Thắp sáng ước mơ đầu nguồn sông Giăng

03/10/2011 14:30

Vào hạ tuần tháng 8 vừa qua, chúng tôi đã có chuyến ngược dòng sông Giăng vào bản Búng, dự lễ khánh thành và bàn giao trường Tiểu học Môn Sơn 3 - điểm trường xa nhất của xã biên giới Môn Sơn (Con Cuông- Nghệ An). Đây là công trình do BĐBP Nghệ An làm chủ đầu tư và Tổng công ty tài chính dầu khí Việt Nam tài trợ nhằm nâng cao đời sống người dân Đan Lai nơi đầu nguồn sông Giăng.

(Baonghean) - Vào hạ tuần tháng 8 vừa qua, chúng tôi đã có chuyến ngược dòng sông Giăng vào bản Búng, dự lễ khánh thành và bàn giao trường Tiểu học Môn Sơn 3 - điểm trường xa nhất của xã biên giới Môn Sơn (Con Cuông- Nghệ An). Đây là công trình do BĐBP Nghệ An làm chủ đầu tư và Tổng công ty tài chính dầu khí Việt Nam tài trợ nhằm nâng cao đời sống người dân Đan Lai nơi đầu nguồn sông Giăng.

Đồng bào Đan Lai nơi đầu nguồn sông Giăng (còn gọi là khe Khặng) có 3 bản là Cò Phạt, Khe Cồn và bản Búng với 176 hộ dân. Thực hiện dự án "Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát" từ năm 2006 đến nay đã di dời tái định cư được hơn 60 hộ ra bản Tân Sơn và Cửa Rào (xã Môn Sơn) và bản Bá Hạ (xã Thạch Ngàn), còn hơn 110 hộ nữa vẫn còn ở lại trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Với mục tiêu vừa đảm bảo an ninh biên giới, kết hợp bảo vệ rừng và phát triển du lịch sinh thái tuyến Phà Lài - Cò Phạt thì cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng như mở đường giao thông, xây dựng trường học, trạm xá cho đồng bào Đan Lai nơi đây.

Đến nay, bản Búng đã có trạm xá quân dân y và trường Tiểu học khang trang. Trường Tiểu học có 5 phòng học với đầy đủ trang thiết bị dạy và học, một nhà công vụ 3 phòng kiên cố và một sân chơi thoáng rộng láng xi măng. Trò chuyện với chúng tôi, các thầy cô của trường không dấu được niềm vui mừng, xúc động trước ngôi trường mới. Nhưng bên cạnh niềm vui vô bờ ấy các thầy cô cũng thổ lộ rằng, vẫn còn nhiều khó khăn, gian nan trước mắt, chẳng hạn như tài liệu sách vở, đồ dùng dạy học... còn thiếu thốn.



Thầy, cô giáo vượt sông Giăng đến truờng.



Một tiết học của cô, trò Trường Tiểu học bản Búng.



Công trình nước sạch được đầu tư tại trường.

Trạm xá quân dân y bản Búng cũng vừa khánh thành trước đó chưa lâu. Theo Thiếu tá Vũ Văn Quỳnh, tổ trưởng BP bản Búng phụ trách trạm xá này cho biết, hiện trạm xá đã có một y sỹ cùng cơ sở vật chất khang trang, một lượng thuốc men tương đối khá do một phần đơn vị cấp và còn lại do Nhà nước tài trợ đủ để khám và điều trị các bệnh thông thường.

Để hoàn thành công trình trường Tiểu học và trạm xá bản Búng, những người dày công nhất là các cán bộ chiến sỹ Biên phòng Nghệ An ở phòng hậu cần và đồn Biên phòng Môn Sơn. Đại úy Nguyễn Thành Hội, người theo dõi trực tiếp các công trình này kể lại: "Chỉ tính riêng công trình trường Tiểu học Môn Sơn 3 bản Búng với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng trong điều kiện giá vật tư luôn biến động tăng cao, phần xây lắp chiếm tới gần 2,2 tỷ đồng, trong đó chi phí cho khâu vận chuyển nguyên vật liệu đã chiếm tới một nửa giá trị xây lắp. Khó khăn vất vả nhất là khâu vận chuyển vật tư tới công trình. Do yêu cầu đặt ra phải hoàn thành kịp khai giảng năm học mới, thời điểm khởi công đúng vào mùa nước cạn, trọng tải thuyền máy đạt rất thấp (chỉ còn 150 kg/chuyến), mỗi chuyến như vậy phải huy động các chiến sỹ lội suối đẩy thuyền qua ghềnh thác hàng chục lần rồi từ bến thuyền còn phải gùi, mang vác leo dốc lên tới công trình. Khó khăn là thế nhưng bằng quyết tâm và sự đồng lòng chung sức của các đơn vị từ thiết kế, thi công, giám sát...nên công trình đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và yêu cầu kỹ thuật".

Thêm một tín hiệu vui nữa đến với bản Búng, sắp tới Đồn sẽ tiếp tục lập dự án xây dựng trường Mầm non cho bản; thay thế lớp học tạm bằng tranh tre, liếp nứa bên cạnh trường Tiểu học. Thêm một công trình mới nơi đây là thêm một lần thắp sáng niềm vui, thắp sáng ước mơ cho trẻ em Đan Lai nghèo khó nơi đầu nguồn sông Giăng.


Mai Hồ Minh - Ảnh: Hồ Minh - Thu Hương