Bài 2: Chênh vênh Chà Coong

07/10/2011 11:04

Hiện nay, tại bản Chà Coong, xã Hữu Dương cũ vẫn còn trên 40 hộ dân đang cố bám trụ tại nơi ở cũ, bất chấp nghèo đói, hiểm nguy, bất trắc do nước ngập, mưa lũ thiên tai. Đó là chưa kể những hộ dân này hoàn toàn không có hộ khẩu, hộ tịch, con em không được đến trường, các điều kiện về y tế, giáo dục, sinh hoạt văn hóa cộng đồng không hề có. Mặt khác, việc bà con tự ý ở lại trong vùng lòng hồ cũng đang đặt chính quyền vào thế khó. Những hộ dân này phát rừng làm rẫy khiến rừng đầu nguồn lâm nguy.

(Baonghean) - Hiện nay, tại bản Chà Coong, xã Hữu Dương cũ vẫn còn trên 40 hộ dân đang cố bám trụ tại nơi ở cũ, bất chấp nghèo đói, hiểm nguy, bất trắc do nước ngập, mưa lũ thiên tai. Đó là chưa kể những hộ dân này hoàn toàn không có hộ khẩu, hộ tịch, con em không được đến trường, các điều kiện về y tế, giáo dục, sinh hoạt văn hóa cộng đồng không hề có. Mặt khác, việc bà con tự ý ở lại trong vùng lòng hồ cũng đang đặt chính quyền vào thế khó. Những hộ dân này phát rừng làm rẫy khiến rừng đầu nguồn lâm nguy.

Chúng tôi rời bản Xốp Lằm, bơi thuyền thêm chừng 2km nữa là đến bản Chà Coong. Anh lái thuyền Lương Văn Thắng chỉ về những ngôi nhà lá nằm ven đồi, dăm chiếc bè nổi thấp thoáng xa xa trên mặt hồ, cho biết: Những năm trước, Chà Coong là một bản đông vui sầm uất nhất bên dòng Nậm Nơn này. Vì lợi ích chung, phần lớn bà con người Thái ở đây đã vui vẻ thực hiện chủ trương di dời. Nhưng vẫn còn trên 40 hộ tại bản vẫn cố bám trụ lại, chưa di dời. Họ đang thực hiện chiến lược "cố thủ" lâu dài bằng việc tự bầu trưởng bản và chia dân thành 2 khu vực, tự đào đường giao thông dài gần 1km và xây dựng ống dẫn nước ở dưới lòng hồ lên khu dân cư. Có một số hộ dân đã đến khu tái định cư rồi lại trở về, vì bản cũ đã ngập nước, họ chặt nứa, kết bè sống tạm trên lòng hồ...Trong gió hồ lạnh lẽo, lời anh Thắng nói về Chà Coong, về bản thân mình, câu được câu mất: "Đôi khi người ta cứ bám víu vào quá khứ để lãng quên hiện tại. Nhưng suy cho cùng, hình như mọi người cố chịu đựng cái khổ cực hiện hữu để đòi hỏi thêm quyền lợi ở tương lai...".



Nhà bè và nhà ven hồ của người dân.

Đường thủy đến Chà Coong, song hành cùng chúng tôi là ông Lương Công Đoàn, năm nay đã 70 tuổi, già làng còn lại của bản. Tấm áo mỏng không ngăn nổi cái lạnh của gió hồ, môi tím tái, ông Đoàn nặng nhọc khua mái chèo rẽ nước về bản. Anh lái thuyền Lương Văn Thắng cho thuyền máy gần lại kéo thuyền ông Đoàn cùng về. Rảnh tay chèo, ông Đoàn sửa sang lại đám lưới trong lòng thuyền, gói ghém khẩu súng kíp. Ông hậm hực kể: "Hôm nay, đi giăng lưới, trời lạnh quá không được con nào; thăm bẫy mà bẫy trống". Bản Chà Coong giờ chia làm hai nhóm dân cư, một nhóm ở bè trên hồ và một nhóm trên sườn núi. Nhà "người thủ lĩnh tinh thần của bản" Lương Văn Đoàn ngay sát đường lên núi. Rũ bỏ nét mặt kém vui vì trắng tay sau một buổi lao động, già Đoàn mời chúng tôi thăm nhà. Hỏi thăm tình hình của bản hiện nay, ông Lương Văn Đoàn cho hay: Trước đây bản có 178 hộ, nay còn 47 hộ chưa di dời, cộng thêm khoảng 10 hộ di dời theo nguyện vọng nay quay về, có xấp xỉ 60 gia đình. Theo lý giải của ông Đoàn, có nhiều nguyên nhân khiến người dân ở đây vẫn chưa di dời nhưng gói gọn lại là do chưa nhận được đền bù thỏa đáng, rồi bà con ở đây di dời sau thấy cuộc sống ở khu tái định cư không ổn định nên không muốn đi nữa.

