Ý kiến xung quanh bài viết: Giải pháp nào để huy động nguồn lực xây dựng trường học?

09/09/2011 09:21

LTS: Sau khi chuyên mục "Đại biểu HĐND tỉnh nói, làm và lắng nghe" trên Báo Nghệ An số ra ngày 7/9/2011 đăng bài: Giải pháp nào để huy động nguồn lực xây dựng trường học? Tòa soạn Báo Nghệ An đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi của độc giả, phụ huynh và các nhà quản lý giáo dục:

Thầy giáo Nguyễn Văn Quế - Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Trung (Hưng Nguyên):

Chủ trương dừng thu tiền xây dựng là một chủ trương lớn, có tính nhân văn cao của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và động viên người học, và các gia đình có con, em đang trong độ tuổi đến trường, nhất là khi điều kiện kinh tế của người dân còn nghèo, khó khăn. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó khi dừng thu tiền xây dựng đã gây khó khăn cho các trường học phổ thông. Đơn cử như trường chúng tôi là một trường nằm ở vùng nông thôn, ngân sách địa phương ít lại không có doanh nghiệp nào đóng trên địa bàn xã, nếu không vận động nhân dân đóng góp thì lấy đâu ra nguồn kinh phí để tu sửa, nâng cấp, đổi mới về cơ sở vật chất trường, lớp học, các sân chơi, bãi tập, nhà để xe, phòng học chức năng...

Khi triển khai vận động tự nguyện, người đóng, người không,nên nguồn huy động quá ít, rất khó khăn cho nhà trường trong việc xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học.

Cô giáo Đinh Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cửa Nam (TP. Vinh):

Việc vận động theo chủ trương của UBND tỉnh (năm 2008) có ý nghĩa là tự nguyện, không cào bằng, phụ huynh nào có điều kiện kinh tế thì đóng nhiều hơn, phụ huynh nào điều kiện quá khó khăn thì không tham gia đóng. Lý thuyết là vậy, nhưng trong quá trình thực hiện các nhà trường thật sự rất vất vả, bởi tự nguyện, không bắt buộc nên ý thức trách nhiệm của các bậc phụ huynh không phải ai cũng nhận thức được đầy đủ. Những gia đình quá khó khăn, hoàn cảnh không tham gia đóng thì đã đành, nhưng cũng có gia đình mặc dù có điều kiện kinh tế khá nhưng họ vẫn không đóng góp. Một số phụ huynh cho rằng, các em học tập ở trường đều có quyền lợi như nhau nên nghĩa vụ cũng phải thực hiện như nhau, không có lý người đóng nhiều, người đóng ít, thậm chí có người không đóng. Vấn đề đặt ra để có cơ sở vật chất tốt phục vụ cho việc học tập của học sinh thì cần có quy định ràng buộc để gắn trách nhiệm của phụ huynh chăm lo đến môi trường học tập của con em mình.

Thầy giáo Trần Đình Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Sơn (Nam Đàn):

"Không cho thu tiền xây dựng trường nhưng kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất vẫn được đặt ra, vô hình chung đã tạo ra áp lực cho phía các nhà trường; đó còn là áp lực từ dư luận của phụ huynh học sinh cho rằng, mặc dù Nhà nước không bắt đóng tiền xây dựng nhưng nhà trường vẫn bắt buộc đóng. Thử đặt lại vấn đề nếu các điều kiện đảm bảo thì liệu có chuyện lạm thu để mong bù được chi trong các trường học mà dư luận vẫn cho rằng thực tế vẫn diễn ra ở một số trường học hiện nay không?!".

Ông Lê Văn Ngọ - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo:

Quan điểm của tôi là không nên dừng thu tiền xây dựng trường bởi đây là nguồn hỗ trợ cơ bản giải quyết cho các công việc tu bổ, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học, mua sắm thiết bị dạy học. Thực tiễn, việc đóng góp công sức, tiền của để xây dựng cơ sở vật chất đã ăn sâu vào trong tiềm thức của những bậc phụ huynh có con em đi học hàng chục năm qua. Dừng thu tiền xây dựng trường trong khi không có nguồn hỗ trợ của Nhà nước bù vào, tạo bế tắc trong xây dựng cơ sở vật chất. Nhà nước cần nghiên cứu tháo gỡ cho ngành Giáo dục và xã hội cũng nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp trồng người.

Bà Tôn Thị Cẩm Hà - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh:

Phải hiểu rằng, học phí được thu ở học sinh được chi vào các khoản: lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường; một phần điều tiết vào các trường không thu học phí; đầu tư tu sửa, mua sắm cơ sở vật chất trường, lớp học, trang thiết bị dạy học; chi cho các hoạt động thường xuyên. Nghĩa là tiền học phí bao gồm trong đó là tiền phục vụ xây dựng cơ sở vật chất, trường, lớp học. Thế nhưng thực tiễn mức thu học phí hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Trong khi mức thu học phí chưa tăng, nhưng Chính phủ đã đưa ra chủ trương dừng thu tiền xây dựng trường đã thật sự làm cho các trường học gặp khó khăn. Để khắc phục vấn đề này, trước hết Nhà nước cần tăng mức đầu tư ngân sách cho ngành Giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học. Điều quan trọng nữa là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp giáo dục, cùng với Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng cho việc dạy và học. Đồng thời, tăng cường xã hội hóa, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp nguồn lực xây dựng các cơ sở giáo dục.


Mai Hoa (ghi)