cư dân trong xã) trăn trở: Ngư dân Tiến Thủy từ trước đến nay đều đánh bắt dài ngày, sản phẩm chính là cá đốm, cá bạc má, cá thu ù... Xăng dầu tăng giá, 100% ngư dân đều vay vốn ngân hàng lãi suất cao, trong khi đó nguồn hỗ trợ lãi suất có hạn. Từ khi Quyết định 289/TTg dừng lại, ngư dân khó khăn trăm bề. Nhưng bà con vẫn phải tích cực bám biển, đánh cá. UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 10 về chính sách hỗ trợ nông nghiệp nhưng mức hỗ trợ lãi suất 54 triệu đồng/tàu đóng mới, nhưng năm 2011, chỉ có 4 ngư dân ở Tiến Thủy được hỗ trợ nguồn này. Trong khi đó xã đã đóng thêm được 19 con tàu công suất 600 CV, tổng giá trị khoảng 50 tỷ đồng. Giá như Chính phủ tiếp tục thực hiện Quyết định 289 thì ngư dân có thể yên tâm bám biển.

Một con tàu mà ngư dân Quỳnh Long, Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa đóng hiện nay dài khoảng 18,5-19 m, rộng 6,5 m (chỗ rộng nhất), công suất khoảng 600 CV. Trang bị đầy đủ máy chạy, máy phát điện, máy tời, bộ đàm, định vị, thiết bị dò cá, đèn...đầy đủ cũng hết từ 3-3,5 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với ngư dân, nhưng đóng tàu nhỏ lại càng lỗ do chỉ đánh được cá nhỏ. Chị Trần Thị Sáu- Thường trực Hội nghề cá Quỳnh Long - Quỳnh Lưu cho biết: Đóng một con tàu mới như vậy, phải 3 năm sau mới thu hồi vốn.Trong khi đó, ngân hàng cho vay ngắn hạn là không hợp lý.

Thực hiện chính sách chưa công bằng, hợp lý?

Năm 2010, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và ngư dân, theo đó ngư dân được hỗ trợ lãi suất trong 12 tháng đối với hoạt động đóng mới tàu công suất trên 90 CV với các mức: 3 triệu đồng/ tháng đối với tàu công suất từ 90 CV-200 CV, 4 triệu đồng/ tháng với tàu mới công suất 200-300 CV, 4,5 triệu đồng/ tháng đối với tàu công suất trên 300 CV. Chính sách là vậy, nhưng mỗi năm tỉnh mới bố trí một tỷ đồng hỗ trợ, trong khi đó số tàu đóng mới của tỉnh tăng rất nhanh. Nhiều hộ đã đóng tàu nhưng làm xong hồ sơ thì tiền không còn để giải ngân.

Năm 2010, toàn tỉnh đóng mới được 50 tàu, trong đó tàu công suất trên 300 CV là 48 cái. Thế nhưng chỉ có 20 ngư dân được hỗ trợ theo chính sách, mỗi hộ được 54 triệu đồng, còn lại 31 hộ đóng mới tàu ở Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa đã làm hồ sơ nhưng không được hỗ trợ. Năm 2011, đến tháng 10/2011, toàn tỉnh đã có 62 tàu đóng mới, nhưng theo số tiền phân bổ 1 tỷ đồng thì chỉ có khoảng 19 tàu được hỗ trợ, còn 43 tàu lại không được hỗ trợ dù đủ hồ sơ thủ tục. Chủ tàu Hồ Hữu Chuyên- Quỳnh Nghĩa cho biết: Tôi cứ nghĩ là được hỗ trợ phần nào đó theo chính sách của nhà nước để giảm bớt khó khăn; nhưng tàu đóng xong rồi mà huyện, xã lại nói tôi chưa được, trong khi đó ở các xã khác lại được.

Theo ông Nguyễn Chí Lương-Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì "đã có chính sách phải thực hiện đồng đều, công bằng, ai cũng được hưởng. Chính sách theo Quyết định 10/2010 của UBND tỉnh về hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và thủy sản trên địa bàn thật quí cho bà con ngư dân hiện nay, vì ngoài chính sách này, hiện ngư dân chẳng có thêm chính sách hỗ trợ đóng mới tàu thuyền nào. Nhưng một số hộ đóng mới tàu từ 2009, 2010 xong rồi, đã làm hồ sơ trình rồi nhưng vẫn chưa được hưởng".

Hai năm qua ( 2010, 2011), UBND tỉnh bố trí chỉ mới 2 tỷ đồng cho ngư dân, trong khi đó, thực tế cần hỗ trợ năm 2010 là 2,6 tỷ, năm 2011 là 2,8 tỷ đồng. Bà con thì vẫn đóng mới, vẫn tin tưởng được hỗ trợ, xã làm hồ sơ gửi huyện, huyện làm hồ sở gửi tỉnh, nhưng cuối cùng người được, người không. Một số bà con chẳng hiểu vấn đề ra sao, và cho rằng ông A được hỗ trợ, còn mình không được là không công bằng.

Trao đổi với ông Nguyễn Thọ Cảnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về nguyên nhân một số hộ đóng mới tàu nhưng không được hưởng hỗ trợ theo chính sách, ông Cảnh cho rằng: "Đóng tàu theo kế hoạch thì được hỗ trợ, còn đóng tràn lan thì không được vì nguồn không đủ". Các ngành chức năng cần phải có quy hoạch rõ và dự báo về trữ lượng hải sản hay quy định về các tiêu chí đóng tàu thuyền lớn đối với từng địa phương để bà con và các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển hợp lý, hiệu quả. Việc đóng tàu của ngư dân là từ khả năng và nhu cầu mưu sinh, nên hạn chế việc ngư dân đóng tàu tràn lan là chưa thuyết phục, việc cùng địa phương và ngư dân xây dựng lộ trình, kế hoạch đóng tàu hợp lý, phù hợp với khả năng tự thân của bà con và tiềm lực tài chính của tỉnh là trách nhiệm của các ban ngành chức năng và các địa phương.

Có chính sách đã là tốt rồi, nhưng việc thực hiện chính sách sao cho công bằng, hợp lý cũng quan trọng không kém. Chiến lược khai thác biển và bảo vệ biển hơn lúc nào hết đang được đặc biệt coi trọng. Ngư dân cũng mong rằng Quyết định 289/CP tiếp tục được thực hiện và thực hiện đồng đều, phù hợp cho mọi ngư dân. Chính sách của tỉnh cũng vậy.


Châu Lan