Bài 1: Bức bách từ thực trạng

07/09/2011 10:35

Là một tỉnh có địa bàn rộng, dân số đông, nhưng một quãng thời gian dài, vì chưa có hướng đi hợp lý nên nền Y học tỉnh nhà có nhiều bước tụt hậu so với mặt bằng chung cả nước; Chưa theo kịp những tiến bộ của khoa học, đồng thời duy trì quá lâu mô hình bệnh viện đa khoa khiến cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân còn nhiều hạn chế, không thu hút được đội ngũ bác sỹ giỏi về với tỉnh nhà...

(Baonghean) - Là một tỉnh có địa bàn rộng, dân số đông, nhưng một quãng thời gian dài, vì chưa có hướng đi hợp lý nên nền Y học tỉnh nhà có nhiều bước tụt hậu so với mặt bằng chung cả nước; Chưa theo kịp những tiến bộ của khoa học, đồng thời duy trì quá lâu mô hình bệnh viện đa khoa khiến cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân còn nhiều hạn chế, không thu hút được đội ngũ bác sỹ giỏi về với tỉnh nhà...

Vì thế, chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều bệnh nhân người Nghệ An phải khăn gói ra các bệnh viện ở Hà Nội, vào Thành phố Hồ Chí Minh, Huế... để chữa trị. Trước năm 2006, hàng trăm bệnh nhân suy thận của Nghệ An phải ra Bệnh viện Bạch Mai, Viện Quân y 108... ở Hà Nội để vừa làm thuê, vừa chạy thận duy trì sự sống. Bác sỹ Trịnh Bá Vệ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vận tải Vinh nhớ lại: "Thời ấy, tôi ra tham quan một số bệnh viện ở Hà Nội, thấy bệnh nhân suy thận ở Nghệ An đông quá, tôi đã bàn tính để Bệnh viện Giao thông có được những máy lọc máu đầu tiên mà thời gian đầu phải phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai để đặt máy".

Đối với nhiều căn bệnh khác như ung thư, chấn thương sọ não, thay máu cho trẻ vàng da, bạch cầu cấp ở trẻ em hay nhiều kỹ thuật tiên tiến như mổ tim, mổ não, mổ khớp, chữa vô sinh... các bệnh nhân đều buộc phải chuyển tuyến. Có những trường hợp ra được Trung ương với quãng đường dài thì đã quá muộn, rồi những chi phí phát sinh khiến cho nhiều người bệnh đành chấp nhận về nhà và buông tay đầu hàng bệnh tật..


Sự quá tải, chật chội ở các khoa, phòng Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Cụ thể, như ở chuyên khoa Huyết học- truyền máu, mỗi năm Nghệ An cần tối thiểu 60.000 đơn vị máu nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được 10%, trong khi nhu cầu sử dụng máu và chế phẩm máu ngày càng tăng (mỗi năm tăng khoảng 20-30% so với năm trước). Hay như chuyên khoa Sản, với dân số hơn 3 triệu người, trong đó phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm gần 1/3, hàng năm tỉnh ta có khoảng 45.000 trẻ được sinh ra, vậy nhưng tỉnh ta mới có 8/19 bệnh viện tuyến huyện thành lập được khoa Sản, còn lại vẫn chung với khoa Ngoại, các bác sỹ chuyên ngành Sản vẫn còn thiếu, thậm chí thiếu nhiều ở tuyến tỉnh. Hiện chúng ta mới chỉ tiến hành được các phẫu thuật mở trong sản khoa, khám và điều trị bệnh phụ khoa thông thường chứ chưa triển khai các kỹ thuật cao hơn như ung thư trong sản phụ khoa, nội tiết, cắt tử cung bằng nội soi, thụ tinh trong ống nghiệm... Hay đối với căn bệnh ung thư, mỗi năm trung bình tỉnh ta có khoảng 4-5000 người mắc bệnh, hơn 1700 ca tử vong do ung thư các loại trong khi các cơ sở y tế tại Nghệ An hiện chưa có khoa ung bướu. Hầu hết các bệnh nhân đến cơ sở y tế khám và phát hiện bệnh đều ở giai đoạn muộn và đều phải chuyển tuyến, số được phát hiện và chữa trị kéo dài thời gian tuổi thọ là rất ngắn. Với thực trạng hiện có, ngành chỉ mới đáp ứng khoảng 15% nhu cầu thực tế về khám, chữa bệnh của bệnh nhân ung thư.

Trong lĩnh vực Chấn thương- Chỉnh hình, một điều dễ nhận thấy là sự liên tục quá tải của Khoa Chấn thương Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh và nhiều kỹ thuật cần được triển khai đã không thể tiến hành do điều kiện trang thiết bị, nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Không phủ nhận rằng, trong những năm gần đây, tỉnh ta đã có những bước đột phá phát triển về y tế, đặc biệt là những thành công trong công tác xã hội hoá. Chúng ta đã có 26 bệnh viện công lập trong đó 9 bệnh viện tuyến tỉnh, 2 trung tâm có giường bệnh với các chuyên ngành: Nhi, Tâm thần, Lao và bệnh phổi, Nội tiết, Y học cổ truyền... cộng với 8 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tư nhân. Thế nhưng, ngay tại thời điểm này, tỉnh ta mới chỉ đạt tỷ lệ 5,7 bác sỹ/vạn dân (bình quân chung của cả nước là 7 bác sỹ/vạn dân), tỷ lệ giường bệnh đạt 17,5 giường/vạn dân (chỉ tiêu Chính phủ giao đến năm 2015 phải đạt 25 giường/vạn dân). Công suất sử dụng giường bệnh ở bệnh viện công lập tuyến tỉnh luôn quá tải như: Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh (130%), Bệnh viện Nhi (138%), Bệnh viện Y học cổ truyền (194%)... Việc định hướng phát triển cho từng chuyên khoa, chuyên khoa mũi nhọn chưa cụ thể, dẫn đến quy hoạch chuyên môn tại các viện còn lúng túng, chưa phát huy hết khả năng chuyên môn trong số cán bộ, nhất là cán bộ sau đại học. Việc chuyên môn hoá vẫn mặc nhiên được xem như chỉ cần phát triển thêm các khoa phòng trong một bệnh viện đa khoa. Nhìn vào thực tế ấy, các bác sỹ mới ra trường hoặc ở nơi khác không muốn về công tác, nhất là nếu như họ đã học chuyên sâu vì chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì khó "chen chân" và nếu vào được rồi thì có thể vẫn khó có cơ hội làm việc ở một khoa chuyên ngành nếu như khoa ấy đã đủ bác sỹ.

(còn nữa)


Thùy Vinh