Kỳ 2: Đất "vàng vui", dân không vui

23/09/2011 18:39

(Baonghean.vn). Dòng Nậm Quàng bắt nguồn từ Lào về, chảy mải miết xuyên qua Quang Phong, Cắm Muộn... (Quế Phong) quanh năm nước ngầu đỏ do nạn khai thác vàng bừa bãi. Mùa khô, dễ thấy cả lòng sông lổn nhổn hầm hố, hai bên bờ nứt toác hoác. Mang danh đất "vàng vui" mà dân bản chẳng bao giờ được vui !

Đào vàng trên cả đất lúa

Trưởng bản Toản khẳng định: Vàng sa khoáng ở Cắm Muộn có ở khắp mọi nơi, cũng vì thế mà những năm 80 của thế kỷ trước, dân tứ xứ đổ về tìm vàng. Con sông Nậm Quàng vốn trong xanh nhưng quanh năm ngầu đỏ vì đục khoét để tìm vàng.

Cánh đồng lúa rộng trên 200 ha, Công ty CP Tân Thành đang xin thủ tục khai thác vàng.

Bản làng trở nên xơ xác, tiêu điều. Cắm Muộn có trên 200 ha lúa trải dài trên một thung lũng tuyệt đẹp, như một biểu tượng của sự no ấm trường tồn nhờ. lúa nước. Đầu năm 2006, bỗng dân bản Cắm thấy người ta mang theo máy móc, thiết bị lội ra giữa cánh đồng đo đạc rồi cắm mũi khoan giữa cánh đồng. Dân bản Cắm thực sự "choáng váng" khi hay tin Công ty CP Thành Tân tổ chức thăm dò vàng trên diện tích lúa.

Ông Lữ Thanh Bình - Chủ tịch xã Cắm Muộn kể: Theo giấy phép, họ được đào 70 hố thăm dò, mỗi hố rộng 2 mét, sâu 10 mét. Do làm hư hỏng lúa của dân nên đào được khoảng hơn 10 hố thì người dân đổ ra ngăn chặn không cho công ty trên tiếp tục thăm dò. Bà Lô Thị Dực ở bản Cắm nói tiếng Kinh bập bõm, bức xúc: "Gia đình tui làm được 2 sào lúa, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ lúa nuôi sống cả gia đình 5 người. Chúng tôi kiên quyết phản đối không cho Công ty nào vào khai thác vàng làm mất đất lúa". Ông Lô Văn Túng có tới 5 sào lúa nói: "Đây là nguồn sống của dân bản Cắm chúng tôi nên bà con nhất quyết không để ai lấy đất.

Ông Túng kể: Thung lũng "vàng vui" vốn là "cánh đồng thiêng", cả ngàn đời nay chẳng ai dám đào bới để tìm vàng. Bây giờ có cho dân bản vàng trên đất này cũng chẳng ai đào vì bao đời nay thung lũng này đã giúp người dân vượt qua cơn đói giáp hạt. Trưởng bản Toán giọng buồn bã: "Bản Cắm có đến 3 bản, có khoảng 350 hộ dân, tất cả phụ thuộc vào hơn 70 ha lúa ở thung lũng này, nếu Công ty lấy đất làm vàng thì người dân chúng tôi biết lấy gì mà sống".

Anh Nguyễn Huy Hùng-Chuyên viên phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quế Phong cho biết: Công ty CP Thành Tân được Bộ Tài nguyên Môi trường cho phép được thăm dò trên 200 ha diện tích lúa nước của Cắm Muộn trong năm 2006-2007. Tuy nhiên, trước phản ứng mạnh mẽ của bà con Cắm Muộn nên Công ty chưa hoàn thành thăm dò. Bộ Tài nguyên Môi trường tiếp tục gia hạn cho Công ty được phép thăm dò trong năm 2008.

Nậm Ton, dòng khe đổi màu

Hiện tại khu vực suối Nậm Ton, xã Quang Phong có một số công ty đang khai thác theo hình thức cuốn chiếu dọc theo dòng suối với chiều rộng khoảng 20m, chiều sâu không quá 3 mét.

Tuy nhiên, anh Lô Văn Tuấn - cán bộ xã Quang Phong cho biết: Hầu hết các công ty này vào khai thác tại Nậm Ton hầu như không trả lại mặt bằng, gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, có công ty đã thoả thuận với một số bà con dân bản để mua đất khai hoang trồng lúa của dân để khai thác vàng. Ông Lang Văn T, người dân địa phương nói: "Tôi đã bán cho Công ty đất khai hoang trồng lúa với giá 75 triệu đồng (theo hình thức thoả thuận giữa hai bên), trong đó xã Quang Phong thu 20 triệu đồng, tôi được nhận 55 triệu đồng". Hiện nay mùa mưa lũ, máy móc khai thác vàng của các công ty đã rút về, nhưng người dân khắp nơi đang đổ về Khe Ton để mót vàng, đào bới khiến lòng sông đổi màu, nước luôn ngầu đỏ.

Tại địa bàn xã Quang Phong còn có các Công ty TNHH -Bắc Sơn được khai thác quặng vàng từ ngày 25/6/2011 với diện tích gần 16 ha. Công ty CP truyền thông Lạc Việt khai thác tại xã Cắm Muộn, đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng như làm đường và kéo đường điện vào mỏ vàng. Bên cạnh đó còn có khá nhiều công ty đang làm thủ tục để xin được khai thác vàng trên địa bàn huyện Quế Phong khai thác dọc sông Quàng, Cắm Muộn.


Nhóm phóng viên