Diễn Châu: Bảo vệ rừng ngập mặn

23/08/2011 09:13

Với diện tích hơn 350 ha rừng sú vẹt, rừng ngập mặn Diễn Châu được ví như bức tường xanh bảo vệ cuộc sống người dân các xã ven biển. Những cánh rừng này còn góp phần cải tạo môi trường sinh thái và mang lại nguồn lợi kinh tế lớn với các loài hải sản phong phú.

Với diện tích hơn 350 ha rừng sú vẹt, rừng ngập mặn Diễn Châu được ví như bức tường xanh bảo vệ cuộc sống người dân các xã ven biển. Những cánh rừng này còn góp phần cải tạo môi trường sinh thái và mang lại nguồn lợi kinh tế lớn với các loài hải sản phong phú.

Diễn Kim là xã ven biển có hệ thống sông Lạch Vạn bao quanh với chiều dài hơn 2 km, lợi thế về tiềm năng bãi triều. Tuy nhiên, tính chất triều cường sẽ phức tạp hơn nếu như không làm tốt hệ thống chắn sóng. Vì vậy, từ khi được hưởng Dự án trồng rừng ngập mặn, phòng ngừa thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, Diễn Kim đã nhanh chóng khép kín diện tích, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ, nhằm phát huy tối đa tác dụng của hệ thống rừng ngập mặn.

Ông Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch UBND xã Diễn Kim nói: "Là xã có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất huyện với 180 ha, để đảm bảo sự tồn tại và phát triển rừng thì quan trọng nhất là công tác bảo vệ. Chúng tôi cử 3 tổ bảo vệ, mỗi tổ từ 3 -5 người, ngoài tuần tra, canh gác chống chặt phá, hàng năm tổ còn cộng tác với một số bà con trồng xen canh những cây trồng đã chết và chỗ thưa để khép kín toàn bộ diện tích".


Rừng ngập mặn không những bảo vệ tốt cho các tuyến đê biển, giảm kinh phí sửa chữa, tu bổ đê kè thường xuyên, mà còn mang lại nguồn lợi thủy sản cho nhân dân địa phương. Ước tính mỗi năm có khoảng hơn một ngàn gia đình được hưởng lợi trực tiếp và lâu dài từ nguồn thu hoạch cua, ghẹ, tôm...


Anh Nguyễn Hồng Lưu người dân Diễn Kim, phấn khởi: "Trước đây ở Diễn Kim chưa có rừng ngập mặn, mùa bão lụt người dân rất lo lắng, từ khi có cánh rừng này, người dân được hưởng lợi từ khai thác nguồn hải sản, hiểu rõ về lợi ích rừng mang lại nên đã nâng cao tinh thần, ý thức bảo vệ."


Để có được những cánh rừng xanh tốt mang lại hiệu quả kinh tế như bây giờ, Diễn Châu đã gặp không ít khó khăn, nhất là làm tốt công tác triển khai dự án thực hiện ở 3 xã nghèo Diễn Bích, Diễn Kim và Diễn Vạn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, toàn huyện có 350 ha rừng ngập mặn với các loại cây sú vẹt, đước có độ cao trung bình từ 2,5 đến 5 mét.


Với mục tiêu quản lý bền vững 350ha rừng ngập mặn, đồng nghĩa với việc bảo vệ an toàn hệ thống đê biển trước bão gió triều cường, Diễn Châu đang tập trung mọi biện pháp nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư tại địa phương, và phát huy tối đa hiệu quả của rừng ngập mặn, bảo vệ cho cuộc sống của hàng vạn người dân vùng biển nơi đây.


Đ.P