Về chuyện của bản, ông Đoàn nói: "Diện tích đất nhiều, dân bản tha hồ phát nương làm rẫy. Năm trước, huyện cấm phát rừng ràm rẫy nên bà con băn khoăn mãi khiến vụ mùa chậm. Rút kinh nghiệm, năm nay bà con làm rẫy từ sớm nên mùa màng cũng tốt. Điện thì mỗi nhà mua một cái máy đặt ở khe, máy nhỏ thì 600-700 nghìn, máy to thì 3 triệu, đủ thắp sáng, coi tivi. Đời sống bà con giờ cơ bản ổn định: không thuộc bản nào nữa, không trưởng bản, bí thư, không có xã, không bản, sống độc lập, tự cung tự cấp... chuyện học của các cháu phải đi gửi ở các xã lân cận, các chế độ ưu tiên, hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn không còn nên tiền học phải đóng bình thường. Về chuyện chữa bệnh, vì không thuộc xã nào nên không được bảo hiểm y tế". Hỏi chuyện về chấp hành chủ trương di dời, ông Đoàn nói: "Bà con mong muốn được tái định cư tại chỗ và được sát nhập vào xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương. Nói là những xã trong lòng hồ phải di dời sao những xã Mai Sơn, Nhuân Mai, Hữu Khuông (xã ở vùng cao hơn - PV) cũng bên hồ sao không phải di dời?". Ông Đoàn mặc cả: "Chưa di dời vì đền bù như hiện tại là chưa được, ví dụ như một gốc mét 10 cây mới được đền bù 10 cây nhưng gốc thì không đền bù...".


Cá nhỏ, cà xanh là những thực phẩm hàng ngày của bà con Chà Coong.

Theo chỉ dẫn của ông Đoàn, chúng tôi đến chia buồn cùng gia đình anh Lương Hoàng Gia, 33 tuổi (có bố là Lương Văn Xuân mới mất 1 tháng, do bệnh hiểm nghèo mà không chạy chữa kịp thời ngay lúc phát bệnh). Quanh nhà anh Gia trồng rất nhiều sắn. Anh Gia cho biết: "Sắn này không giống loại cao sản như dưới xuôi, loại này để nấu rượu, luộc ăn. Trên này sắn trồng thế nào cũng tốt chứ ở Thanh Chương, đất trồng đến vụ thứ 3 thì không cho củ nữa"... Hóa ra, gia đình anh Gia cũng đã về Thanh Chương nhận phần đất tái định cư. Anh giải thích việc đã nhận đất mà không di dời: "Xuống đó nhận đất thì được hơn 3000 m2 song mới chỉ nhận được cọc thôi, người về trước đã chiếm hết đất của người về sau nên không có đất sản xuất. Gia đình có người làm nhà nước thì còn đỡ, chứ nông dân không có đất thì lấy gì ăn. Nơi ở mới, điện, đường, trường, trạm thuận tiện thật nhưng đời sống lại không hơn, bố mẹ không làm ăn được thì nói gì chuyện con cái phát triển, thành đạt...". Xuống thử 2 tháng, anh Gia lại về. Hiện sinh kế gia đình chủ yếu vẫn tiếp tục theo nếp cũ: phát rẫy chăn nuôi, gia đình đưa thêm xoan về trồng lấy gỗ. Lương Hoàng Gia cũng thú nhận: "Bố mất cũng vì không bảo hiểm, ra bệnh viện thì xa và sợ tốn kém nên ngần ngại chậm đi, đến khi đau nặng thì đã muộn. Chuyện học hành con cái cho đúng là khổ thật. Từ nhà sang trường chỉ 4 km nhưng là 4km mặt hồ nên gia đình làm cho cháu một cái lều gần trường theo học, 3-4 tuần mới đón được cháu về 1 lần, không thì gửi gạo sang, trăm sự nhờ thầy cô. Thương con, cũng muốn về nơi ở mới nhưng tình trạng kinh tế bấp bênh. Đề nghị cấp trên giải quyết tranh chấp đất, bố trí thêm ruộng nước, không thì khó trụ".

Có nhiều lý do khiến những hộ đồng bào dân tộc Thái ở đây vẫn quyết tâm ở lại. Một số hộ dân không chấp nhận giá đền bù, một số hộ khác đã nhận đủ tiền đền bù nhưng chưa chịu đi và nhiều hộ dân khác quay về bản cũ vì không sống được ở khu tái định cư. Những người đang cố bám trụ lại ở Chà Coong và những người quay lại quên rằng họ đang chịu cảnh nguy cơ với ô nhiễm, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt, mùa mưa lũ đang đến gần, tính mạng bà con, kể cả nhà cửa, tài sản rất dễ bị nhấn chìm trong biển nước.

Trần Hải-Thành Chung-Công Kiên