Niềm hy vọng từ những đồi cao su

12/09/2011 09:35

Giữa những ngày tháng 9 lịch sử, chúng tôi vinh dự được đi cùng với đoàn công tác của Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An, vượt rừng lên huyện miền núi Thanh Chương, lên với những người công nhân lam lũ một nắng hai sương để trồng lên bạt ngàn cao su cho núi rừng thêm xanh, cho cuộc sống người dân miền núi ngày một ấm no hơn.

(Baonghean) - Giữa những ngày tháng 9 lịch sử, chúng tôi vinh dự được đi cùng với đoàn công tác của Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An, vượt rừng lên huyện miền núi Thanh Chương, lên với những người công nhân lam lũ một nắng hai sương để trồng lên bạt ngàn cao su cho núi rừng thêm xanh, cho cuộc sống người dân miền núi ngày một ấm no hơn.

Trở lại Thanh Chương sau gần một năm, đúng vào dịp kỷ niệm Cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh, cũng là ngày ra quân trồng mới cây cao su đầu tiên trên quê hương Bác Hồ kính yêu, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự phát triển kỳ diệu của cây cao su trên các núi đồi Anh Sơn, Thanh Chương. Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (CNCSVN) Trần Ngọc Thuận báo cáo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác rằng: Cây cao su trồng trên vùng đất miền Tây xứ Nghệ này phát triển tốt hơn một số vùng các tỉnh Nam bộ, đây là tín hiệu đáng mừng để Nghệ An mở rộng diện tích cao su ra một số huyện trong tỉnh.

Đứng giữa đồi cao su một năm tuổi thuộc vùng Đá Hàn, huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Phát triển Cao su Nghệ An giới thiệu về quá trình phát triển cây cao su trên vùng đất xứ Nghệ. Ngay sau khi tiếp nhận chủ trương phát triển cây cao su của Tập đoàn CNCSVN, được sự vào cuộc quyết liệt của UBND, các ban ngành trong tỉnh, tháng 7/2007, Công ty CP Đầu tư - Phát triển Cao su Nghệ An ra đời với số vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Ngay sau khi thành lập, Công ty nhanh chóng tiếp nhận 2.085,5 ha đất từ Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn để triển khai dự án trồng cao su. Mở đầu cho "chiến dịch" phát triển cây cao su trên đất xứ Nghệ được đánh dấu vào ngày 12/9/2010 khi lễ ra quân trồng mới cây cao su được tổ chức tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương với sự có mặt của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đại diện Tập đoàn CNCSVN, lãnh các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Nghệ An, địa phương và đông đảo nhân dân trong vùng dự án. Cũng theo ông Hiền, để đáp ứng yêu cầu công việc, Công ty đã tuyển dụng 175 cán bộ, công nhân viên được chia làm 4 đơn vị phòng ban chuyên môn với 3 đơn vị sản xuất trực thuộc gồm: Nông trường Cao su 12-9 Anh Sơn, Nông trường Cao su Quế Phong và đội sản xuất cây giống. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát của ban lãnh đạo Công ty cộng với đội ngũ công nhân viên trẻ trung, tâm huyết với công việc, đến nay cây cao su đã tỏa bóng xanh tốt.


Tổng Giám đốc Tập đoàn CN Cao su Việt Nam kiểm tra đồi cao su 1 năm tuổi ở Nông trường cao su 12/9.

Chủ tịch HĐQT Công ty, Phạm Trung Thái, người "tham chiến trận mạc" từ những ngày đầu mới thành lập phấn khởi nói: "Những ngày đầu khai hoang, đưa cây cao su lên miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn, thậm chí có những lúc tưởng chừng như không thể thực hiện được. Nhưng nhờ sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, sự động viên của Tập đoàn CNCSVN; Tỉnh ủy, UBND, UBMTTQ tỉnh Nghệ An, lãnh đạo huyện Thanh Chương, Anh Sơn và bà con nhân dân trong vùng dự án, mọi khó khăn dần qua đi, cây cao su đã vươn lên, góp phần tạo nên màu xanh mới".

Báo cáo của Công ty cho thấy, đến nay Công ty đã khai hoang trồng mới được hơn 200 ha cao su ở các huyện Anh Sơn (trên 97 ha) và Thanh Chương (trên 112 ha); sản xuất hàng chục vạn cây giống đáp ứng đủ nhu cầu trồng mới 2.500 ha năm 2011. Cây cao su phát triển trên quê hương Bác sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm cán bộ, công nhân viên và hàng ngàn lao động hợp đồng thời vụ. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ vốn cho người dân nhận khoán để trồng xen canh cây màu và phát triển chăn nuôi nhằm tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Sau khi tham quan vườn cây cao su, Chủ tịch nước thăm hỏi ân cần các công nhân đang làm việc. Công nhân Nguyễn Thị Hằng thưa với Chủ tịch nước rằng: "Cháu nguyên là công nhân lâm nghiệp Anh Sơn chuyển sang làm việc tại Công ty CP Đầu tư - Phát triển Cao su Nghệ An, cháu thấy, vào công nhân cao su có việc làm ổn định, thu nhập khá, mức sống của người lao động được nâng lên rõ rệt, bởi thu nhập bình quân mỗi tháng đạt trên 3,5 triệu đồng. Ngoài tiền lương, người lao động còn được hưởng các khoản như tiền ăn trưa, tiền xăng xe, và được đóng quyền lợi bảo hiểm các loại. Chúng cháu hứa sẽ luôn gắn bó với cây cao su bởi cây cao su mang lại hiệu quả kinh tế cao".

Phấn khởi trước những kết quả ban đầu Công ty CP Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An đạt được trong một năm trồng mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận, đánh giá cao về sự nỗ lực phấn đấu của tập thể CB CNV Công ty. Mặc dù bước đầu bắt tay thực hiện dự án phát triển cao su ở vùng miền Tây xứ Nghệ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, diện tích đất để trồng cao su còn khiêm tốn nhưng số diện tích cao su trồng chưa đầy một năm tuổi đã phát triển tốt tươi. Đây khẳng định sự quyết cố gắng của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện, xã và những công nhân gắn bó với cây cao su. Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Nghệ An, các huyện, xã phải bằng mọi biện pháp tạo quỹ đất, để giúp Công ty tiếp tục phát triển diện tích cao su đại điền lên hàng chục ngàn ha, để tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các vùng miền núi khó khăn.

Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An báo cáo với Chủ tịch nước: "Tỉnh Nghệ An đã quy hoạch được 25.000 ha đất để phát triển cao su. Phấn đấu từ nay đến 2020, Nghệ An sẽ đưa tổng diện tích cao su trồng mới lên đạt trên 10.000 ha".

Tạm biệt Thanh Chương, tạm biệt những người một nắng hai sương để trồng lên những mùa cao su xanh tốt, nhằm góp phần vào công cuộc phát triển quê hương ở miền Tây xứ Nghệ xa xôi này.


Anh Bình